Muôn mặt 'boom hàng'

Khi nhận đơn hàng, người giao hàng (shipper) hoặc người bán phải liên hệ với người mua để chốt và giao cho khách. Tuy nhiên, nếu gặp những vị khách có vấn đề, cả shipper và người bán chỉ biết kêu trời

Trước thực trạng "boom hàng" ngày càng phổ biến, các shipper và những người bán hàng qua mạng đã lập hẳn những hội, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ những tình huống, số điện thoại chuyên lừa đảo hoặc "boom hàng".

"Xin hãy tôn trọng công việc của chúng tôi!"

Mới đây, chị T.T đã chia sẻ câu chuyện bị khách từ chối nhận hàng. Chị T. viết: "Khách gầy nên em tư vấn lấy đầm size S nhỏ nhất, đầm đẹp và chất liệu tốt. Ship đến nơi khách không chịu nhận với lý do mặc thử thấy rộng nên không nhận. Có ai bán hàng mà cho kiểm rồi khách thử luôn, thử rồi không chịu mua. Bán cái đầm chẳng lời bao nhiêu mà lỗ luôn 70.000 đồng phí ship, biết là buôn bán phải chịu nhưng ức lắm".

Mang câu chuyện bị khách "boom hàng" 2 lần lên Facebook chia sẻ, chị T.H cảnh báo: "Các chị em bán hàng ở khu vực Long An chừa bạn khách với Facebook này ra nhé, bùng hàng mình đến 2 lần".

Người giao hàng (shipper) lao động để trang trải cuộc sống, nuôi gia đình, cần tôn trọng công việc của họ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người giao hàng (shipper) lao động để trang trải cuộc sống, nuôi gia đình, cần tôn trọng công việc của họ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo chị H., vị khách tên Y.N ở xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An "boom hàng" và bị chị lên mạng "bóc phốt". Sau đó, Y.N nhắn tin cho chủ shop nhờ gỡ bài trên nhóm bán hàng online và hứa sẽ nhận hàng. Sau khi chị H. xóa bài và gửi lại hàng, Y.N vẫn không nhận và không nghe điện thoại.

Sau khi bị khách "boom" 36 ly trà sữa với giá gần 2 triệu đồng, một shipper đã lên mạng chia sẻ câu chuyện của mình, van xin cộng đồng đừng đặt hàng rồi không nhận khiến nhiều người lao đao.

"Tôi không hiểu các bạn "boom hàng" chúng tôi vì lý do gì. Chúng tôi là những người mang đến những bữa ăn, những ly nước uống cho các bạn. Chúng tôi dùng chính sức lực bản thân để trang trải cuộc sống và nuôi gia đình, vợ con. Hai triệu đồng là số tiền gần bằng 1 tuần chạy dưới trời nắng và hít đầy khói bụi của một shipper rồi. Xin hãy tôn trọng chúng tôi và tôn trọng công việc của chúng tôi" - shipper này viết.

Có thể khởi kiện

Nói về thực trạng khách "boom hàng", TS Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, phân tích: "Theo quy định tại điều 116 và điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015, việc đặt hàng dù thông qua lời nói, văn bản hay đặt trên mạng thông qua các website trung gian hoặc ở ngay trang web của chính nhãn hàng đó thì đều là ký kết hợp đồng. Do đó, khi người mua đặt hàng nhưng không nhận tức là đã vi phạm về trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện nêu trong hợp đồng, giao dịch dân sự".

Theo điều 360 Bộ Luật Dân sự 2015, nếu người mua đặt hàng nhưng không nhận mà gây thiệt hại thì bên đặt hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Thiệt hại trong trường hợp này cụ thể là lợi ích mà lẽ ra bên bán hàng được hưởng do hợp đồng mang lại, các chi phí phát sinh do người mua không nhận hàng.

"Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, chưa có chế tài nào xử lý hành chính đối với người đặt hàng rồi không nhận. Đồng thời, đây chỉ là giao dịch dân sự nên không có căn cứ để quy trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Nếu người mua đặt hàng rồi không nhận, người bán có thể dựa vào những căn cứ nêu trên để đòi bồi thường hoặc làm đơn khởi kiện vụ án dân sự để tòa án giải quyết" - ông Nguyễn Vinh Huy nói.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Grab Việt Nam cho biết trong trường hợp đối tác tài xế GrabFood đã hoàn tất việc nhận món ăn, thức uống nhưng khách hàng bất ngờ hủy đơn hàng, đối tác cần thông báo ngay cho Tổng đài Grab. Nếu xác minh thông tin đúng là khách hàng đã hủy đơn hàng, Grab sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho đối tác tài xế, bao gồm cả việc bồi hoàn cho đối tác. Trong thời gian tới, Grab cũng sẽ không ngừng cải thiện hệ thống để giảm thiểu tình trạng "bùng" hàng vào phút chót.

Đại diện Grab cũng cho biết đối với dịch vụ GrabExpress bị hủy cũng sẽ được Grab hỗ trợ cho đối tác tài xế (được điều chỉnh doanh thu trên ứng dụng đơn hàng bị hủy, được hỗ trợ cước điểm hủy…).

Đại diện Gojek Việt Nam cũng cho biết các tài xế Gojek đã được truyền thông về chương trình hỗ trợ của Gojek Việt Nam trong các trường hợp tài xế không liên hệ được với khách hàng để giao hàng hoặc khách hàng từ chối nhận hàng mà không có lý do hợp lý.

Trong các trường hợp này, Gojek Việt Nam sẽ xem xét cũng như tiến hành hỗ trợ đối tác bằng giải pháp hoàn tiền đơn hàng cho đối tác tài xế và hỗ trợ cước vận chuyển. Gojek Việt Nam cũng sẽ tiến hành những biện pháp kiên quyết và kịp thời đối với các hành vi từ phía những khách hàng vi phạm nghiêm trọng các điều kiện và điều khoản của Gojek.

Coi chừng bị "boom" tài khoản ngân hàng

Sau khi chặn đứng âm mưu hack tài khoản ngân hàng, chị Tuyết Nhi (bán quần áo online) lên Facebook chia sẻ: "Khách đặt em mấy bộ quần áo với số tiền hơn 1,1 triệu đồng rồi bảo đang ở nước ngoài nên chuyển tiền từ nước ngoài về. Khách kêu em phải bấm vô cái link đó để nhận tiền. Em nói rất nhiều vụ kêu nhấp vào link rồi mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng thì ngay lập tức khách chặn Facebook em luôn".

Chiêu lừa đảo này Công an TP HCM đã nhiều lần khuyến cáo người dân phải cảnh giác trước thủ đoạn lừa qua công nghệ cao. Theo đó, người dân không nhấp vào các link do người lạ gửi vì sau khi làm theo yêu cầu của đường link này, khách đã tự điền số tài khoản, mật khẩu sau đó kẻ lừa đảo sẽ lấy hết tiền trong tài khoản chỉ trong giây phút.

NGUYỄN HẢI - PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/muon-mat-boom-hang-20201116213813463.htm