'Muốn bay cao thì phải ngang bằng đôi cánh kinh tế và văn hóa'

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã được ban hành. Quảng Ninh cũng là một trong số ít những địa phương xây dựng được một nghị quyết về văn hóa. Nghị quyết đã đem lại những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động cũng như những hiệu quả rõ rệt trong việc xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Toán, nguyên Giám đốc Sở VH-TT về vấn đề này.

Nhà văn Lê Toán.

Nhà văn Lê Toán.

-Thưa nhà văn Lê Toán, theo ông thì văn hóa Quảng Ninh có điểm gì nổi bật, đáng chú ý nhất?

+ Như anh đã biết, Quảng Ninh là vùng đất cổ. Người Việt cổ ở Hạ Long số lượng không nhiều so với số lượng đồng bào dân tộc. Riêng vùng đất Đông Triều và Quảng Yên, người Kinh đến khai phá từ trước đó nhưng theo tôi nghĩ phải đến khoảng đời Trần trở đi thì mới đông đúc hơn.

Vùng Cẩm Phả, rồi Hạ Long, đến khi ngành công nghiệp khai thác than phát triển thì người Kinh của vùng đồng bằng sông Hồng mới di chuyển ra nhiều hơn.

Vì thế có 2 dòng văn hóa hợp lưu và hội tụ ở Quảng Ninh là văn hóa biển và văn hóa công nhân mỏ. Văn hóa biển thì minh chứng đã rất rõ qua các hiện vật khảo cổ trên Vịnh Hạ Long, ở Vân Đồn.

Văn hóa sông Hồng cũng được người dân mang ra theo các đợt di cư. Người Quảng Ninh hướng biển đi từ sông ra biển. Văn hóa biển Hạ Long hay theo tôi nói rộng ra văn hóa biển vùng Đông Bắc.

Do đó, ở Quảng Ninh, ta sẽ tìm thấy cả dấu ấn văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn. Thực tế, chúng ta đã tìm thấy cả trống đồng ở Quảng Chính đó thôi. Đó là minh chứng về sự dịch chuyển, bồi đắp văn hóa.

- Trong sự dịch chuyển và hợp lưu ấy, dòng chảy nào theo ông quan trọng hơn?

+Theo tôi, sự dịch chuyển này chỉ làm phong phú đa dạng thêm chứ không thay thế được văn hóa Hạ Long. Văn hóa biển là đặc trưng lâu đời của vùng đất này. Đó là nền tảng là cội nguồn bền vững. Đến khi có công nghiệp khai khoáng thì có văn hóa công nhân mỏ, có gốc gác từ nhiều nơi nhưng chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng dồn về. Rồi thêm nữa Quảng Ninh lại có sự tiếp biến văn hóa từ các vùng khác nữa. Hai dòng văn hóa này bổ sung, bồi bổ cho nhau giao thoa cùng phát triển tạo nên tính đa dạng thống nhất của văn hóa Quảng Ninh.

- Với đặc tính mở như vậy, chắc chắn sự tiếp biến, bồi đắp đó sẽ không dừng lại. Ông có nghĩ vậy?

+ Đúng là như thế. Có thể nói, bất chấp sự biến động của thời gian, văn hóa Quảng Ninh vẫn tiếp tục phát triển. Chỉ có điều đáng nói có những khi nó phát triển tự phát không theo ý mình. Như vậy, phải cần sự định hướng, uốn nắn. Chúng ta đã có cả một nghị quyết để định hướng phát triển. Nghị quyết đưa ra chủ trương là sự lãnh đạo, rất tốt rồi nhưng sau đó phải mời các chuyên gia, các nhà khoa học về nghiên cứu chuyên sâu, có hội thảo khoa học để bàn về vấn đề này. Ví dụ tính cách của người Quảng Ninh là hào sảng phải có cả tập nghiên cứu. Tôi rất lấy làm tiếc vì đến nay chưa có một công trình khoa học bài bản nào nghiên cứu về khí chất con người Quảng Ninh, đặc trưng văn hóa Quảng Ninh. Đó đây chỉ có những ý kiến những bài báo chấm phá khai thác một vài khía cạnh nhỏ chứ chưa thành hệ thống. Một điều đáng buồn nữa là ở Quảng Ninh bây giờ đang rất thiếu những chuyên gia về văn hóa. Quảng Ninh cũng nên xây dựng tại chỗ các nhà nghiên cứu của tỉnh, chuyên tâm nghiên cứu văn hóa.

