Muốn có hạt giống đỏ cần có những vườn ươm

Trong số 120 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu, xuất sắc vừa được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội, có hơn 80% các em là học sinh của khối các trường chuyên, trường nội trú và trường vùng cao Việt Bắc. Con số này đang phản ánh, môi trường giáo dục tốt là điều kiện cơ bản để các em học sinh DTTS có cơ hội phát triển và tỏa sáng.

Trưởng thành từ “ngôi nhà thứ 2”

Lên với các ngôi trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT), cảm nhận đầu tiên đó là môi trường học tập chỉnh chu, quy củ. Nơi ấy, thầy cô vừa làm công tác giảng dạy, vừa là người cha, người mẹ, người anh quan tâm, chăm sóc học sinh. Mỗi học sinh cũng xem ngôi trường như “ngôi nhà thứ 2” của mình – nơi các em học tập, sinh hoạt suốt cả tháng, thậm chí cả học kỳ - mới đến lịch về thăm bố mẹ.

Giờ học võ thuật của học sinh người DTTS Trường Phổ thông dân tộc nội trú Di Linh

Giờ học võ thuật của học sinh người DTTS Trường Phổ thông dân tộc nội trú Di Linh

Đặc biệt hơn, trái với suy nghĩ: Học sinh người DTTS thường nhút nhát, e thẹn… học sinh ở những trường nội trú, trường chuyên, dù là con em đồng bào Thái, Mông, Dao, Ơ Đu hay Cờ Ho đều rất vui vẻ, tự tin, hòa đồng với bạn bè, thầy cô. Từ bản làng heo hút, khó khăn, được xuống học tập trung ở những ngôi trường xây cất khang trang, trang thiết bị học tập đầy đủ, các em không chỉ rèn giũa tính tự lập, tinh thần chủ động mà còn có nền tảng để xây đắp ước mơ, hoài bão.

Chuyện của thầy K’ Bras – giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mà tôi từng tiếp xúc là một minh chứng. Khi còn nhỏ, cậu bé người dân tộc Cờ Ho nhỏ thó, nhút nhát K’ Bras chưa từng nghĩ có ngày lại đi ra khỏi thôn Ka La (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Thật may mắn, năm học lớp 6, K’Bras được lên học ở Trường PTDTNT Di Linh. Đây chính là cơ hội để cậu bé K’Bras được tiếp xúc với môi trường học tập mới và mạnh dạn có những mơ ước lớn cho cuộc đời.

“Ban đầu tôi cũng rất e ngại, vì đang quen ở cùng gia đình dưới thôn làng. Nhờ có các thầy cô quan tâm, chỉ bảo; điều kiện học tập, sinh hoạt ở trường cũng rất tốt…nên tôi đã nhanh chóng thích nghi. Dần dần tôi trở lên tự tin, bạo dạn và yêu thích việc học tập hơn rất nhiều” – thầy K’Bras nhớ lại. Cũng bởi yêu ngôi trường, biết ơn những năm tháng thầy cô đã nâng cánh ước mơ cho mình nên chàng thanh niên K’ Bras đã chọn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và trở về giảng dạy, truyền cảm hứng cho các học sinh người DTTS ở chính ngôi trường mà thầy đã từng theo học.

Ươm hạt giống đỏ

Đến nay, tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trường PTDTNT. Tất cả 53 DTTS đều có con em theo học tại các ngôi trường này. Với số lượng tuyển có hạn, tiêu chuẩn lựa chọn là thanh niên, thiếu niên là người DTTS có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có học lực trung bình trở lên… không phải học sinh nào cũng có thể theo học ở những ngôi trường này. Bù lại, nếu được học tại các trường PTDTNT, các em không chỉ được ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi theo quy định của Nhà nước; mà còn được học tập ở các phòng học kiên cố, với các thầy cô giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh người DTTS rất tự hào khi có con em theo học ở các ngôi trường này. Với nhiều em học sinh, trường PTDTNT cũng chính là cái nôi để các em có điều kiện phát huy năng lực, kiến thức; trở thành những hạt giống đỏ đóng góp trí tuệ xây dựng bản, làng.

Thực tế cũng đã cho thấy, kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia những năm gần đây không ít giải Nhất, Nhì học sinh DTTS tại các ngôi trường PTDTNT ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Cùng với đó, số lượng học sinh là con em đồng bào DTTS học giỏi 3 năm liền, thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng trên cả nước cũng ngày càng nhiều. Ngoài các em trưởng thành từ những trường chuyên, trường năng khiếu; còn lại đa phần là học sinh đến từ trường PTDTNT các tỉnh. Thậm chí, nếu không có trường PTDTNT, nhiều em có lẽ đã không thể theo học lên cao. “Nhà em là hộ nghèo, có 3 anh em cùng đi học, bố mẹ cố lắm mới cho các con theo học được hết lớp 9. Năm lớp 10, nhờ được vào trường nội trú em mới có điều kiện để học hết cấp 3, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Biên phòng. Không có sự ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, học sinh nghèo ở vùng sâu, xa như chúng em, không biết sẽ ra sao?” - em Giàng A Thắng (làng Vùa 2, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) chia sẻ.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muon-co-hat-giong-do-can-co-nhung-vuon-uom-128516.html