Muốn làm báo phải biết viết và chấp nhận sống bằng nhuận bút

Sống bằng nhuận bút khó lắm, nếu không có đam mê với nghề báo thì không sống được. Nhưng sống bằng nhuận bút sẽ khiến cho tâm thanh thản, giàu lên bởi những ngôn từ được tích lũy qua quá trình viết.

Khi còn là sinh viên, tôi kiếm được khá nhiều tiền từ “viết báo”. Lúc sắp ra trường, tôi kén chọn cho mình một vài tờ báo lớn để nộp hồ sơ. Tôi tin rằng với khả năng “làm báo” của mình, tôi có quyền lựa chọn. Thế nhưng, sau tất cả các bài thi, tôi đều trượt. Một biên tập viên ở một tờ báo mà tôi vừa thi vào đã cầm bài viết của tôi lên xem và nói: “Viết thế này mà cũng gọi là viết báo à?”. Tôi khá bực bội. Tôi thầm đánh giá lại gã là một nhà báo “chẳng biết gì”.

Nhà báo phải biết sống bằng nhuận bút (Ảnh minh họa)

Nhà báo phải biết sống bằng nhuận bút (Ảnh minh họa)

Tôi bắt đầu hạ thấp tiêu chí của mình khi nộp hồ sơ vào những tờ báo ít tiếng tăm hơn, với hy vọng “cứ tìm được một công việc cái đã rồi tính tiếp”. Thế nhưng tôi vẫn trượt ngay từ vòng “gửi xe”, ngay cả với tờ báo mà tôi thực tập khi ra trường cũng từ chối nhận tôi. Họ đã đăng nhiều bài viết của tôi, đó là một cách gián tiếp công nhận khả năng báo chí của tôi, vậy tại sao họ không nhận tôi?

Tôi thất vọng, hoàn toàn thất vọng. Tôi từng có những bài báo viết về nhiều sự việc, đòi công lý cho nhiều người dân, phanh phui nhiều sai phạm của cấp chính quyền cho đến doanh nghiệp. Trong suốt mấy năm học đại học, tôi bỏ học như cơm bữa mà thầy giáo cũng vẫn cho tôi qua bởi tôi là một sinh viên “có tiếng”. Facebook của tôi tràn ngập những đường dẫn tới những bài báo của tôi, của một phóng viên nào đó mà tôi quen, ngập ảnh của tôi với các nhà báo… điều đó khiến cho tụi sinh viên cùng lớp cảm thấy choáng ngợp. Tôi được “tung hô” trên facebook và được nhiều sinh viên khác làm quen, nhờ vả… Tôi nổi bật, tôi tự hào và tôi luôn nghĩ mình rất “đỉnh”.

Nhưng cuối cùng, tôi đã thất nghiệp sau 2 năm ra trường. Tôi không thể tìm kiếm một công việc ở quê nhà bởi tôi đã từng nhúng tay vào đưa tin một vụ đất đai tại địa phương khiến nhiều người không ưa tôi, hơn nữa, tôi đã từng vác cái danh phóng viên ra để “dọa” nhiều người ở xã, huyện. Tôi không thể xin nổi một công việc bởi không ai dám nhận một “nhà báo” về cơ quan mình.

Tôi phụ anh trai làm ở một tiệm sửa xe máy và tiếp tục gửi bài cộng tác cho một số tờ báo điện tử với số tiền nhuận bút không đủ đổ xăng xe. Đã đôi lúc tôi nghĩ con đường làm nghề báo đã đóng cửa với mình, nhưng tôi không biết làm gì khác.

Một hôm, chị biên tập viên của tờ báo mà tôi từng thực tập gửi cho tôi một thông tin tuyển dụng. Tôi rất vui mừng nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn sỹ diện nói với chị: “Tờ này chán lắm, để em nghĩ xem có nên làm không”. Chị có vẻ bực bội, liền hỏi tôi: “Vậy em cần một tờ báo như thế nào để làm”. Tôi nói về mức lương phải đỉnh, lãnh đạo phải hiểu biết, chứ không phải kiểu thích đăng bài thì đăng, thích gỡ bài thì gỡ. Chị hẹn gặp tôi trò chuyện.

