Muốn phát triển bền vững, phải ứng dụng khoa học và công nghệ

Trong những năm qua, các ngành kinh tế biển chủ lực của vùng duyên hải Nam Trung Bộ có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, kinh tế biển vùng này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để phát triển bền vững kinh tế biển, vùng duyên hải Nam Trung Bộ cần xác định khoa học-công nghệ (KH-CN) là khâu đột phá.

Những đóng góp quan trọng

Đề cập về những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội): Những năm qua, quy mô kinh tế biển ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ tăng lên rõ rệt. Nhiều khu kinh tế ven biển có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra các “cực phát triển” cho khu vực. Trong đó, tốp đầu phải kể đến ngành thủy sản (gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nghề cá) đã tạo việc làm, ổn định đời sống cho 4% dân số toàn vùng. Ví dụ, năm 2018, riêng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương của vùng đạt 675 triệu USD. Hiện nay, thủy sản trong vùng đang có xu hướng mở rộng ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.

 Khai thác cá ngừ mang lại nguồn thu lớn cho ngư dân tỉnh Bình Định.

Khai thác cá ngừ mang lại nguồn thu lớn cho ngư dân tỉnh Bình Định.

Theo lãnh đạo Bộ KH&CN, trong 10 năm qua, từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được triển khai, đóng góp của các địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ vào GDP cả nước luôn đạt tỷ lệ cao. Kinh tế thuần biển (khai thác và chế biến dầu khí trên biển, hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch biển…) tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia với mức đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%. Có được những kết quả trên, ngành KH-CN đã đóng góp một phần không nhỏ. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu, ứng dụng trong kinh tế biển khu vực Nam Trung Bộ đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế-xã hội.

Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Hiện nay, vùng duyên hải Nam Trung Bộ còn gặp nhiều khó khăn, từ việc gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra các vùng chưa được phát huy đầy đủ; phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Sự liên kết giữa các vùng biển, ven biển; vùng ven biển với vùng nội địa; địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực chưa hiệu quả; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập. KH-CN, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) là cảng biển nước sâu có thể đón tàu trọng tải lớn, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, khai thác dịch vụ cảng và dịch vụ logistics.

Khảo sát thực tế tại một số địa phương, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… chúng tôi nhận thấy, phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là nghề khai thác thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tại Đà Nẵng, khó khăn đối với việc phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá là chính sách điều hành, quản lý các mối quan hệ giữa các khâu nghề cá (đánh bắt, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) chưa tạo được sự bứt phá để nghề cá tăng trưởng và hội nhập. Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Đối với Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuy có sự tăng trưởng nhanh về số lượng tàu thuyền và đã có một số tàu khai thác công suất lớn, nhưng do vốn đầu tư ban đầu của ngư dân còn hạn chế nên phần lớn tàu đóng mới đều là cỡ nhỏ. Đầu tư trang thiết bị cơ giới hóa còn ít, nhiều khâu trong sản xuất còn sử dụng lao động thủ công. Ứng dụng KH-CN trong khai thác và bảo quản sản phẩm còn hạn chế…

Coi trọng ứng dụng khoa học và công nghệ

Tại Hội nghị “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ” do Bộ KH&CN phối hợp hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, các đại biểu đề xuất, chia sẻ nhiều giải pháp công nghệ đã và đang được một số đơn vị, địa phương áp dụng đạt hiệu quả cao, như: Ứng dụng công nghệ làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản trong quá trình đánh bắt xa bờ; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quan trắc, giám sát và dự báo môi trường nuôi tôm hùm-triển khai tại Phú Yên; ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc giám sát chất lượng nước ven bờ phục vụ kinh tế biển; ứng dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo để xây dựng và phát triển hệ thống du lịch thông minh vùng duyên hải Nam Trung Bộ…

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng: KH-CN và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao phải được xem là khâu tạo đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ, thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tận dụng thành tựu KH-CN tiên tiến; thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao... Điều này cần phải bắt đầu từ việc thay đổi tầm nhìn chiến lược đối với phát triển bền vững kinh tế biển Nam Trung Bộ theo hướng từng bước xây dựng một nền kinh tế biển xanh...

Để phát triển bền vững kinh tế biển, PGS, TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất: "Cùng với việc xây dựng quy hoạch, vùng duyên hải Nam Trung Bộ cần hình thành chương trình KH-CN và đổi mới sáng tạo cho sự phát triển kinh tế biển với các mục tiêu cụ thể, rõ ràng về lĩnh vực, ngành nghề, thời hạn, cơ quan/người chịu trách nhiệm và các quy định về chế độ, trách nhiệm để bảo đảm sự thành công của chương trình và mục tiêu của quy hoạch. Chương trình này một mặt cần có sự hỗ trợ từ phía Trung ương, mặt khác cần xuất phát từ sự chủ động đề xuất của các địa phương và nhất là sự tham gia của các tổ chức KH-CN và các doanh nghiệp. Muốn vậy, sự đồng bộ về chính sách trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là các chính sách liên quan đến đất đai, thuế, lao động, thu hút nhân tài… cần được Nhà nước chỉ đạo thống nhất, nhất quán.

Bài và ảnh: THÀNH NAM - KIM NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/muon-phat-trien-ben-vung-phai-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-581568