Muốn hưởng 'tiệc' EVFTA, tiên quyết phải đáp ứng quy tắc xuất xứ

Cùng với các cơ hội đặt ra về thúc đẩy xuất khẩu hay thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

Cách khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Thái Bình

Cách khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Thái Bình

EVFTA không phải màu hồng

Với EVFTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nêu rõ: Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Ở chiều tận dụng cơ hội xuất khẩu, thách thức đến từ việc rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, EU rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, ví dụ gỗ và các sản phẩm từ gỗ khi xuất khẩu sang EU thì phải được khai thác một cách hợp pháp.

Xoáy sâu phân tích vào mặt hàng nông, thủy sản, chia sẻ tại buổi tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA” do Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng nay, 2/7, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá, EU là thị trường bậc cao nên ưu đãi về mặt thuế quan không phải hoàn toàn là màu hồng.

“Muốn tận dụng tốt cơ hội, nông, thủy sản Việt Nam phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe… Từ năm 2016, ngành nông nghiệp đã tập trung vào các vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã bao bì… để ứng xử không chỉ với EVFTA mà còn nhiều FTA khác. Bởi không chuẩn hóa thì không thể hội nhập bền vững”, ông Toản nhấn mạnh.

Góp thêm tiếng nói và câu chuyện xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông, thủy sản vào EU khi EVFTA có hiệu lực, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham đánh giá, để làm việc với thị trường, khách hàng châu Âu, điểm đầu tiên là phải chuẩn bị về tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, giấy phép…

“Yếu tố tiên quyết là doanh nghiệp Việt có đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật trong cả quá trình trồng trọt, xuất khẩu hay không”, ông Minh nói.

Phải đáp ứng quy tắc xuất xứ

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề đáp ứng quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA để có thể được hưởng ưu đãi thuế quan.

Vụ Chính sách thương mại đa biên đánh giá, nhiều mặt hàng, ví dụ như hàng dệt may chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA, do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

Muốn xuất khẩu vào EU, nông, thủy sản Việt phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tiếp tục dẫn ví dụ từ câu chuyện của ngành dệt may, ông Minh đánh giá, quy tắc xuất xứ là điều kiện hàng đầu để được hưởng ưu đãi thuế tại EU. Với ngành dệt may, vải có làm ra được ở Việt Nam hay không?

“Tuần trước tôi đã có sự trao đổi với nhiều tỉnh, thành xem các tỉnh này có chào đón đầu tư ngành dệt nhuộm hay không thì câu trả lời là phần lớn các tỉnh đều e ngại. Chính phủ đang xây dựng đề án. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đề xuất lên Chính phủ là có khu vực quy hoạch riêng cho dệt nhuộm với yêu cầu đầu tiên là đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, ví dụ như thủy sản, dệt may hay da giày, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên đánh giá, để tận dụng cơ hội từ EVFTA nhìn chung thách thức đặt ra với các doanh nghiệp là đương nhiên. Đó là bởi, hiện nhiều doanh nghiệp Việt làm ăn chưa bài bản. Chính phủ có những hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách thì doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng tầm lên về các khía cạnh nhân lực, vật lực, tài lực…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/muon-huong-tiec-evfta-tien-quyet-phai-dap-ung-quy-tac-xuat-xu-129309.html