Muôn kiểu lừa khi mua bán hàng trên mạng

Khi bị lừa đảo mua bán qua mạng, người bị hại cần đến ngay cơ quan công an để trình báo, tố giác tội phạm.

Thời gian gần đây, báo Pháp Luật TP.HCM đã tiếp nhận nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng bị lừa đảo khi giao dịch mua bán qua mạng.

Yêu cầu chụp ảnh khỏa thân mới trả tiền cọc

Mới đây, qua fanpage của PLO, chị Hải Yến cho biết từ thông tin trên mạng, chị liên hệ với một thanh niên mua món đồ với giá 2 triệu đồng. Thông qua Facebook, thanh niên này yêu cầu người mua phải chuyển 500.000 đồng tiền cọc, khi giao hàng tới sẽ thanh toán hết số tiền còn lại.

Tuy nhiên, sau khi chị Yến chuyển khoản tiền cọc, bên bán nói không bán hàng nữa, nếu muốn lấy lại tiền cọc thì phải làm theo cách anh ta hướng dẫn. Cụ thể, người này bảo chị Yến chụp vài tấm ảnh khỏa thân không che mặt gửi cho anh ta thì sẽ trả lại tiền cọc.

Một trường hợp khác, anh Đinh Văn Hào (Tân Châu, Tây Ninh) phản ánh thông qua một trang Facebook, anh biết một người giới thiệu là bác sĩ của Viện Nghiên cứu y học cổ truyền trung ương chữa bệnh trĩ.

Qua liên hệ, anh Hào được bác sĩ tên PB tư vấn mua thuốc. Sau khi được tư vấn nhiệt tình, anh Hào tin tưởng đây là bác sĩ làm việc ở Viện Nghiên cứu y học cổ truyền nên đặt mua một hộp thuốc với giá 800.000 đồng.

Sau khi nhận được thuốc, anh Hào thấy hộp thuốc có bao bì, nhãn mác không rõ ràng nên nhờ người có chuyên môn kiểm tra. Sau đó, anh mới biết thuốc này không phải của Viện Nghiên cứu y học cổ truyền như quảng cáo.

Khi liên hệ lại số điện thoại của bác sĩ trên thì không liên hệ được, Facebook cũng bị chặn, đến đây thì anh Hào biết mình đã bị lừa.

“Trong cái xui có cái hên, hên là tôi chưa uống hộp thuốc này, lỡ uống thì không biết hậu quả thế nào” - anh Hào nói.

Khác với hai trường hợp trên, anh Nguyễn Quang Vinh (TP.HCM) cho biết mình là người bán hàng qua mạng nhưng lại bị các đối tượng mua hàng lừa đảo.

Cụ thể, một tài khoản Facebook tên TBB liên hệ và hỏi mua sản phẩm là hộp đựng giày. Lấy lý do cần gấp, người mua yêu cầu thanh toán chuyển khoản, yêu cầu giao hàng ngay và gửi ảnh chụp tin nhắn đã chuyển khoản.

Sau khi chuyển hàng xong, đợi đến hôm sau, anh Vinh vẫn không thấy tiền vào tài khoản. Liên hệ với người mua hàng thì điện thoại khóa máy, tài khoản Facebook cũng bị chặn luôn. Ảnh chụp tin nhắn chuyển khoản thành công kia chỉ là sản phẩm của photoshop.

Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh bị lừa khi mua bán hàng qua mạng. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh bị lừa khi mua bán hàng qua mạng. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Một trường hợp ở Gò Vấp giả vờ chuyển khoản thành công rồi lấy hàng đi mất. Mới đây, sau khi nạn nhân báo công an thì người này đã đến trả lại tiền. Ảnh:N.HIỀN

Muốn tố giác phải có tài liệu, chứng cứ

Ông Lê Uy Chinh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh Long An, cho biết trung tâm cũng hay nhận những phản ánh cho thấy trên môi trường mạng có rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Các kiểu lừa đảo này được chia làm hai dạng.

Một là các giao dịch có thông tin, địa chỉ giao dịch rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ, tài liệu giao dịch. Hai là những giao dịch mà nạn nhân không có thông tin gì khác ngoài số điện thoại hoặc tài khoản Facebook để liên hệ.

Đối với trường hợp có tài liệu, chứng từ giao dịch thì ngay sau khi bị lừa, nạn nhân cần đến cơ quan công an (nơi giao dịch hoặc nơi cư trú của đối tượng lừa đảo) để trình báo.

Khi rơi vào trường hợp thứ hai (không có thông tin gì nhiều về đối tượng lừa đảo), lúc này việc xử lý sẽ khó hơn vì không thể trình báo với công an mà không có tài liệu, chứng từ gì chứng minh hành vi lừa đảo.

“Người bị lừa có thể chia sẻ thông tin trên mạng để mọi người cùng biết về đối tượng lừa đảo để cảnh báo” - ông Chinh nói.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, chia sẻ thêm: Khi giao dịch mua bán hàng qua mạng thì trong quá trình giao dịch chúng ta cần lưu lại các tài liệu, chứng từ liên quan. Vì trong trường hợp bị mất tiền, các tài liệu đó là căn cứ để tố giác với cơ quan chức năng, đòi lại quyền lợi của mình.

Nhờ trình báo nên đã lấy được tiền khi bị lừa

Đầu năm 2020, Công an quận 2, TP.HCM đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo mua bán qua mạng. Qua chứng cứ, tài liệu được các nạn nhân cung cấp, công an đã làm việc với đối tượng TTHM.

Qua làm việc với cơ quan công an, TTHM đã thừa nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản của mình qua hình thức mua bán trên mạng. Sau đó, các nạn nhân cũng đã được phía gia đình TTHM trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/muon-kieu-lua-khi-mua-ban-hang-tren-mang-922572.html