Muôn kiểu lừa đảo qua mạng

Các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp nhận được nhiều đơn tố giác của các bị hại trình báo về việc bị mất cắp, lừa đảo tài sản qua mạng Internet. Điều đáng nói, trong đó có một số thủ đoạn mới lần đầu xuất hiện tại địa bàn.

Nhóm “trai Tây” người Nigieria trong đường dây lừa đảo quốc tế bị Công an Thừa Thiên - Huế bắt giữ vào tháng 6-2020.

Nhóm “trai Tây” người Nigieria trong đường dây lừa đảo quốc tế bị Công an Thừa Thiên - Huế bắt giữ vào tháng 6-2020.

Một phụ nữ trú tại TP Huế vừa đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế trình báo, bị chiếm đoạt gần 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Theo lời khai của bị hại, có một đối tượng gọi điện đến số di động của chị thông báo rằng, chị có liên quan đến một vụ án hình sự, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ, khởi tố. Người phụ nữ này khẳng định với người đang điện thoại cho mình rằng, không hề vi phạm pháp luật, thì đối tượng nói để chứng minh không liên quan thì chị phải thực hiện một số thao tác theo hướng dẫn. Người phụ nữ trong tâm lý hoảng loạn nên đã làm theo yêu cầu của người gọi điện.

Theo cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (viết tắt: Phòng ANM&PCTPCNC) Công an Thừa Thiên - Huế cho biết, đầu tiên, đối tượng yêu cầu người phụ nữ thay đổi điện thoại đang dùng sang sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android. Sau đó, lấy lý do “nhằm bảo mật thông tin tài khoản”, đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng phần mềm giả mạo do Bộ Công an cung cấp. Đây là phần mềm do các đối tượng lập ra nhằm tạo niềm tin cho các nạn nhân.

Sau khi nạn nhân cài đặt App mang tên “Bộ Công an” theo hướng dẫn của các đối tượng, nạn nhân điền thêm các trường thông tin hiển thị trên App giả mạo này như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân)... Các thông tin này sẽ được chuyển về máy chủ do các đối tượng quản lý. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được phần mềm gián điệp kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân... Sau khi cài đặt App “Bộ Công an” theo yêu cầu của các đối tượng, thì 2 hôm sau, người phụ nữ này đến ngân hàng để rút tiền về lo việc gia đình thì bất ngờ phát hiện, gần 300 triệu đồng trong tài khoản đã “bốc hơi”.

Thượng tá Mai Văn Toàn- Trưởng phòng ANM&PCTPCNC- Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, quá trình điều tra bước đầu, đơn vi xác định ngoài các bị hại ở tỉnh Thừa Thiên- Huế bị sập bẫy lừa do cài đặt phần mềm gián điệp App “Bộ Công an” giả mạo thì còn nhiều bị hại tại các tỉnh, thành khác cũng bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Ngoài thủ đoạn nói trên, còn nhiều bị hại khác cũng trình báo bị lừa đảo qua mạng Internet với nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có một số thủ đoạn mới lần đầu xảy ra ở địa bàn. Cụ thể, một số đối tượng tìm kiếm các tài khoản trang cá nhân của những người phụ nữ ở độ tuổi trung niên có ngoại hình xinh đẹp, sau đó tiến hành tạo lập các tài khoản mới có nội dung gần giống với tài khoản đó và thực hiện kết bạn làm quen với nhiều nam giới để tán tỉnh, gạ tình. Sau khi tạo được sự tin tưởng, đối tượng hỏi mượn tiền hoặc yêu cầu thanh toán tiền khách sạn, khu nghỉ dưỡng mà cả hai đã có kế hoạch trước đó bằng cách chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tài sản.

Đáng báo động, một thủ đoạn rất tinh vi, đó là một số đối tượng mạo danh là nhân viên của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone gọi điện, nhắn tin hướng dẫn người sử dụng điện thoại thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G. Theo cơ quan Công an, đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn- Đội trưởng Phòng ANM&PCTPCNC Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, trong số nhiều bị hại vừa gửi đơn đến cơ quan điều tra, thì có trường hợp bà N.T.Đ. (trú TP Huế) bị lừa số tiền 1,5 tỷ đồng. Dù thủ đoạn này không mới nhưng vẫn còn rất nhiều nạn nhân sập bẫy.

Cụ thể, thông qua mạng xã hội Facebook, bà Đ. kết bạn với một nam giới có tài khoản “Hark Soa Tai Mk”. Người này giới thiệu với bà Đ. đang là quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ tại Syria. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, khi tạo được niềm tin cho bà Đ., “Hark Soa Tai Mk” nói có một số tiền lớn muốn chuyển về Việt Nam để tặng bà Đ. và ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Sau đó, người xưng là nhân viên hải quan gọi thông báo với bà Đ. có một món quà giá trị rất lớn gửi cho bà nên yêu cầu phải nộp tiền để làm thủ tục trước khi nhận quà. Tưởng thật, bà Đ. đã chuyển tổng cộng 1,5 tỷ đồng cho các đối tượng. Sau khi chuyển tiền bà Đ. vẫn không nhận được quà nên liên lạc với “Hark Soa Tai Mk” thì tài khoản này không liên lạc được. Lúc này, bà Đ. mới biết mình đã bị lừa nên đến trình báo cơ quan Công an.

HOÀNG ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_246663_muon-kieu-lua-dao-qua-mang.aspx