- Sự tiếp biến đan xen ấy đặt trong điều kiện của một tỉnh có nền công nghiệp khai khoáng phát triển, có đời sống công nghiệp thì văn hóa sẽ trở thành hàng hóa đúng không thưa ông?

+Văn hóa Quảng Ninh có những kế thừa tiếp biến đan xen hình thành công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa đã đi vào mọi lĩnh vực có những tác động bằng khoa học công nghệ. Tôi còn nhớ, Đoàn Kịch Quảng Ninh trước đây đã mang nghệ thuật dân tộc đi phục vụ bà con đã biết dùng công nghệ chiếu hình ảnh minh họa lên màn hình máy chiếu.

Việc đó được làm ngay từ ở những năm đầu thế kỷ mới đáng nói chứ còn màn hình led như bây giờ thì là quá phổ biến rồi. Công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế đặc biệt và phải làm ra kinh tế. Tôi nhớ vào năm 2004, chúng tôi đã làm một màn sử thi về vùng đất con người Hạ Long. Chúng tôi được đặt hàng và mức giá chúng tôi đã đưa ra là 300 triệu đồng. Vào thời điểm đó đây là số tiền rất lớn. Vậy nhưng họ thấy xứng đáng và vẫn phải chi cho chúng tôi. Đấy là người ta biết thưởng thức văn hóa và khi thưởng thức văn hóa thì phải trả tiền.

Văn hóa đi liền với kinh tế và đặc biệt là kinh tế du lịch. Tôi thường ví von, văn hóa là chăm hoa là trồng cây thì du lịch sẽ hái quả. Văn hóa phải giữ gìn bản sắc nhưng muốn hấp dẫn du lịch thì phải đi theo hướng thị trường, phải biết đổi mới cập nhật những công nghệ mới. Nhìn bằng quan điểm đó, tỉnh và ngành văn hóa đã đầu tư cơ sở vật chất cho việc phát triển văn hóa. Từ đó mới có các thiết bị âm thanh ánh sáng, mới có việc các nhà hát, mới có thư viện, bảo tàng, cung cá heo hiện đại như bây giờ.

Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long).

- Thưa ông, vậy còn văn hóa cơ sở thì sao?

+ Hơn chục năm trước, ngành văn hóa phải tìm cách để có thiết chế văn hóa cơ sở. Bằng các mối quan hệ chúng tôi vận động nguồn lực đầu tư cho các công trình văn hóa cơ sở. Đơn cử như Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) hay như đình Điền Công (Uông Bí) chẳng hạn. Nếu không có nguồn lực đầu tư từ bên trên thì bà con từ đời này sang đời khác cũng không thể xây dựng được như vậy.

Có không gian để thực hành, diễn xướng rồi sẽ thúc đẩy các phong trào văn hóa. Thời đó chúng tôi xin dự án mỗi xã, phường đến mỗi thôn, mỗi khu phố có được một bộ âm thanh ánh sáng. Có phương tiện biểu diễn rồi lại tiếp tục động viên bà con tổ chức các hội diễn văn nghệ dân gian, hội diễn chèo truyền thống, hát dân ca của người Dao, của người Tày.

Khi bà con tham gia hội diễn cơ sở xong rồi lại chọn những tiết mục tốt nhất mang về thi ở cấp tỉnh. Chúng ta không thể làm thay bà con nhưng có thể đầu tư cơ sở vật chất, động viên hỗ trợ cho bà con để thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở phát triển.

Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự biểu diễn hát nhà tơ tại Liên hoan Hát nhà tơ, hát-múa cửa đình tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất.

- Trong văn hóa, có bộ phận tinh hoa nhất là văn học nghệ thuật. Là nhà văn, ông thấy sao về sự phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh nhà những năm qua?

