Muốn tìm kiếm lợi nhuận, giới đầu tư Hàn Quốc đổ gần 200 tỷ USD vào các tài sản nhiều rủi ro ở nước ngoài

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc đầu tư vào tài sản thay thế khi tỷ suất sinh lời từ cổ phiếu và trái phiếu bị sụt giảm...

Việc muốn tìm kiếm lợi nhuận đang khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc đổ hàng chục tỷ USD vào các tài sản “phi truyền thống” ở nước ngoài khiến rủi ro thua lỗ tăng cao.

Theo đó, quy mô tài sản thay thế như bất động sản, cơ sở hạ tầng, vốn cổ phần tư nhân và các tài sản nợ, và các quỹ phòng hộ mà các nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã tăng lên hơn 173 tỷ USD trong năm nay, một con số kỷ lục, theo Samsung Securities và Korea Investor Service. Con số này hơn nhiều so với mức 158 nghìn tỷ won được nắm giữ bởi các nhà quản lý quỹ, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và môi giới vào cuối năm 2018 và 118 nghìn tỷ won trong năm 2017.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc đầu tư vào tài sản thay thế khi tỷ suất sinh lời từ cổ phiếu và trái phiếu bị sụt giảm. Quy mô toàn cầu của các sản phẩm như thế đã tăng hơn ba lần trong thập kỷ qua lên 9,5 nghìn tỷ USD trong năm 2018 và dự báo sẽ tăng lên 14 nghìn tỷ USD vào năm 2023, theo dữ liệu của Preqin. Tuy nhiên, loại tài sản này có thể khiến người mua gặp rủi ro lớn hơn so với chứng khoán thông thường, bởi vì chúng thường ít thanh khoản và minh bạch.

Đầu tư vào tài sản thay thế ở Hàn Quốc đang tăng nhanh trong năm 2019. Ảnh: Bloomberg

Một số rủi ro đã xuất hiện

Một phát ngôn viên của công ty môi giới cho biết, một quỹ bất động sản Úc do KB Securities huy động, đang cố gắng lấy lại các khoản đầu tư của mình sau khi xảy ra tranh chấp với đối tác địa phương. Các nhà đầu tư tổ chức đã đổ 236 tỷ Won vào quỹ và các nhà đầu tư bán lẻ đã rót vào 90,4 tỷ Won trong đó.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Shinhan nói rằng, một số chứng khoán phái sinh gắn liền với một quỹ bất động sản Đức được bán bởi Shinhan Investment đã bị kéo dài thời gian đáo hạn vì các vấn đề với các tài sản cơ sở. Khoảng 380 tỷ won chứng khoán như vậy đã được bán.

Lime Asset Management, công ty quỹ phòng hộ lớn nhất của Hàn Quốc, cho biết, tháng trước họ đã đóng băng việc rút 710 triệu USD từ quỹ của mình, một số trong đó đầu tư vào tài sản thay thế như CDO (collateralized loan obligations)…

Các công ty môi giới Hàn Quốc có nhiều tài sản thay thế ở nước ngoài, nhưng họ không thể bán được, và điều này có thể gây rủi ro cho họ, một công ty xếp hạng địa phương đã cảnh báo hồi tháng 9. Tài sản chưa thể bán mà các công ty môi giới đã nắm giữ trong hơn sáu tháng đã lên tới 1,3 nghìn tỷ won, trong khi con số này chỉ là 500 tỷ won vào năm 2018.

Ông Andy Kim, một nhà phân tích tín dụng tại Samsung Securities cho biết, từ những thực tế trên, chúng ta cần thiết lập một quy trình đúng đắn để giảm thiểu rủi ro. “Việc lựa chọn các loại tài sản thay thế cần cẩn trọng hơn bởi sự cạnh tranh khốc liệt khiến chúng có thể được định giá quá cao”.

Ông Kim hy vọng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tăng cao hơn. Trong đó, các cơ sở 5G và các dự án năng lượng tái tạo của châu Âu là những tài sản ít rủi ro hơn do ít bị ảnh hưởng bởi sự dao động trong chu kỳ kinh tế.

Các tổ chức của Hàn Quốc cần tăng tỷ suất sinh lời các khoản đầu tư của họ để tăng quỹ hưu trí quốc gia. Hiện quỹ này có 708 nghìn tỷ won tài sản. Tuy nhiên, khi triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu đang tăng lên và việc hạ lãi suất khiến tỷ suất sinh lời suy giảm, một số nhà đầu tư đã chấp nhận rủi ro nhiều hơn khi muốn tìm kiếm thêm lợi nhuận.

Sự hoài nghi cần thiết

Ông Lee Do-yoon, giám đốc đầu tư của Hiệp hội Tương trợ Cảnh sát ở Seoul, nói rằng gần đây nhân viên của ông đề nghị quỹ đầu tư vào một nhà máy điện ở bang New York vì lợi nhuận tiềm năng cao. Dù vậy, theo ông Lee, anh này chưa tới thăm nhà máy này, thậm chí không biết chính xác địa chỉ nhà máy, nên ông đã từ chối đầu tư.

“Không phải tất cả các khoản đầu tư thay thế là xấu nhưng các nhà quản lý quỹ nên tránh đầu tư bừa bãi vào các tài sản lạ. Sẽ thật là vô lý nếu các quỹ tránh đầu tư vào trái phiếu rác, nhưng lại mù quáng rót tiền vào các công ty không được xếp hạng tín nhiệm, chỉ vì chúng được xem là các khoản đầu tư thay thế”, ông Lee cho biết.

Nguồn Bloomberg

Hà Linh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/chung-khoan/muon-tim-kiem-loi-nhuan-gioi-dau-tu-han-quoc-do-gan-200-ty-usd-vao-cac-tai-san-nhieu-rui-ro-o-nuoc-ngoai-3331328/