Muốn thay đổi, quy định phải thông thoáng

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là mục tiêu được đặt ra đã khá lâu nhưng đến nay vẫn là vấn đề nóng, bởi tỷ lệ sử dụng hình thức thanh toán này vẫn còn hạn chế. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng (NH) về nguyên nhân và giải pháp để cải thiện TTKDTM.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao đến thời điểm này mục tiêu của TTKDTM vẫn chưa đạt được như kỳ vọng?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trước hết cần phân biệt 2 nhóm trong thanh toán gồm doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Phía DN trong 10 năm qua đã thực hiện thanh toán với nhau qua chuyển khoản, còn trả tiền mặt ở mức độ thấp. Đặc biệt, phần lớn DN trả lương qua tài khoản NH, chỉ tiểu thương vẫn trả lương bằng tiền mặt.

Riêng về cá nhân, việc thanh toán chủ yếu dùng tiền mặt, vì đa số nơi phục vụ sinh hoạt như cửa hàng ăn uống, mua sắm, xăng dầu… đều nhận tiền mặt, chỉ trừ trường hợp người dân đi du lịch trả tiền phòng khách sạn hay vào siêu thị lớn mới thanh toán qua thẻ hay QR Code. Do đó, nguyên nhân TTKDTM vẫn thấp không chỉ do thói quen dùng tiền mặt của người dân, còn do các cơ sở chấp nhận hình thức này vẫn rất ít.

Chúng ta vẫn chưa có quy định chặt chẽ, thông thoáng đối với các phương tiện thanh toán VĐT, hay thiếu những quy định bắt buộc phải thanh toán qua NH, VĐT…

Như vậy, để đẩy mạnh TTKDTM phải phát triển các cơ sở chấp nhận phương tiện thanh toán phi tiền mặt, kể cả những chợ đầu mối, chợ nhỏ, quán ăn… Ở Trung Quốc đã phát triển TTKDTM rất tốt, thậm chí người ăn xin cũng nhận tiền qua QR Code nhờ sự phổ biến của các phương tiện thanh toán.

Do đó, Việt Nam phải cải thiện để các phương tiện thanh toán như qua điện thoại di động, ví điện tử (VĐT) phải phổ biến ở người thanh toán và người nhận thanh toán. Nếu điểm nhận thanh toán ngày càng nhiều, người sử dụng cũng sẽ nhận TTKDTM, ngược lại cứ bàn mãi nhưng người dân vẫn dùng tiền mặt, mục tiêu TTKDTM sẽ rất khó đạt.

- Về chính sách đối với các đơn vị triển khai TTKDTM, ông nhận thấy đã đầy đủ để việc thanh toán này trở nên phổ biến hơn?

- Theo tôi, đến nay chúng ta vẫn chưa có quy định chặt chẽ, thông thoáng đối với các phương tiện thanh toán VĐT, hay thiếu những quy định bắt buộc phải thanh toán qua NH, VĐT… Thí dụ, để phòng chống việc rửa tiền, NHNN quy định VĐT phải liên kết với tài khoản NH. Song chính quy định này đã gây khó khăn cho việc mở VĐT, một người không thể có nhiều VĐT của cùng nhà cung cấp, hạn mức thanh toán qua VĐT dự kiến siết lại… làm trở ngại cho sự phát triển phương tiện thanh toán này.

Thay đổi thói quen từ tiền mặt sang thanh toán bằng công nghệ quy định phải thông thoáng.

Thay đổi thói quen từ tiền mặt sang thanh toán bằng công nghệ quy định phải thông thoáng.

Tôi nghĩ, tại thời điểm này những quy định quản lý hoạt động TTKDTM cần phải có, nhưng cũng phải có sự hỗ trợ, khuyến khích dịch vụ này, để các đơn vị bán hàng thấy sự tiện lợi và sử dụng, từ đó người thanh toán mới sử dụng công cụ này. Đặc biệt, với những vấn đề đã có quy định rồi như phòng chống rửa tiền chẳng hạn, vấn đề là cần có cơ quan giám sát việc thực hiện để đảm bảo an toàn trong thanh toán, thay vì đưa ra những quy định gây khó khăn cho các hình thức thanh toán mới.

- Trong Nghị quyết 02 ban hành đầu năm nay, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, viễn thông... trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức TTKDTM, hoàn thành trước tháng 12-2019. Làm cách nào để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

- Mục tiêu này quả thật rất gấp gáp nhưng phải thực hiện. Muốn thực hiện phải có những chế tài để tất cả trường học, bệnh viện, cơ quan công lập bắt buộc phải nhận TTKDTM. Như vậy người dân không có cách nào khác phải sử dụng. Dĩ nhiên làm như thế sẽ khó cho người dân, nhưng nếu muốn thay đổi nhanh bắt buộc phải như thế. Hiện nay, ở Mỹ chấp nhận TTKDTM rất phổ biến. Hay xu hướng thanh toán của thế giới đều qua NH kỹ thuật số, phần lớn sử dụng công cụ là điện thoại di động để thanh toán mọi dịch vụ. Các nước có thể thanh toán như vậy nhờ sự phổ biến của dịch vụ và các chính sách thúc đẩy TTKDTM phù hợp.

- Theo ông, tại Việt Nam, tỷ lệ TTKDTM đạt được bao nhiêu phần trăm được xem là thành công, và cần có thêm những biện pháp gì để tăng tỷ lệ này như kỳ vọng?

- Tỷ lệ TTKDTM phải chia ra 2 lĩnh vực là DN và cá nhân. DN tỷ lệ rất cao, lên đến 90%. Còn đối với giao dịch trong sinh hoạt đời thường của nhóm khách hàng cá nhân, tôi ước khoảng 70% là tiền mặt, nếu giảm mức này xuống 30% được xem là thành công. Muốn vậy, đầu tiên NHNN phải có những quy định đầy đủ về vấn đề thanh toán, kể cả VĐT; hay việc một số NH đã triển khai đổi thẻ từ sang thẻ chip cần đẩy mạnh hơn nữa. Những thay đổi đó rất cần thiết để đảm bảo an toàn nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng TTKDTM.

Bên cạnh đó, NHNN phải bắt buộc các NHTMCP đẩy mạnh hơn việc TTKDTM, đầu tư vào công nghệ thông tin nhiều hơn để có điều kiện phát triển. Với các thành phần kinh tế khác như cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, NHNN không thể bắt buộc họ dùng QR Code hoặc chuyển khoản, Bộ Công Thương phải vào cuộc để có những quy định cửa hàng loại nào phải sử dụng những phương tiện TTKDTM. Như vậy TTKDTM mới có thể tiến nhanh hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Yên Lam (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ngan-hang/muon-thay-doi-quy-dinh-phai-thong-thoang-69015.html