'Muôn nẻo, tìm về'

Hiện vật bảo tàng không đơn thuần chỉ là câu chuyện của quá khứ, lịch sử. Hơn hết, mỗi một hiện vật ấy được xem như một thông điệp quý giá mà các thế hệ cha ông gửi gắm cho lớp con cháu mai sau; phản ánh phần nào diện mạo và tầm vóc của dân tộc mình, địa phương mình. Càng thấm thía thông điệp ấy bao nhiêu, người xem lại càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của trưng bày chuyên đề 'Muôn nẻo, tìm về' do Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (206 đường Trường Thi, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa).

Không gian trưng bày chuyên đề “Muôn nẻo, tìm về”.

Sưu tầm và xây dựng sưu tập hiện vật – “Cội nguồn” của sức hấp dẫn

Hiện vật xuất phát từ thực tiễn vận động và phát triển của đời sống văn hóa – xã hội. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hiện vật nào tồn tại ở đời sống văn hóa – xã hội cũng đều có khả năng trở thành hiện vật bảo tàng. Bởi lẽ, bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ, bao hàm nhiều lĩnh vực, góp phần phản ánh quá trình hình thành và phát triển của một nền văn hóa cộng đồng, một địa phương, dân tộc, rộng hơn là toàn nhân loại. Do đó, hiện vật bảo tàng mang tính đại diện, tiêu biểu cho một sự kiện, giai đoạn, thời kỳ của lịch sử. Hơn hết, từ “muôn nẻo” đời sống, hiện vật ấy phải trải qua quá trình sưu tầm, chọn lọc thông qua nhiều phương pháp nghiệp vụ Bảo tàng học như: Điền dã, khảo sát thực địa, khai quật khảo cổ, đánh giá; tiếp nhận hiện vật hiến tặng từ các tổ chức, cá nhân hoặc trải qua quá trình mua, trao đổi hiện vật giữa các bên có thẩm quyền, có liên quan.

Công tác sưu tầm và xây dựng sưu tập hiện vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cội nguồn, yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn trong các hoạt động của bảo tàng. Trong bối cảnh hiện nay, trước những nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của du khách tham quan, bảo tàng với tư cách là thiết chế văn hóa luôn phải tự ý thức, nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa hoạt động, nhất là vấn đề xây dựng nội dung, hình thức sưu tập, trưng bày hiện vật. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng thực hiện công tác “số hóa” bảo tàng.

“Muôn nẻo, tìm về” – 10 năm một chặng đường

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác sưu tầm và phát huy giá trị hiện vật là một trong những khâu quan trọng, góp phần quyết định mọi hoạt động của đơn vị. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nhân lực, vật lực, tài chính; tuy nhiên, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã không quản ngại khó khăn, vất vả, năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Kể từ khi thành lập đến nay (1983 – 2021), Bảo tàng luôn quan tâm, chú trong công tác sưu tầm, lưu giữ, bảo quản hiện vật. Trong đó, nhiều hiện vật quý hiếm, độc đáo, có giá trị sâu sắc về mặt văn hóa – lịch sử, phản ánh đậm nét tiến trình hình thành và phát triển của đất và người xứ Thanh. Với số lượng hiện vật lớn và phong phú đang lưu giữ, bảo quản tại kho bảo tàng như hiện nay thì việc xây dựng sưu tập hiện vật là một vấn đề cấp thiết. Trên cơ sở các bộ sưu tập hiện vật nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, lựa chọn đề tài, bổ sung hiện vật phục vụ chỉnh lý nội dung trưng bày và các hoạt động khác của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trong tương lai.

Thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng Thanh Hóa, giai đoạn 2010–2020”, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm hơn 1.000 hiện vật bổ sung cho kho cơ sở, từng bước xây dựng các sưu tập hiện vật tiêu biểu, quý hiếm nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm, nghiên cứu của công chúng. Vừa qua, để đánh dấu kết quả 10 năm thực hiện đề án, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Muôn nẻo, tìm về” với hơn 100 hiện vật tiêu biểu. Nội dung trưng bày giới thiệu các sưu tập hiện vật tiêu biểu mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thanh Hóa (từ văn hóa Đông Sơn trải qua các triều đại phong kiến cho đến ngày nay).

Trưng bày chuyên đề lần này dành không gian riêng giới thiệu những hiện vật rất quen thuộc, gắn liền với nhiều gia đình người Việt Nam thế kỷ XX như: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ, hương án, hoành phi...; giới thiệu về một số nghề thủ công truyền thống của xứ Thanh. Bên cạnh hiện vật, trưng bày kết hợp những tài liệu khoa học phụ trợ như: Bản vẽ, bản dập hoa văn, hình ảnh minh họa. Với nội dung phong phú, hấp dẫn, trưng bày chuyên đề “Muôn nẻo, tìm về” đã thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh tới tham quan, tìm hiểu. Chị Lê Thị Nhàn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã được xem là một trong những địa điểm văn hóa bổ ích của người dân thành phố nói riêng và đông đảo người dân nói chung. Riêng đối với trưng bày lần này, chúng tôi rất thích bởi các hiện vật đa dạng theo các thời kỳ, lĩnh vực. Đặc biệt là các hiện vật trưng bày về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật dụng gia đình xưa khiến người xem xúc động nhớ lại những giá trị văn hóa xưa”.

Được biết, các hiện vật được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề “Muôn nẻo, tìm về” được chọn lọc từ hơn 1.000 hiện vật mà Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được trong quá trình triển khai, thực hiện đề án. Đây được xem là dấu mốc đánh dấu bước phát triển của bảo tàng trong công tác sưu tầm hiện vật. “Trưng bày giúp công chúng hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, tôn vinh sức sáng tạo, tài năng của những người nghệ nhân xưa. Đồng thời, trưng bày ghi nhận công lao, đóng góp của các thế hệ cán bộ, nhân viên bảo tàng; đồng thời thay cho lời tri ân, cảm ơn sâu sắc tới những người đã hiến tặng hiện vật cho bảo tàng vì sự phát triển văn hóa xứ Thanh nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung” – ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Mỗi hiện vật là một chứng nhân của lịch sử. Bởi vậy, khi thực hiện tốt công tác sưu tập hiện vật đồng nghĩa với việc bảo tàng đã góp thêm vào kho tàng của mình nhiều câu chuyện kể sinh động, hấp dẫn phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/muon-neo-tim-ve/130220.htm