Muôn màu nỗ lực Vatican tìm cách hồi sinh 'ngôn ngữ thiêng'

Lần đầu tiên một chương trình phát thanh tin tức hoàn toàn bằng tiếng Latin được ra mắt tại Vatican.

Theo Reuters, đài phát thanh Vatican sẽ bắt đầu phát đi các chương trình tin tức bằng ngôn ngữ Latin. Đây là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường việc sử dụng tiếng Latin – ngôn ngữ từng là biểu tượng của nền giáo dục Tây Âu và được sử dụng trong tất cả các hoạt động của Giáo hội công giáo Roma.

Trong tháng này, Hebdomada Aenigmatum, cuốn sách đố ô chữ bằng tiếng Latin và Hy Lạp cổ đại đầu tiên mà không đi kèm phiên dịch sang bất kỳ ngôn ngữ hiện đại nào khác, cũng sẽ được phát hành tại Italy.

Giới chức Vatican muốn hồi sinh ngôn ngữ Latin trong cuộc sống hiện đại (ảnh: getty)

Giới chức Vatican muốn hồi sinh ngôn ngữ Latin trong cuộc sống hiện đại (ảnh: getty)

Bắt đầu lên sóng từ thứ Bảy (8/6), chương trình phát thanh hàng tuần bằng tiếng Latin của đài phát thanh Vatican kéo dài chừng hơn nửa tiếng. Bên cạnh các tin tức thông thường, chương trình còn đưa ra những lời khuyên về việc sử dụng tiếng Latin trong bối cảnh hiện đại.

"Chúng tôi muốn ngôn ngữ chính thức của Giáo hội công giáo được trải nghiệm thông qua tin tức giống như các buổi lễ hàng ngày bằng tiếng Latin vẫn được phát sóng", Andrea Tornielli, giám đốc biên tập truyền thông Vatican cho biết.

Theo Luca Desiata, doanh nhân người Italy chịu trách nhiệm xuất bản cuốn Hebdomada Aenigmatum, mạng internet đã góp phần giúp làm hồi sinh ngôn ngữ Latin trong bối cảnh ngày càng có nhiều trường học trên thế giới dừng giảng dạy nó.

"Giờ đây chúng ta có Wikipedia bằng tiếng Latin, khoảng 40 nhóm Facebook Latin trên toàn cầu và tài khoản tiếng Latin của Giáo hoàng có gần 1 triệu người theo dõi", ông Desiata nói với Reuters. "Không hề tệ cho một ngôn ngữ đã chết".

Đã có nhiều nỗ lực để khôi phục tiếng Latin. Năm 2012, Giáo hoàng Benedict XVII đã mở Học viện nghiên cứu Latin Giáo hoàng nhằm quảng bá việc sử dụng ngôn ngữ này trong nhà thờ và cả bên ngoài. Trong khi đó, một số người lại tìm cách đưa thứ tiếng "khó nhằn" này trở nên gần gũi hơn với cuộc sống đương đại khi giới thiệu những từ mới cho các đồ vật mà trong thời kỳ Đế chế La mã vẫn chưa hề tồn tại. Ví dụ như "machina linteorum lavatoria" là "máy giặt", "escariorum lavator" là máy rửa bát, "sphaeriludium electricum numismate actum" là bút bi…

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/muon-mau-no-luc-vatican-tim-cach-hoi-sinh-ngon-ngu-thieng-20190608021332578.htm