Muốn hòa giải thành công phải 'cương nhu kết hợp'

Là người thẳng thắn, bộc trực nhưng luôn chân thành, hòa giải viên Nguyễn Kim Quy luôn lấy cái lý làm đầu, sau đó dùng tình cảm để hóa giải các mâu thuẫn của người dân ngay tại khu dân cư, giúp cho tình đoàn kết xóm phố luôn được giữ vững nhiều năm nay.

Xây bệ lấn sang đất hàng xóm

Tổ dân phố số 5, khu dân cư số 8, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội là địa bàn có ít dân với hơn 80 hộ gia đình và gần 400 nhân khẩu. Người dân sinh sống bằng các nghề khác nhau như kinh doanh buôn bán nhỏ, xây nhà cho thuê, một số làm công nhân viên chức hoặc lao động tự do. Dù là địa bàn nhỏ nhưng vẫn xảy ra một số xích mích giữa các gia đình. Sau khi được kiện toàn, bà Nguyễn Kim Quy, SN 1953, được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải của khu dân cư.

Bà Quy cho rằng, phải nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con trong khối phố qua việc chủ động hỏi han, trò chuyện thì mới phát hiện được những mâu thuẫn cần giải quyết. Nhờ việc hòa giải ở cơ sở thành công đã góp phần giúp người dân tự nâng cao ý thức, nhận thức về pháp luật để điều chỉnh hành vi của mình. Từ đó mới xây dựng được tình đoàn kết xóm giềng, ổn định tại địa phương. Ngoài ra, làm hòa giải phải có sự thân tình, sau đó mới đến sự chân tình. Tức là, dù chưa có sự việc phát sinh nhưng mình đã thân thiết với người ta để tạo sự tin tưởng, gần gũi. Nếu mình cứ mang phong thái của lãnh đạo để đi hòa giải thì ít khi thành công. Ở cơ sở cần lấy "cái tình" để giải quyết vấn đề, vì "một trăm cái lý cũng không bằng một tý cái tình". Hòa giải viên phải hòa đồng với nhân dân để hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh riêng thì hòa giải viên phải nắm bắt rõ để lựa tình hình hòa giải.

Hòa giải viên Nguyễn Kim Quy, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo.

Hòa giải viên Nguyễn Kim Quy, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo.

Kể về những câu chuyện hòa giải đáng nhớ những năm qua, hòa giải viên Nguyễn Kim Quy cho biết, đó là trường hợp hai hộ gia đình chị M và chị L ở cạnh nhau trong một con ngõ. Một hôm, chị M tự ý xây dựng một cái bệ xi măng trước nhà mình dùng vào việc để giày dép. Tuy nhiên, chị L không đồng ý cho xây và xảy ra to tiếng, cãi vã. Sau khi nghe thông tin, tổ hòa giải của bà Quy đến tìm hiểu sự tình thì được biết, chị M khi xây bệ đã lấn sang bên phần đất của hộ gia đình chị L. Ban đầu chị M còn lớn tiếng cho rằng mình không sai, thậm chí còn đuổi bà Quy về nhà không tiếp. Nhưng bằng sự kiên trì và lý lẽ của mình, tổ hòa giải phân tích để chị M hiểu, việc làm đó của mình là sai. “Trong phần đất nhà chị thì chị có quyền xây dựng, bố trí đồ đạc theo ý mình, nhưng tuyệt đối không được lấn sang phần đất của người khác.

Cái bệ nhà chị xây lấn đến cả nửa mét sang nhà hàng xóm thì đã là sai theo pháp luật rồi, chị lại còn lớn tiếng cãi cùn. Nếu chị không tự giác đập bỏ phần bệ lấn sang nhà hàng xóm, chúng tôi sẽ mời cán bộ phường xuống làm việc trực tiếp. Tường nhà chị đến đâu thì xây tới đấy, không được lấn sang nhà người khác. Sau nhiều lần khuyên bảo, cứng rắn có, mềm dẻo có, chị M cuối cùng đã chấp nhận nghe theo và tự giác thực hiện lời của chúng tôi”, bà Quy cho hay.

Vốn là một kế toán trưởng đã về hưu, hòa giải viên Nguyễn Kim Quy thừa nhận mình là người thẳng tính, rõ ràng trong mọi công việc. Hòa giải là công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng bà vẫn xác định sẽ tiếp tục làm tốt bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tin của bà con khối phố gửi gắm. Trong lúc đi hòa giải không phải lần nào cũng “thắng ngay từ trận đầu”.

Có những vụ việc mà đương sự còn công khai xúc phạm, chửi bới rồi đuổi về làm mình muối mặt định bỏ về. Nếu là người tự ái mà bỏ về thì công việc hòa giải coi như đổ bể. Nhưng bà Quy là một người tính tình cứng cỏi và luôn làm việc theo nguyên tắc, trừ những vụ tranh chấp đất đai quá phức tạp thì sẽ mời lên phường, còn lại nên giải quyết ngay tại địa bàn dân cư. Theo bà, để hòa giải thành công thì người hòa giải viên phải là người thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người dân địa phương nơi đang sinh sống.

Trong công tác hòa giải, phải dùng cả biện pháp tâm lý cũng như biện pháp cứng rắn trên cơ sở quy định của pháp luật để tìm cách hóa giải mâu thuẫn cho người dân. Việc cập nhật các thông tin, quy định pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Xây dựng… là điều rất cần thiết. Khi phân tích cho các bên đương sự, ngoài góc độ tình cảm thì phải dựa trên lý lẽ và quy định của luật thì mới tăng sức nặng, phải “cương nhu kết hợp”.

Cảnh đường phố thanh bình ở phường Trần Hưng Đạo

Hòa giải viên là những cán bộ dân vận

Trao đổi với PV Báo Pháp luật & Xã hội, bà Phùng Phương Thảo, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, sau khi kiện toàn, toàn phường có 6 tổ hòa giải với 30 hòa giải viên. Việc kiện toàn đảm bảo đúng các hướng dẫn quy định về kiện toàn hòa giải viên.

Ngoài ra, công tác phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm triển khai với các nội dung gồm: Tuyên truyền bằng tờ gấp, biên soạn các quy định pháp luật để gửi xuống tổ dân phố, thực hiện tuyên truyền qua giao ban tổ dân phố - xây dựng tủ sách pháp luật tại phường và tổ dân phố - hướng dẫn các đoàn thể thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11. Riêng tại UBND phường, mỗi tháng chọn một ngày pháp luật. Trong ngày đó, các cán bộ tập trung chia sẻ, thảo luận về quy định pháp luật có liên quan tới công tác chuyên môn. Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, phường tập trung tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, đặt các điểm tuyên truyền tại các khu vực công cộng.

Cũng theo bà Thảo, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, chính các hòa giải viên đóng vai trò như những cán bộ dân vận trong việc vận động, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo thành phố, ngành y tế. Sự vào cuộc một cách đầy trách nhiệm, nhiệt tình của các hòa giải viên là một động lực rất lớn cho phường thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng như tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.

Thực hiện nâng cao chất lượng hòa giải viên ở cơ sở thông qua công tác tập huấn, giao ban tại UBND phường. Động viên khuyến khích và cùng các hòa giải viên thực hiện công tác hòa giải tại cơ sở, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ hỗ trợ hòa giải viên đối với các vụ việc hòa giải thành công.

Đình Tuệ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/muon-hoa-giai-thanh-cong-phai-cuong-nhu-ket-hop-217494.html