Muốn mang đến cho khán giả chương trình tử tế với giá vé phòng trà

Live show 'Khi gió mùa về' sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) vào ngày 24-11 tới. Đáng nói, đây là live show của 4 thầy trò gồm NSƯT Đức Long, ca sĩ Ánh Tuyết, ca sĩ Minh Thu và ca sĩ Bách Nguyễn.

Họ tự bỏ tiền, tự tổ chức từ A-Z, tạo một sân chơi âm nhạc hướng vào những đối tượng khán giả yêu âm nhạc thực sự nhưng không có điều kiện để đến với những chương trình ca nhạc hoành tráng và giá vé ngất ngưởng. Ca sĩ Ánh Tuyết, thành viên của nhóm nhạc "Con gái" đình đám một thời là người khởi xướng chuỗi chương trình này.

- Chào Ánh Tuyết, lý do gì khiến chị và các đồng nghiệp quyết định bỏ tiền túi, đầu tư một show diễn giữa "tâm bão" live show thời điểm cuối thu đầu đông này. Việc có nhiều live show cùng diễn ra trong một thời gian chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến việc bán vé của chương trình?

+ Ý tưởng làm live show "Khi gió mùa về" đến với chúng tôi khá bất ngờ. Chúng tôi đều là những nghệ sĩ, làm việc trong những đơn vị nghệ thuật của nhà nước, có tuổi nghề và có một lượng khán giả nhất định. Bên cạnh thực hiện những công việc của một nghệ sĩ trong đơn vị của mình, chúng tôi khát khao có những cuộc chơi riêng, cuộc chơi của những người tri kỷ, hiểu nhau trong âm nhạc. Thầy Đức Long (NSƯT Đức Long - PV) là thầy giáo của chúng tôi, từ lâu đã gắn bó, chia sẻ, động viên, khuyến khích chúng tôi trên con đường nghệ thuật.

Tôi và Minh Thu, Bách Nguyễn thì là những người bạn thân thiết, vừa hiểu nhau trong đời thường, vừa tri kỷ trong nghệ thuật. Chúng tôi mong ước một cuộc chơi âm nhạc mà ở đó, chúng tôi được tự do, thoải mái nhất biểu đạt cá tính âm nhạc của mình, từ việc chọn bài hát đến cách dàn dựng, thể hiện. Chúng tôi sẽ được sáng tạo không biên giới, vì chúng tôi là những người làm chủ cuộc chơi đó.

Xác định đây là cuộc chơi thuần túy nghệ thuật, không đặt yếu tố thương mại lên hàng đầu nên chúng tôi không bị áp lực quá lớn về chuyện tài chính. Dĩ nhiên, làm chương trình thì ai cũng mong bán được nhiều vé, có nhiều khán giả đến ủng hộ. Nhưng chúng tôi quan niệm rằng, ngay từ chương trình đầu tiên này, mình hãy cứ cố gắng làm tốt nhất những gì có thể, mang đến một món ăn hấp dẫn, độc đáo, lôi cuốn khán giả thì khán giả chắc chắn sẽ ủng hộ mình.

Cho nên, chúng tôi không ngại chuyện chương trình diễn ra ở thời điểm Hà Nội có quá nhiều live show. Hơn nữa, chương trình của chúng tôi có giá vé rất cạnh tranh, chủ yếu hướng vào phân khúc khán giả hạng trung, những người không có điều kiện để đến với những chương trình lớn, hoành tráng.

- Cụ thể giá vé của chương trình sẽ như thế nào?

+ Chúng tôi có những mức vé khá dễ chịu, dao động từ 300 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng. Nghĩa là khán giả chỉ phải bỏ một chi phí tương đương với chi phí đến phòng trà nghe nhạc, nhưng lại được thưởng thức một chương trình nghệ thuật thực sự, có ý tưởng rõ ràng, dàn dựng công phu bởi những người nghệ sĩ tài năng, tâm huyết.

Tôi biết có rất nhiều người yêu nhạc nhưng lại không có điều kiện để mua vé xem những chương trình lớn và họ thường tìm đến các phòng trà. Tuy nhiên, các đêm nhạc ở phòng trà thường chỉ đầu tư ở mức vừa phải, dẫn đến chất lượng nghệ thuật không cao, nhất là về mặt âm thanh.

Hơn nữa, nghe nhạc ở phòng trà, khán giả còn bị phân tán bởi rất nhiều những thứ không liên quan khác nữa. Chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình nghệ thuật cẩn thận, trau chuốt, giá vé vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của những khán giả đó, vừa thỏa mãn được mong muốn làm nghề của nghệ sĩ.

- Nghĩa là qua chương trình này, các nghệ sĩ muốn thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả thủ đô?

+ Có thể nói đó là tham vọng của chúng tôi. Việc đến nhà hát xem và nghe nhạc vốn là một nét văn hóa của người Hà Nội từ xưa. Ngày nay, với sự tiện lợi của công nghệ số, nhiều người có xu hướng ở nhà nghe nhạc trên mạng. Các chương trình hoành tráng thì giá vé vài ba triệu 1 chiếc, cũng không dễ để đi thưởng thức thường xuyên.