Sau khi nghe tôi “chém gió” về bản thân, chị đưa ra nhận xét thẳng thắn: “Sinh viên các em nhiều người làm ăn chộp giật vì ham tiền. Các em không chịu trau dồi ngôn ngữ và nghiệp vụ để viết báo cho hay, mà chỉ quan tâm đến việc làm sao kiếm được tiền nhanh nhất. Các em nhận tiền của người dân để giải quyết sự vụ, nhưng không đến nơi đến trốn, đăng được vài ba bài báo rồi cũng chẳng đi đến đâu, khiến người ta tiền mất tật mang. Thỉnh thoảng các em tìm được sai phạm của các đơn vị, doanh nghiệp, các em mang bằng chứng đến dọa rồi lấy tiền mang về, bỏ qua cho họ. Làm như vậy, nghề báo chưa tới, nghiệp báo đã tới rồi.”

Chị kể rằng trước đây, khi biên tập bài của tôi chị phải sửa tất nhiều về mặt trình bày và ngôn ngữ, gần như viết lại bài báo. Chị hy vọng tôi sẽ đọc lại và rút kinh nghiệm, viết hay hơn, có tâm hơn… nhưng rồi trong suốt quá trình thực tập, tôi vẫn viết như thế. Ngôn ngữ báo chí không phải là một kiểu kể chuyện của một bà hàng nước, thích thế nào thì “kể” thế ấy. Vì muốn động viên cánh sinh viên thực tập chúng tôi nên chị cố gắng biên tập để đăng bài. Chị cho rằng, tôi là người biết xông pha để có những thông tin hay, nhưng về cách viết báo thì quá kém. Ngôn ngữ cũng quá nghèo nàn. Đó là nguyên nhân vì sao tôi thi đâu trượt đấy, bởi hầu hết các bài thi đều dựa trên cách diễn đạt của người viết. “Muốn làm báo, trước tiên phải biết viết, và phải chấp nhận sống bằng nhuận bút”. Chị bảo thế.

Làm báo là phải chấp nhận dấn thân (Ảnh minh họa)

Chị còn dẫn chứng cho tôi thấy nhiều sinh viên ra trường đã kiên nhẫn sống bằng nhuận bút và giờ đã thành danh thế nào. Ngay cả như chị, đã 10 năm trong nghề báo, chị sống bằng nhuận bút hoàn toàn, không phải bằng tiền “cảm ơn” hoặc tiền đi “dọa” như một số người không có tâm huyết với nghề.

“Sống bằng nhuận bút khó lắm, nếu không có đam mê với nghề báo thì không sống được. Nhưng sống bằng nhuận bút sẽ khiến cho tâm thanh thản, khiến cho tâm hồn mình ngày càng giầu lên bởi những ngôn từ được tích lũy qua quá trình viết. Đó là những cái mà mình thấy được nhiều khi làm báo chân chính”, chị tâm sự.

Khi chia tay chị, tôi nhớ mãi câu chị nói: “Nghề báo chưa tới, nghiệp báo đã tới”. Tôi còn nhớ lại vài sự việc đã nhận của người dân nhưng vẫn chưa đòi lại được công bằng cho họ. Tôi đã đăng một vài bài báo rồi để sự việc chìm vào quên lãng. Cái tôi cần khi đó là tiền, và cho đến giờ tôi vẫn canh cánh trong lòng những sự việc còn dang dở ấy, như thể tôi đang mắc nợ với họ. Phải chăng, nghề báo chưa tới, nghiệp báo đã tới đúng như chị nói?

Có lẽ, tôi nên bắt đầu lại từ đầu, với những con chữ. Bởi tôi nghiệm ra một điều, muốn làm nhà báo, trước tiên phải “viết báo”.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/muon-lam-bao-phai-biet-viet-va-chap-nhan-song-bang-nhuan-but-d158397.html