Muốn làm tiến sĩ cho vay ưu đãi rồi trả dần, không cho không

Đây là quan điểm của tiến sĩ (TS) Lương Hoài Nam khi bàn về đào tạo TS của Việt Nam.

TS Lương Hoài Nam trao đổi cùng PV báo Lao Động. Ảnh: HH

- Thưa TS Lương Hoài Nam, chất lượng đào tạo TS vẫn luôn là câu chuyện “nóng” được quan tâm. Nước ta đã có nhiều đề án đào tạo TS như Đề án 911 và mới đây là dự thảo đề án 9.000 TS. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Tôi khá lo ngại với chất lượng đào tạo TS trong nước tại các “lò ấp TS” có tốc độ “sinh nở” cao, với các đề tài nghiên cứu có những nội dung rất buồn cười. Nhiều luận án không đáp ứng được yêu cầu về tính mới mẻ khoa học. Tệ hơn, có cả việc sao chép hay thuê viết. Như vậy, đạo đức khoa học của người làm luận án cũng đã hỏng ngay từ bước đầu tiên.

Còn với TS được cấp bằng ở nước ngoài theo các chương trình đào tạo từ xa, chúng ta cũng cần thận trọng vì nhiều cơ sở đào tạo chưa được kiểm định.

Có một sự thật với không ít TS là trong suốt quãng đời sau khi nhận bằng, họ không tham gia nổi một công trình nghiên cứu hay bài báo khoa học. Như vậy, họ làm TS để làm gì?

Nếu còn đào tạo tràn lan, những người này sẽ làm hỏng hai chữ TS.

- Theo ông, Việt Nam có thực sự thiếu TS như Bộ GDĐT nhiều lần khẳng định không?

Nhu cầu đào tạo TS cần được xác định dựa trên thực trạng hiện nay và các mục tiêu phát triển giáo dục trung hạn, dài hạn. Có thể cần 9.000 TS, cũng có thể ít hơn, nhiều hơn. Vấn đề là đào tạo những chuyên ngành gì, chất lượng ra sao, kế hoạch sử dụng thế nào? Chi tiền tỷ để đào tạo một TS ở nước ngoài nhưng rồi họ về làm những công việc nhàm chán, lương tháng chỉ mấy triệu đồng, rồi “chân ngoài dài hơn chân trong” để mưu sinh thay vì tập trung nghiên cứu, giảng dạy thì phí tiền.

Cá nhân tôi thiên về giải pháp cho vay ưu đãi với các nghiên cứu sinh làm luận án TS ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành, những người đó phải về nước làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo với chế độ đãi ngộ theo thỏa thuận. Có vay, có trả, chứ không cho không. Khi đó lương tháng của một TS đào tạo ở nước ngoài có thể hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng để trang trải cuộc sống và trả dần tiền vay.

TS là nhà khoa học, một đối tượng người lao động đặc biệt, không nên và không thể “định biên” theo tỷ lệ dân số. Những nước đông dân như Trung Quốc không thể có tỷ lệ TS cao như ở các nước phương Tây, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc có nền giáo dục, nền khoa học – kỹ thuật kém khi mà họ đã có không ít trường đại học trong Top 100 của thế giới, có số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế PCT (Patent Cooperation Treaty) đứng thứ 3 thế giới.

Vấn đề nằm ở chất lượng hơn là số lượng. Nước ta không nên chạy theo các chỉ tiêu số lượng phù phiếm, mà cần chú trọng chất lượng đào tạo.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/muon-lam-tien-si-cho-vay-uu-dai-roi-tra-dan-khong-cho-khong-577676.ldo