Muốn đưa 20.000ha khỏi khu dự trữ titan: Thiệt nhiều...

Đối với những khu vực dự trữ titan tuyệt đối không thể cho xây dựng những công trình, dự án kiên cố, kéo dài trong nhiều năm.

Không làm công trình kiên cố

Tiếp tục bày tỏ những lo ngại liên quan tới đề xuất xin đưa 20.000 ha ven biển ra khỏi khu dự trữ titan của Bình Thuận, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM chỉ rõ những mối nguy phải tính tới.

Ngoài việc kiến nghị đưa hơn 20.000 ha diện tích ở các khu vực ven biển ra khỏi khu vực dự trữ titan, Bình Thuận còn đề nghị nâng thời gian dự trữ titan lên 50-70 năm. Ảnh: PLO

Ngoài việc kiến nghị đưa hơn 20.000 ha diện tích ở các khu vực ven biển ra khỏi khu vực dự trữ titan, Bình Thuận còn đề nghị nâng thời gian dự trữ titan lên 50-70 năm. Ảnh: PLO

Thứ nhất, vị GS cho rằng, đây là khu dự trữ khoáng sản quốc gia, hơn nữa, titan lại là loại khoáng sản rất quý, và là nguyên liệu phục vụ sự phát triển chung của cả đất nước. Vì thế, khi xây dựng quy hoạch tại những khu vực này, phương án phát triển nào cũng phải được tính toán dựa trên nguyên tắc bảo toàn nguồn tài nguyên.

Vì nguyên tắc đó, nên khi đưa ra quyết định sử dụng vào mục đích gì Bình Thuận nói riêng cũng như Chính phủ nói chung đều phải có sự tính toán rất thận trọng.

Ông cho rằng, đối với những khu vực dự trữ titan tuyệt đối không thể cho xây dựng những công trình, dự án kiên cố, kéo dài trong nhiều năm.

Thay vào đó, chỉ nên lựa chọn những khu vực ít tài nguyên, cho triển khai các dự án sử dụng diện tích phần mặt như trồng cây, trồng rừng, khai thác trong thời gian ngắn.

Việc này nhằm kiểm soát được dự án, đồng thời bảo toàn được nguồn khoáng sản dự trữ, chủ động trong việc sử dụng, khai thác khoáng sản khi cần.

Tuy nhiên, theo đề xuất, Bình Thuận đang có tính toán sẽ giao đất cho các dự án Khu đô thị Du lịch nghỉ dưỡng, tức là những dự án kiên cố, với quy mô rộng, thời gian kéo dài.

Như vậy, sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề như: không chủ động được việc khai thác tài nguyên; nguy cơ bị đào xới, gây xáo trộn, thất thoát khoáng sản là rất lớn.

"Tôi xin nói, việc giao đất cho nhà đầu tư trong nhiều năm rồi đòi không được, đuổi không đi đã từng xảy ra rồi, Bình Thuận phải tính tới yếu tố này, không thể để xảy ra tình trạng khi cần nhưng không lấy lại được, không khai thác được tài nguyên, bỏ lỡ những cơ hội phát triển của đất nước.

Tiếp nữa, khi đã giao đất cho nhà đầu tư trong thời gian lên tới 50-70 năm, nghĩa là nhà đầu tư hoàn toàn có thể quây kín, muốn làm gì thì làm, thậm chí đào xới, khai thác titan cũng không thể quản lý được.

Đặc biệt, Bình Thuận phải đề phòng tình trạng nhà đầu tư nước ngoài đứng sau đổ tiền thuê doanh nghiệp Việt đứng tên rồi mượn danh nghĩa xây dựng dự án để khai thác trộm titan. Nếu quản lý không tốt, nhà đầu tư cố tình tìm cách kéo dài thời gian thực hiện, chưa hết thời hạn cho thuê 50 năm thì Bình Thuận đã có nguy cơ trắng tay, "mất cả chì lẫn chài". Hiệu quả của dự án du lịch chưa thấy đâu, nhưng hệ quả trước mắt là bán rẻ đất, mất tài nguyên. Cuối cùng, cái Bình Thuận có được chỉ là khu đất trống, với những dự án đắp chiếu, không hiệu quả.

Muốn đưa 20.000 ha khỏi khu dự trữ titan: Lo 'hớ' nặng?

Không nên mắc sai lầm

Thứ hai, khai thác titan khó và rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại. Trên thế giới, titan cũng giống như đất hiếm, đang được tìm kiếm như một loại khoáng sản vô cùng quý. Tại Việt Nam, nguồn khoáng sản này cũng không còn nhiều nhưng vấn đề khai thác lại chưa hiệu quả, giá trị tài nguyên chưa cao.

GS Lê Huy Bá nhấn mạnh, giá trị của tài nguyên được gắn kết với trình độ, khoa học kỹ thuật của từng thời đại. Tại thời điểm hiện tại, khoa học kỹ thuật của Việt Nam chưa thể đáp ứng được, do đó, nhiều địa phương đã xem nhẹ vai trò, tầm quan trọng của nguồn tài nguyên này. Bình Thuận không nên mắc sai lầm như các sai lầm khác, phải tỉnh táo, giữ lại nguồn tài nguyên này để khai thác dần.

Vị GS đặc biệt lưu ý, bài toán phát triển các dự án du lịch cần được tính toán rất cẩn thận, đặc biệt là các yếu tố đánh giá về tính hiệu quả kinh tế mà dự án có thể mang lại cho địa phươngÔng nhắc nhở Bình Thuận phải tỉnh táo trước các ý đồ muốn chiếm giữ đất, xí phần của các nhà đầu tư để chờ đợi cô hội kiếm lợi.

Nếu vội vàng chiều chuộng ý tưởng của nhà đầu tư, nguy cơ phải chịu thiệt nhiều lần là điều khó tránh khỏi.

Cuối cùng, GS Lê Huy Bá chốt lại: Bình Thuận không nên giao đất xây dựng, phát triển các dự án đô thị du lịch, chỉ nên phát triển các dự án du lịch sinh thái.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/muon-dua-20000ha-khoi-khu-du-tru-titan-thiet-nhieu-3363980/