MUỐN CÓ QUẢ NGỌT THÌ PHẢI VUN TRỒNG

Lễ vinh danh các gương mặt tài năng tiêu biểu của ngành nghệ thuật biểu diễn (NTBD) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức những ngày đầu năm mới 2021. Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận, như tạo ra luồng sinh khí mới tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ cống hiến, góp sức cho nền nghệ thuật nước nhà ngày càng phát triển.

Năm 2020 là một năm rất khó khăn đối với hoạt động NTBD do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt qua nhiều thách thức, các nghệ sĩ đã nỗ lực sáng tạo, xây dựng những chương trình, vở diễn nghệ thuật với nhiều thể loại, thay đổi hình thức biểu diễn để đưa sản phẩm nghệ thuật tới công chúng. Đáng kể là 6 cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố từ tháng 9 đến 12-2020 thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Qua từng cuộc thi, xuất hiện lớp nghệ sĩ trẻ đam mê, giỏi nghề, năng động, sáng tạo, thích ứng với điều kiện mới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng các tài năng trẻ, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phát huy đam mê và cống hiến là rất cần thiết. Đây chính là những nhân tố “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống, quyết định sự tồn tại, phát triển của ngành NTBD. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý, đào tạo, chế độ bồi dưỡng và môi trường làm nghề của các tài năng NTBD còn nhiều bất cập. Việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật ở nhiều địa phương phần nào làm cho một số tài năng NTBD, nhất là nghệ thuật truyền thống ít có cơ hội thể hiện. Nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống ở các tỉnh, thành phố bị “xóa sổ” khiến một bộ phận nghệ sĩ phải biểu diễn loại hình nghệ thuật khác, thậm chí có người chuyển nghề, bỏ diễn.

Tiết mục ca múa nhạc tại Lễ vinh danh các gương mặt tài năng tiêu biểu của ngành nghệ thuật biểu diễn. Ảnh minh họa: toquoc.vn.

Tiết mục ca múa nhạc tại Lễ vinh danh các gương mặt tài năng tiêu biểu của ngành nghệ thuật biểu diễn. Ảnh minh họa: toquoc.vn.

Hiện nay, nhiều diễn viên trẻ, nghệ sĩ tài năng ngành sân khấu truyền thống của dân tộc, như: Tuồng, chèo, cải lương, ca kịch dân tộc và một số loại hình nghệ thuật đặc thù, như: Xiếc, múa... tuy yêu nghề, song cuộc sống của nghệ sĩ còn nhiều khó khăn do các hình thức nghệ thuật này “kén” khán giả. Trong khi đó, chế độ thù lao, chính sách đãi ngộ dù đã được quan tâm hơn trước nhưng vẫn chưa bù đắp được công sức của các nghệ sĩ bỏ ra trong quá trình luyện tập, trình diễn. Mặt khác, các phương tiện nghe nhìn hiện đại, các chương trình giải trí tràn lan trên mạng xã hội cũng khiến các sân khấu truyền thống ít “đỏ đèn” hơn, vì thế cuộc sống của một bộ phận nghệ sĩ biểu diễn vẫn chưa được cải thiện.

Vẫn biết xã hội còn rất nhiều việc phải lo, nhiều vấn đề phải giải quyết có tính cấp thiết hơn, nhưng không vì thế mà chưa chú trọng đúng mức đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung và chăm lo các nghệ sĩ biểu diễn nói riêng. Được quan tâm, chăm lo, bảo đảm về chế độ tương xứng với công sức luyện tập, phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện đại thì các nghệ sĩ ngành NTBD mới bớt phải lo toan "cơm áo gạo tiền" để toàn tâm, toàn ý chăm lo giữ gìn, phát huy những giá trị nghệ thuật đặc sắc của ông cha để lại, qua đó góp phần xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam lành mạnh.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/muon-co-qua-ngot-thi-phai-vun-trong-649012