Muốn tăng được tính cạnh tranh thì nông sản Việt Nam phải giảm được giá thành sản xuất

Sáng 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc 'Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4'.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đặc biệt là việc thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi (tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%). Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, trong đó, nổi bật là hệ thống trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh; nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong nông nghiệp hiện nay như: Tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp, thất thoát nông sản sau thu hoạch vẫn còn cao... Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần lắng nghe ý kiến của các đại biểu tiếp thu, tháo gỡ khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh việc xuất khẩu rau quả và trái cây tươi thì chế biến sâu cũng rất quan trọng nhằm góp phần khắc phục tình trạng được mùa, rớt giá, giá trị gia tăng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa cao như hiện nay. Việc tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thế giới là cần thiết, song thị trường trong nước cũng rất quan trọng vì với dân số khoảng 100 triệu dân, nhu cầu về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng rất lớn. Người dân trong nước cũng phải được cung cấp nông sản sạch, chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 21-2.

Thủ tướng khẳng định: Muốn tăng được tính cạnh tranh thì nông sản Việt Nam phải giảm được giá thành sản xuất từ sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến. Cùng với đó, phải đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để giúp nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam, đồng thời cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, quy hoạch vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của công tác chế biến nông sản. Thủ tướng cũng lưu ý về việc liên kết giữa các nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản một cách hiệu quả, gia tăng được giá trị. Về phía các địa phương phải quan tâm, tìm được lối đi riêng xây dựng phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương theo hướng an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ...

Sau hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị về Chiến lược phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/muon-tang-duoc-tinh-canh-tranh-thi-nong-san-viet-nam-phai-giam-duoc-gia-thanh-san-xuat-610532