+ Quảng Ninh quan tâm phát triển kinh tế mạnh mẽ. Nhưng sự phát triển của văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực tinh hoa nhất là văn học nghệ thuật thì chúng ta chưa có một quy hoạch phát triển văn học nghệ thuật. Hàng năm, chúng ta phát hiện được nhiều tài năng trẻ rồi nhưng phải bồi bổ nuôi dưỡng để các em các cháu vượt lên rồi trở về phục vụ quê hương. Đó là chiến lược của tỉnh, đó sẽ là công lao của tỉnh.

- Thưa ông, sự phát triển chưa tương xứng của văn hóa so với kinh tế đã đặt ra những vấn đề gì?

+ Đôi khi sự phát triển nóng của kinh tế đặt ra vấn đề phát triển bền vững về môi trường về văn hóa. Tôi cho rằng, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế tốt rồi bây giờ phải xốc dậy văn hóa, xây dựng phát triển con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Mà như anh đã biết, chính văn hóa và con người mới là cái quyết định sự phát triển bền vững. Văn hóa tạo ra sự khác biệt giữa địa phương này với địa phương khác. Văn hóa Quảng Ninh, con người Quảng Ninh giúp người ta nhận ra ngay đây là Quảng Ninh.

Trong một lần đi thực tế cơ sở, tôi nói vui rằng, vịt ở Yên Hải vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) nhiều nơi nuôi nhưng chưa thấy ở đâu có một xã mà có đến 9 di tích quốc gia mà chủ yếu lại là từ đường các dòng họ.

Lại có lần tôi ra Sa Vỹ và nảy ra ý tưởng du khách đến chụp ảnh cái nhìn là biết ngay là mũi Sa Vỹ. Anh đứng ở Sài Gòn mà chụp ảnh tòa nhà cao tầng thì sẽ lẫn với nhiều nơi nhưng đứng ở đây sẽ nhận ra ngay là Quảng Ninh là địa đầu Móng Cái. Vì sao vậy ư? vì đó là công trình văn hóa. Cái làm nên sự khác biệt thành bản sắc của Quảng Ninh so với tỉnh khác là văn hóa.

Theo nhà văn Lê Toán, biểu tượng này giúp người ta nhận ra ngay Sa Vỹ, Móng Cái.

- Trong nhiệm kỳ Đại hội tới, ông mong muốn tỉnh có sự quan tâm như thế nào về văn hóa?

+ Khi chúng ta đã nhận diện được văn hóa con người Quảng Ninh rồi thì phải khai thác và phát huy trong thời kỳ mới. Cùng với việc xây dựng các công trình văn hóa, chúng ta phải bảo tồn gìn giữ tu bổ các công trình văn hóa. Tôi thấy Quảng Ninh còn rất nhiều các công trình văn hóa kiến trúc kiểu Pháp đang rất cần được quan tâm bảo vệ. Rồi đến các công trình văn hóa ghi dấu các sự kiện cách mạng cũng cần được tôn vinh hơn nữa.

Chúng ta đã có chiến lược văn hóa, có Nghị quyết 11 rồi, có chương trình hành động cụ thể rồi thì phải có những hội thảo tọa đàm những công trình nghiên cứu dày dặn. Tôi mong Đại hội tới đây quan tâm hơn nữa để văn hóa phát triển song hành với kinh tế. Văn hóa không bị bỏ lại phía sau.

Tôi thường so sánh nếu như xây dựng Đảng là mũi nhọn là đầu tàu dẫn dắt thì kinh tế và văn hóa là hai cánh song hành. Chim đại bàng muốn bay cao bay xa thì hai cánh phải khỏe và phải ngang bằng nhau chứ không thể nào nghiêng lệch được. Đó là lý do phải cực kỳ coi trọng văn hóa.

- Trân trọng cảm ơn nhà văn!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/nha-van-le-toan-nguyen-giam-doc-so-vh-tt-quang-ninh-muon-bay-cao-thi-phai-ngang-bang-doi-canh-kinh-te-va-van-hoa-2498731/