Tôi muốn kéo khán giả đến nhà hát, và tạo cho họ ý nghĩ rằng lúc nào họ cũng có thể được xem các chương trình tử tế mà không phải tốn quá nhiều tiền. Ngoài ra thông điệp của chúng tôi còn là khuyến khích các nghệ sĩ trẻ dám thử sức mình, dám làm, dám chơi hết mình để nuôi dưỡng khán giả của chính mình.

- Đây sẽ là chương trình diễn ra thường xuyên, và việc chọn nghệ sĩ tham gia sẽ dựa trên những tiêu chí gì?

+Trước mắt chương trình sắp tới là sự góp mặt của 4 thầy trò chúng tôi, NSƯT Đức Long, ca sĩ Minh Thu, ca sĩ Bách Nguyễn và tôi. Còn trong tương lai, chương trình sẽ chào đón mọi nghệ sĩ, những người yêu và tâm huyết với nghề, có giọng hát hay được khán giả ái mộ.

Các nghệ sĩ trong buổi họp báo.

- Tuy nhiên, thiếu yếu tố "sao" e rằng vẫn rất khó để một chương trình có thể hút khán giả, chị nghĩ sao?

+ Không phải nghệ sĩ tài năng nào đi hát cũng trở thành sao nọ sao kia. Vì trở thành sao đôi khi phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa ngoài giọng hát. Chúng ta nhìn thấy trong đời sống âm nhạc, có những sao nổi tiếng tưng bừng đấy nhưng không được giới chuyên môn thừa nhận về giọng hát.

Tôi cho rằng, những người hát hay vẫn luôn có một lượng khán giả của riêng họ, bất kể họ có là sao hay không sao. Chúng tôi muốn hướng vào những khán giả đó, những người đến với chương trình để được nghe người nghệ sĩ họ quý mến, và hoàn toàn vì âm nhạc, chứ không phải vì người nghệ sĩ đó có hot hay không.

- Đạo diễn của chương trình "Khi gió mùa về" là đạo diễn Phạm Lê Nam, ông xã của chị. Phạm Lê Nam vốn là một đạo diễn điện ảnh. Anh đứng vào vị trí này vì chị muốn sử dụng "người nhà" để giảm chi phí hay là có một ý đồ nghệ thuật gì khác?

+ Việc mời một đạo diễn điện ảnh tham gia dàn dựng chương trình là chúng tôi có chủ ý nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn đêm nhạc sẽ được tái hiện như một câu chuyện kể có đường dây, mắt xích rõ ràng, có sự kết nối, tương tác chứ không chỉ đơn giản là ca sĩ xếp hàng ra hát và đạo diễn Phạm Lê Nam là người có khả năng làm được điều đó.

- Trong số 4 nghệ sĩ tham gia live show "Khi gió mùa về" thì có chị và Minh Thu, ngoài ca hát đều đã học thêm chuyên ngành đạo diễn. Tại sao các chị không sử dụng luôn nghề nghiệp của mình để kiêm vai trò đạo diễn mà phải cần thêm một đạo diễn khác nữa?

+ Chúng tôi vẫn đùa nhau, chương trình của mình có tới 3 đạo diễn, chỉ cãi nhau đã đủ mệt rồi (cười). Nói vậy thôi, chứ việc chính của tôi và Minh Thu vẫn là hát. Một đạo diễn có kinh nghiệm sẽ tốt cho chương trình hơn. Dĩ nhiên, trong quá trình làm việc, chúng tôi thường xuyên trao đổi, tương tác, tranh luận để tìm ra những ý tưởng lạ, độc đáo cho chương trình. Cho nên, có 3 đạo diễn vẫn tốt hơn 1 là vậy.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình “Khi gió mùa về”.

- Trong số 4 ca sĩ tham gia live show "Khi gió mùa về", những cái tên như Đức Long, Minh Thu, Ánh Tuyết thì nhiều người biết đến rồi, còn Bách Nguyễn thì vẫn khá xa lạ. Chị có thể nói gì về nhân vật mới này?

+ Bách Nguyễn thực ra không phải là nhân vật mới. Anh là người cũ từ lâu, đi hát từ rất lâu, và được bạn bè trong giới quý mến. Cái tên Bách Nguyễn ít được nhắc tới, bởi anh khá kiệm lời trên báo chí. Anh vốn là một giọng ca lãng tử, hát rất mộc mạc, không cầu kỳ, nhưng khán giả đã nghe là sẽ thích.

- Với vai trò là Phó trưởng đoàn Ca múa nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ, chị tổ chức show ca nhạc tại Nhà hát Tuổi trẻ còn có ý nghĩa gì?

+ Ngoài việc Nhà hát Tuổi trẻ nằm ở trung tâm, tiện cho khán giả, dĩ nhiên tôi còn mong muốn khán giả hiểu rằng, Nhà hát Tuổi trẻ không chỉ là sân khấu dành cho kịch, mà còn là sân khấu của ca nhạc. Nơi đây từng tổ chức nhiều chương trình ca nhạc chất lượng.

- Xin cảm ơn và chúc chị cùng các đồng nghiệp thành công trong chương trình sắp tới.

Hội Vũ (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/ca-si-anh-tuyet-muon-mang-den-cho-khan-gia-chuong-trinh-tu-te-voi-gia-ve-phong-tra-518893/