'Muốn nâng cao hiệu quả thì không thể làm khơi khơi'

VH- Tổng cục Du lịch (TCDL) vừa báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Quang Tùng về tiến độ thực hiện 5 đề án trình Thủ tướng Chính phủ và những nhiệm vụ chính của du lịch từ nay đến cuối năm 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi họp Ảnh: TR HUẤN

Năm đề án gồm: Cơ cấu lại ngành Du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030; Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước thì việc thành lập và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cần huy động các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm và quản lý điểm đến của du lịch Việt Nam cần phải được tập trung đầu tư, tăng cường tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả”.

Theo đề án thành lập, Quỹ có nhiệm vụ tiếp nhận nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển du lịch theo kế hoạch đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch trung hạn; kế hoạch hoạt động hằng năm của Quỹ tập trung vào các nội dung: Xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài, hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng... Quỹ sẽ được thành lập theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập (trực thuộc Bộ VHTTDL); Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bao gồm: Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp 300 tỉ đồng (nguyên tắc vốn điều lệ phải được bảo toàn). Quỹ sẽ được sử dụng chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng; chi hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ.

Hiện nay, TCDL đã lấy ý kiến của các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính; được Bộ Tư pháp thẩm định lần 2. Đề án đang được hoàn thiện để báo cáo lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch

Với mục đích chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến du lịch, đưa ra những định hướng lớn, triển khai Chiến lược Marketting của du lịch Việt Nam, huy động nguồn lực con người và tài chính trong hoạt động phát triển du lịch, đề án “Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch” mà TCDL xây dựng nhằm định vị thương hiệu du lịch Việt Nam ở khu vực và thế giới; thúc đẩy tăng trưởng khách, tăng trưởng chi tiêu, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về phát triển du lịch mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Nhiệm vụ chính mà đề án tập trung vào là khắc phục yếu kém và nâng cao hiệu quả trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó, đặc biệt là xác định đúng thị trường và nhu cầu về sản phẩm; xây dựng, giới thiệu và cung cấp sản phẩm du lịch theo nhu cầu của thị trường ưu tiên; huy động, tập trung nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch; đổi mới công cụ và phương pháp tổ chức xúc tiến, áp dụng xu hướng và yếu tố du lịch thông minh và công nghệ 4.0, quảng bá du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn, tác động tích cực đến các hoạt động xúc tiến khác. Dự kiến đến tháng 11.2018 TCDL sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam có những điểm đến nổi tiếng thế giới

Với đề án này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý TCDL phải làm rõ xúc tiến du lịch là gì, quảng bá du lịch là gì và đưa ra những giải pháp riêng. Nhất là phải đánh giá được thực trạng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam hiện nay. Nguồn lực thế nào? Bộ máy hoạt động hiệu quả không? Đầu tư đã tới tầm chưa? Sự tham gia của cả hệ thống ngành Du lịch, các địa phương, các tập đoàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào hoạt động này thế nào? Từ đó đặt ra những mục tiêu gì? Đón bao nhiêu khách quốc tế? Thương hiệu du lịch Việt Nam ở thế giới ra sao? Ngành Du lịch cần nhìn thẳng vào những yếu kém trong công tác xúc tiến, quảng bá và đưa ra những giải pháp khả thi, hiệu quả.

Muốn nâng cao hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp thì không thể làm khơi khơi được. Đặc biệt, các cán bộ và chuyên viên hoạt động trong công tác này phải được đào tạo chuẩn nghiệp vụ ngành, giỏi ngoại ngữ. Nếu không biết ngoại ngữ thì không thể đi xúc tiến du lịch ở nước ngoài được.

Thay đổi tư duy, nhận thức về ngành Du lịch

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12.2018. Đây là Đề án rất quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam có nhiệm vụ xác định vị trí, vai trò và lợi thế phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới; xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, xây dựng kịch bản tăng trưởng, xác định các khu vực động lực phát triển du lịch.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được tiếp cận theo hướng thay đổi tư duy, nhận thức về ngành Du lịch với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, vận động theo quy luật thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; là ngành kinh tế có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch hướng đến chất lượng, hiểu quả, định hướng phát triển bền vững gắn với kinh tế- xã hội và môi trường. “Quan trọng nhất là Chiến lược phải xác định được sức tải của du lịch Việt Nam, dư địa phát triển, dự báo tốc độ phát triển của ngành Du lịch, xu hướng du lịch thế giới và đề ra mục tiêu khách quốc tế, khách nội địa, cơ cấu thị trường khách và các giải pháp khả thi, hiệu quả để thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói. Bộ trưởng giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (TCDL) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án. Sắp tới, sẽ thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Trưởng ban chỉ đạo, Thứ trưởng Lê Quang Tùng và lãnh đạo các cơ quan liên quan tham gia.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng yêu cầu, vì thời gian không còn nhiều, TCDL và các cơ quan liên quan cần tập trung cao độ, nghiên cứu kỹ thực trạng của du lịch Việt Nam, nắm bắt nhu cầu phát triển mới và đề xuất các phương án để xây dựng, hoàn thiện các đề án nói trên, báo cáo Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất có thể.

Đây là những đề án rất quan trọng và hướng tới mục đích đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và định hướng phát triển du lịch dài hạn trong tương lai. Vì thế, TCDL và các đơn vị liên quan cần khẩn trương hoàn thiện đề án đúng thời hạn, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo ngay.

(Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN)

THÚY HÀ

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-l%E1%BB%8Bch/muon-nang-cao-hieu-qua-thi-khong-the-lam-khoi-khoi