Muốn khởi nghiệp thành công phải biết đối diện với thất bại

'Việc khởi nghiệp không đơn giản nếu không có cái nhìn dài hạn. Muốn khởi nghiệp thành công, trước tiên các bạn cần biết cách đối diện với thất bại, coi số tiền mất đi như học phí để biết thêm những điều mới và đứng dậy làm tốt hơn từ những lần sau'. Đó là quan điểm về khởi nghiệp của anh Hoàng Đình Trọng, CEO của công ty CP Điện lạnh TST, người đã trải qua nhiều lần thất bại trước khi có được thành công.

Khởi nghiệp với 12,7 triệu đồng

Trong suốt quá trình hoạt động kéo dài từ năm 2007, Công ty CP Điện lạnh TST đã trải qua nhiều thăng trầm. Công ty đã có 8 lần rơi vào cảnh thua lỗ, “học phí” cho những lần thất bại đó lên tới… 8 tỷ đồng. Bù lại, hơn một thập kỷ lăn lộn trên thương trường, anh Trọng đã tích lũy cho mình được những vốn kinh nghiệm quý giá từ thực tế xương máu.

Anh Hoàng Đình Trọng - CEO của Công ty CP Điện lạnh TST

Anh Hoàng Đình Trọng - CEO của Công ty CP Điện lạnh TST

Anh Trọng cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh - Đại học Thương mại, anh mạnh dạn thành lập công ty CP Điện lạnh TST bắt đầu bằng số vốn 12,7 triệu đồng sau khi bán phần thưởng giành được từ chương trình “Hãy chọn giá đúng”.

Ngay trong năm đầu tiên doanh thu công ty được 90 triệu đồng. Đến năm thứ hai doanh thu đã tăng lên 8 tỷ đồng. Mức thu “khủng” khiến anh tự tin thái quá. Anh tuyển dụng nhân sự ồ ạt. Từ chỗ vài nhân viên, công ty đã có tới 60 nhân viên.

Khi quy mô doanh nghiệp lớn dần, số lượng nhân sự tăng lên là lúc CEO này cảm thấy mất kiểm soát và hỗn loạn trong việc quản lý nhân sự cũng như giải quyết công việc. Đến khi không còn khả năng chi trả lương đúng hẹn hằng tháng, doanh nghiệp buộc phải nợ lương người lao động từ 1-6 tháng, nhân viên nghỉ việc, mất hợp đồng… Anh mắc kẹt vào doanh nghiệp của chính mình.

“Nhiều đêm tôi nằm nghĩ, hay là bỏ quách công ty này để đi làm thuê cho nhẹ đầu. Năng lượng đi xuống, tôi thường xuyên quát mắng nhân viên. Sự cô đơn bao phủ toàn công ty, tôi không biết chia sẻ với ai nỗi khổ của mình. Doanh nghiệp bắt đầu nợ lương 1 tháng, 2 tháng rồi đến… 6 tháng. Những câu hỏi liên tục xuất hiện trong đầu, tại sao mình nỗ lực, chăm chỉ giờ lại phải nhận cục nợ, danh dự thì mất?”, anh Trọng nhớ lại.

Lãnh đạo tài ba có thể xây dựng một bộ máy tự động

Sau những câu hỏi dằn vặt, anh Trọng bắt đầu hành trình nghiên cứu về vấn đề quản trị doanh nghiệp. Trong suốt 2 tháng liền sau đó, anh tìm đọc tất cả các sách về lãnh đạo, quản lý để tìm ra lỗi sai của mình. Sáng nào anh cũng cà phê với các trưởng phòng, giám đốc trong các công ty đa quốc gia để nói chuyện với họ, xem cách họ làm, đọc báo cáo tài chính của họ. Sau nhiều ngày, anh đã tìm ra điểm khác biệt giữa công ty anh và các công ty đa quốc gia, ranh giới giữa thành công và thất bại chính là “khoa học”.

“Hóa ra trước kia tôi làm doanh nghiệp tự phát quá, tôi tự cho rằng mình giỏi và không bao giờ quan tâm thế giới họ làm như nào. Đó là lý do tôi càng đi càng vào bụi rậm”, anh Trọng chia sẻ.

Quá trình đi phỏng vấn các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và cả ở Mỹ, Nhật… tìm hiểu thông tin đã giúp anh có tư liệu để viết 2 cuốn sách “Giải phóng lãnh đạo” và “Tự động hóa doanh nghiệp”. Từ chỗ công ty phá sản, anh đã xây dựng lại, trả hết nợ nần và biết cách xây dựng bộ máy công ty để TST “hồi sinh”.

“Áp dụng những bài học mà tôi đã nghiên cứu vào công ty TST, tôi thực sự bất ngờ vì TST từ cõi chết trở về khi chỉ mới kịp ứng dụng một nửa công thức. Hiện tại, TST trở thành một trong những nhà thầu bảo trì chiller hàng đầu Việt Nam với những đối tác lớn như Toyota, Daikin, Samsung”, anh Trọng hồ hởi nói.

Đến thời điểm này, anh Trọng đang là Chủ tịch Công ty cổ phần điện lạnh TST, Chủ tịch Công ty TNHH đào tạo tư vấn PDCA, Chủ tịch Cộng đồng doanh nhân GBN và là cố vấn trực tiếp cho nhiều công ty khác. Anh đầu tư vào 5 công ty và miệt mài trong hành trình chia sẻ với các doanh nghiệp khác bí quyết để thành công. Anh tổ chức các khóa học “Xây dựng doanh nghiệp thành công”, “Tự động hóa doanh nghiệp”, “Nhà quản lý chuyên nghiệp”… thu hút 18.000 chủ doanh nghiệp theo học. Anh Trọng hy vọng qua thất bại của anh hơn 10 năm về trước, các bạn trẻ sẽ nhận được giá trị gì đó để có thể tránh được “vết xe” của anh.

“Có một thực trạng đáng lo ngại là 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ nghề đều bị phá sản. Đó là hậu quả tất yếu cho cách xây dựng công ty bản năng, chắp vá. Các chủ doanh nghiệp cần được giải phóng khỏi các sự vụ để làm đúng chức năng của mình là định hướng chiến lược, làm thương hiệu, quan hệ đối tác, truyền cảm hứng cho nhân viên… Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới phát triển lâu dài, bền vững”, anh Trọng đúc kết.

Diệu Anh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/khoi-nghiep/muon-khoi-nghiep-thanh-cong-phai-biet-doi-dien-voi-that-bai-4422.html