Muốn tiến xa hơn phải đầu tư vào con người

Câu chuyện về dự án Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố phải bắt đầu từ GAS Master Plan. Đây là chương trình tổng thể của ngành Khí được nghiên cứu và lập bởi công ty tư vấn nước ngoài, bao gồm các công trình ngoài khơi, trong bờ và các hộ tiêu thụ. Dự án có nhiều giai đoạn trong đó có giai đoạn đưa nhanh khí vào bờ, cụ thể là 1 triệu m3 cho nhà máy điện vào năm 1995.

Cũng năm đó, tôi được tiếp nhận và làm việc cho PV GAS. Và chỉ một hai năm sau, chứng kiến hành trình đưa khí vào bờ từ những bước đi đầu tiên khi được tham gia tổ đấu thầu tổ hợp các công trình trên bờ, gồm có GPP Dinh Cố, đường ống Dinh Cố - Thị Vải và Kho cảng Thị Vải. Ngoài khơi thì Vietsovpetro được phân công làm giàn nén lớn.

Ông Từ Cường (bìa phải) trong một lần đi kiểm tra công trình khí

Ông Từ Cường (bìa phải) trong một lần đi kiểm tra công trình khí

Năm 2002, tôi nằm trong nhóm sáu người được cử sang Malaysia học ba tháng về điều độ khí, chuẩn bị cho các hợp đồng cung cấp - tiêu thụ khí của nguồn khí mới từ Nam Côn Sơn. Đi học vài tháng, làm một năm, thì được điều sang Xí nghiệp Chế biến khí (tiền thân của Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT) với thách thức đầu tiên là vụ gãy bu lông máy nén đang nóng vào lúc bấy giờ.

Về GPP thời điểm đó, tôi nhận ra một vấn đề quan trọng là, nếu chỉ chăm chăm vào việc cho sản xuất bằng mọi giá mà không quan tâm nhiều tới công tác an toàn, kinh doanh thì rất nguy hiểm và phiến diện. Vào khoảng cuối những năm 2003, tôi đang công tác ở Phòng Điều độ, nhận thấy sản lượng khí Bạch Hổ sẽ sớm đi xuống, nếu không bổ sung thì Nhà máy Dinh Cố sẽ không được vận hành đủ công suất – là một yếu tố lãng phí.

Tới khoảng 2005-2006, sau khi đã về làm tại Xí nghiệp Chế biến khí, chứng kiến sự suy giảm của lượng khí đầu vào nhà máy, nên tôi nảy sinh ý tưởng đấu nối thêm nguyên liệu từ nguồn Nam Côn Sơn vào GPP nhằm tăng sản lượng LPG. Khó khăn duy nhất là điểm giao nhận đặt ở Phú Mỹ, chuyển về Dinh Cố khá phức tạp về mặt hợp đồng. Nhưng suy đi tính lại, khó khăn đó không khó khắc phục và Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn lúc đó được điều hành bởi BP (Bristish Petroleum) đã đồng ý với phương án thêm một điểm giao nhận tại Dinh Cố.

Nhìn lại quãng thời gian công tác tại PV GAS của bản thân, từ kỹ thuật tới kinh doanh sang điều độ, sản xuất rồi quay về làm dự án, mỗi bước ngoặt lại tăng thêm cho tôi vốn sống và những bài học kinh nghiệm. Thời điểm mày mò vận hành tập tành quản trị đó là môi trường thực tiễn tôi luyện bản thân để sau này có thể thích ứng với mọi nhiệm vụ, công việc được phân công. Kỹ thuật nói là khó nhưng suy cho cùng vẫn không khó bằng con người. Sau mười hai năm công tác tại PV GAS, theo tôi nên hướng quản trị vào gốc rễ là yếu tố con người bởi đầu tư vào con người là hướng phát triển bền vững và lâu dài nhất. Một khi tư duy, nhận thức của cán bộ thay đổi, tiếp cận với phương thức quản trị hiện đại thì sẽ tạo hiệu quả rõ rệt nhất. Để đạt được điều đó thì đào tạo, học hỏi không ngừng là một phương thức nên làm.

Từ Cường

Giám đốc Công ty Chế biến khí Vũng Tàu giai đoạn 2004-2008

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/muon-tien-xa-hon-phai-dau-tu-vao-con-nguoi-542754.html