Muốn đưa 20.000 ha khỏi khu dự trữ titan: Lo 'hớ' nặng?

Khu dự trữ titan không thuộc thẩm quyền quản lý của Bình Thuận, cần phải đánh giá cụ thể về tiềm năng, trữ lượng loại khoáng sản quý này.

Theo quy hoạch của Bộ TN-MT, Bình Thuận có sáu khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với diện tích 82.500 ha, thời gian dự trữ đến năm 2050 (32 năm).

Tỉnh Bình Thuận kiến nghị đưa hơn 20.000 ha diện tích ở các khu vực ven biển ra khỏi khu vực dự trữ titan. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Tỉnh Bình Thuận kiến nghị đưa hơn 20.000 ha diện tích ở các khu vực ven biển ra khỏi khu vực dự trữ titan. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Tuy nhiên, với mong muốn phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận đã đề xuất xin đưa 20.000 ha ven biển ra khỏi khu dự trữ titan. Đồng thời, xin được triển khai 49 dự án trong khu vực dự trữ này. Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng xin kéo dài thời gian dự trữ từ 32 năm lên 50-70 năm tại những diện tích giao cho nhà đầu tư nhằm giúp nhà đầu tư có thể thu hồi vốn.

Đồng tình với chủ trương phát triển kinh tế, song PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, phải cân nhắc vì titan là khoáng sản rất quý và là nguyên liệu phục vụ sự phát triển chung của cả quốc gia.

Chỉ rõ mấy vấn đề, vị PGS phân tích:

Trước hết, cần phải hiểu rõ titan là khoáng sản quý, thuộc thẩm quyền quản lý quốc gia. Đây cũng là một kim loại có giá trị và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: công nghiệp hàng không, vũ trụ, trong luyện kim, công nghiệp chế tạo máy, hóa chất, xây dựng,..

Chính vì tầm quan trọng của titan ngày càng lớn nên việc nắm bắt được được tình hình kinh tế và xu hướng của thị trường tian, sẽ làm cơ sở cho việc đánh giá giá trị kinh tế các mỏ titan đồng thời cũng là cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, các chiến lược phát triển, đầu tư của các ngành, các nhà đầu tư sao cho có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Vì thế, loại bỏ 20.000 ha đất dự trữ titan không đơn giản như loại bỏ hàng nghìn ha đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng do làm nông nghiệp không hiệu quả. Cũng có thể cho nhà đầu tư thuê, phát triển dự án lên tới 50-70 năm, nhưng thời hạn sử dụng khu đất dự trữ titan còn liên quan chặt chẽ tới nhu cầu phát triển chung của cả đất nước, không thể tùy tiện.

Ví dụ, định ra thời hạn sử dụng là 50 năm, 70 năm, nhưng trong thời gian đó, đất nước có nhu cầu phát triển công nghiệp, cần phải khai thác, sử dụng titan thì bắt buộc phải khai thác, lúc đó, dự án của nhà đầu tư phải tính toán thế nào? Có thu hồi được không? Bồi thường, giải tỏa ra sao...? Rất nhiều vấn đề phải tính tới.

Còn nếu phải chờ đợi hết thời hạn giao đất cho nhà đầu tư là 50-70 năm rồi mới khai thác, nghĩa là titan đã bị chôn trong đất mà không được sử dụng là một lãng phí vô cùng lớn, có thể khiến Bình Thuận cũng như nền kinh tế cả nước mất đi các cơ hội phát triển mới. Vì thế, ở đây chính là câu chuyện tính toán trong việc sử dụng thế nào cho hiệu quả nhất.

Tiếp theo, như đã khẳng định ngay từ đầu titan là loại khoáng sản vô cùng quý, do đó, việc quản lý, khai thác, sử dụng phải được đánh giá rất cẩn thận. Đặc biệt là đánh giá tiềm năng, trữ lượng, đặc tính titan từng khu vực để quản lý cho hiệu quả, tránh tư duy ăn xổi ở thì, giao nhầm "trứng cho ác".

Ví dụ, đối với những khu vực có hàm lượng titan thấp, khó khai thác, hiệu quả kinh tế thấp, có thể lựa chọn hi sinh khoáng sản để phát triển kinh tế, tuy nhiên, song song với đó, địa phương cũng phải đưa ra những dự báo về nhu cầu phát triển chung cũng như các dự báo về tiềm năng phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn.

Việc này rất quan trọng vì có liên quan trực tiếp tới quyết sách đầu tư của địa phương, không thể để tình trạng dự án xây lên cũng không có gì thay đổi, phá đi cũng không ảnh hưởng tới ai, trong khi khoáng sản, tài nguyên thì đã mất.

Lo bị hớ

Hơn nữa, theo vị PGS, khi công tác quản lý còn chưa tốt, những vấn đề tiêu cực, tham nhũng còn chưa được giải quyết triệt để, việc đánh giá thận trọng trước khi quyết định chuyển đổi là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế những nguy cơ tiêu cực, lãng phí tài nguyên.

"Tôi nhấn mạnh, titan không giống như tài nguyên đất, đào lên rồi lại lấp đầy mà không ai hay biết. Nếu có sự tiêu cực, gian dối, đánh giá sai trữ lượng, tiềm năng của từng mỏ titan trước khi giao cho nhà đầu tư sẽ là kẽ hở khiến nhà nước mất nguồn tài nguyên quý, còn doanh nghiệp đã kiếm lợi nhiều lần", PGS Lê Cao Đoàn cảnh báo.

Đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển: Bộ trưởng nói thẳng

Dẫn lại câu chuyện từ việc phá rừng làm thủy điện, vị PGS nhấn mạnh yêu cầu phải tính toán, khảo sát, thẩm định rất cẩn thận các giá trị tại khu vực dự trữ khoáng sản titan để tránh tình trạng nhà nước và địa phương cùng bị "hớ".

"Ở nước ta thường có câu chuyện là khi đánh giá giá trị của các yếu tố liên quan chưa đúng, do đó, chưa khai thác được triệt để những tiềm năng, thế mạnh, làm mất đi các cơ hội phát triển lâu dài. Tôi lấy ví dụ như ở Tây Nguyên, chúng ta mới nhìn thấy cái lợi từ việc chặt cây, làm thủy lợi mà bỏ quên mất giá trị rất quý là khí hậu, môi trường ở Tây Nguyên. Đây mới là những giá trị chúng ta cần phải khai thác, phát huy, chứ không phải là những giá trị thấp kém trước mắt.

Đối với đề xuất của Bình Thuận cũng vậy, Bộ TN-MT cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính toán từ lợi ích của "ba bề bốn bên", phải được so sánh trong lợi ích tổng thể để đi đến quyết định", PGS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/muon-dua-20000-ha-khoi-khu-du-tru-titan-lo-ho-nang-3363838/