Muốn ngăn 'bà hỏa', phải chung tay

Cảnh sát khu vực, công an xã chính quy, cán bộ điện lực phải song hành kiểm tra, cảnh báo, xử lý trường hợp vi phạm về PCCC

Thống kê từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Bộ Công an chỉ rõ những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người xảy ra nhiều ở loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh. Ðiều này thực sự đáng quan ngại với TP HCM - nơi có hơn 300.000 hộ gia đình có nhà ở kết hợp kinh doanh và đa phần phân bổ trong nội đô.

Nhìn nhận còn nhiều thiếu sót

Theo ghi nhận, hầu hết nhà mặt tiền ở trên địa bàn TP HCM diện tích nhỏ (từ 20-100 m2) nhưng hộ gia đình đều tận dụng mặt bằng tầng trệt làm khu vực kinh doanh, kết hợp phần còn lại làm khu sinh hoạt. Xây dựng sát nhau nên loại hình nhà ở trên không có lối thoát nạn dự phòng; không có giải pháp ngăn cháy, chống tụ khói. Chủ hộ còn bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ, lắp đặt biển quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà. Vì vậy, người trong nhà không thể thoát nạn nhanh chóng, kịp thời khi sự cố cháy, nổ xảy ra. Không chỉ vậy, hộ kinh doanh nhỏ lẻ thường câu móc chằng chịt hệ thống điện dây dẫn, thiết bị điện không bảo đảm an toàn PCCC.

Ðại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết tình trạng quá tải và chạm, chập điện là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ (70% số vụ cháy xảy ra). Theo đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh quy định rõ tại Luật PCCC cùng nghị định liên quan. Công tác quản lý nhà nước về PCCC; hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC đối với những trường hợp này thuộc UBND các cấp (đặc biệt là cấp xã, phường). Thực tế, không ít địa phương chưa chú trọng công tác trên. Phó Giám đốc Công an TP phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: chính quyền chưa thực sự thể hiện trách nhiệm; chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn PCCC cũng như chế tài xử lý, giải pháp khắc phục cụ thể liên quan nhóm đối tượng kể trên. Vì thế, cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng; thực hiện không đồng bộ, không hiệu quả.

Tại hội nghị triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn do Bộ Công an tổ chức, thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, chỉ ra nhiều thiếu sót trong công tác PCCC. Ðặc biệt, công an các địa phương chưa làm tốt công tác tham mưu HÐND cấp tỉnh đưa ra nghị quyết xử lý cơ sở vi phạm về PCCC. Hầu như chưa địa phương nào ban hành nghị quyết có chế tài xử lý sai phạm. Không ít cơ sở vi phạm PCCC rất nghiêm trọng vẫn tồn tại; ngày đêm uy hiếp, đe dọa an ninh, an toàn PCCC; trở thành mối lo trong quần chúng.

Nhắc đến tầm quan trọng trong công tác phối hợp tác chiến giữa các tỉnh, TP giáp ranh khi có sự cố, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho hay hiện mới có 15/63 tỉnh, TP có quy chế phối hợp. Ngay cả địa bàn trọng điểm là TP Hà Nội cũng chưa ký quy chế phối hợp với địa phương khác.

Một vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh ở TP HCM

Một vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh ở TP HCM

Xem trọng lực lượng tại chỗ

Căn cứ những tồn tại, thiếu sót do Cục Cảnh sát PCCC-CNCH nêu ra (từ công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản đến nắm tình hình, rút kinh nghiệm sau sự cố), thiếu tướng Lê Quốc Hùng yêu cầu mọi đơn vị thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót để có giải pháp sửa chữa. Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát PCCC-CNCH kiểm tra, nhắc nhở tiến độ ký kết quy chế phối hợp giữa các địa bàn giáp ranh; có biện pháp chấn chỉnh nếu cần thiết.

"An toàn điện xảy ra nhiều vấn đề. Hiện ngành điện lực chỉ bảo đảm trách nhiệm đến chỗ công tơ điện, còn đằng sau công tơ là bỏ mặc. Trong khi 100% tai nạn cháy, nổ do điện bắt nguồn từ "quãng đường" sau công tơ điện. Vấn đề này xử lý như thế nào?" - thiếu tướng Lê Quốc Hùng trăn trở. Theo ông, chính quyền địa phương cần "kéo" ngành điện lực vào cuộc. Riêng Bộ Công an đang làm việc với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam nhằm giải quyết "nút thắt" này. Ngoài giải pháp trên, Thứ trưởng Bộ Công an còn cho rằng cảnh sát khu vực, công an xã chính quy, cán bộ điện lực phải song hành tuyên truyền, kiểm tra, cảnh báo, xử lý trường hợp hộ gia đình không bảo đảm an toàn PCCC.

"Từ nay đến tháng 10, các địa phương gấp rút điều tra cơ bản rồi lên danh sách nhà ở có nguy cơ cháy nổ cao, không có lối thoát nạn trên địa bàn; đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh" - thiếu tướng Lê Quốc Hùng yêu cầu.

Trong khi đó, Công an TP HCM đề xuất Bộ Công an rà soát khó khăn, vướng mắc; những điều kiện không bảo đảm an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh mà mọi văn bản pháp luật chưa đề cập. Từ đó, Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định thống nhất, áp dụng trên phạm vi cả nước. Ðại tá Nguyễn Thanh Hưởng xác định UBND phường, xã, thị trấn là cơ quan có trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về PCCC liên quan đến nhóm đối tượng trên. Trước mắt, Công an TP giao công an phường, xã, thị trấn tham mưu chính quyền sở tại về công tác PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình cũng như nhà ở kết hợp kinh doanh - sản xuất. Cảnh sát khu vực nhận nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền ở khu dân cư. Bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ là nòng cốt trong lực lượng PCCC tại chỗ. Cảnh sát PCCC-CNCH có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, pháp luật về PCCC. Các đơn vị phải kịp thời ngăn chặn cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

Lập nhiều đoàn liên ngành

Từ nay đến ngày 15-10, Bộ Công an thành lập các đoàn liên ngành (có cảnh sát khu vực, đại diện UBND cấp xã, đơn vị quản lý trật tự xây dựng đô thị, điện lực…) tiến hành kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn an toàn PCCC ở khu dân cư, những nơi tập trung nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh. Đoàn liên ngành sẽ kiểm tra đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC. Căn cứ kết quả kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền mạnh tay xử lý nghiêm sai phạm.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/muon-ngan-ba-hoa-phai-chung-tay-20210419222340353.htm