Muối – Những điều kỳ diệu!

Dân tộc nào cũng có truyền thuyết, tục ngữ, ca dao về hình tượng muối, vì đó là thứ không thể thiếu trong đời sống con người, quen thuộc và cần thiết đến mức dân gian nâng lên thành một biểu tượng văn hóa giàu ý nghĩa.

Xét dưới góc độ hóa học, muối (biển) chứa 40% natri, 60% clorua và các thành phần khác như canxi, kẽm, kali và sắt là những vi chất rất cần cho cơ thể, giúp hỗ trợ và cải thiện các vấn đề sức khỏe. Ngoài tính kháng viêm mạnh và chống khuẩn tốt, muối còn có tác dụng giảm đau và cải thiện tình trạng co cứng khớp.

Muối duy trì lượng máu tuần hoàn và huyết tương trong cơ thể, giúp đường gluco thấm qua thành ruột non. Muối tác động đến cơ chế phản ứng của các dây thần kinh nhạy bén, năng động. Không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt vì có acid hydrochloric kích hoạt dạ dày, ngăn ngừa đầy hơi, ợ nóng hoặc khó tiêu, muối còn giúp cơ thể thanh tẩy tế bào chết, làm săn chắc làn da, cải thiện giấc ngủ, cân bằng chất điện giải và ngăn chặn đột quỵ…

Có thể còn nhiều tính năng khác, nhưng hầu như với mỗi người chúng ta hôm nay đều thường dùng nước muối để vệ sinh răng miệng. Muối sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn còn ẩn sâu trong các kẽ răng và nướu – nguyên nhân chính gây nên mùi hôi…

Cánh đồng muối.

Cánh đồng muối.

Như vậy, ở bất cứ đâu, ở thời đại nào muối cũng đều thân thiết, gắn bó với con người. Dĩ nhiên “thái quá bất cập”, quá tôn sùng hay ăn nhiều muối sẽ có tác hại. Ngày xưa, theo phép kiêng kỵ thiếu khoa học, các cụ ta thường chỉ cho phụ nữ mới sinh ăn cơm với muối trắng nướng (cho muối vào niêu đất vùi trong lửa) nên dẫn tới người mẹ dễ bị suy dinh dưỡng và hẳn nhiên là con bị còi cọc. Ngày nay khoa học sức khỏe cảnh báo nếu cơ thể hấp thụ nhiều muối dễ dẫn tới huyết áp cao, đột quỵ và dễ mắc các bệnh ung thư…

Xét trong lịch sử văn hóa thì muối đã trở thành một biểu trưng mang tính mẫu số chung cho cả nhân loại. Kho tàng ca dao Việt có rất nhiều câu về “muối”, như: “Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau/ Muối ba năm muối hãy còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình đầy/ Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”…

Muối thì mặn. Gừng thì cay, không phải là cay đắng mà là cái cay thơm nồng, đậm đà. Cái cay làm tiêu tan nỗi u buồn nặng trĩu đánh thức cái cảm giác nhạy bén mới mẻ. Thế nên gừng còn là vị thuốc (Đông y gọi là can khương).

Dựa vào đặc tính mặn của muối nên hầu như câu ca dao nào cũng mang tính biểu trưng cho tình cảm gắn bó, yêu thương của con người. Đối lập với “mặn” là “nhạt”. Nên hết yêu nhau, xa nhau, hờ hững với nhau thì người ta gọi đích đáng là “nhạt”, nhạt nhẽo, nhạt nhòa, nhạt phai,… Trong văn chương, không hay cũng bị gọi là “nhạt”, tức thiếu tình, thiếu chất đời, thiếu chất tư duy… Dở quá thì bị gọi là “nhạt toẹt”, “nhạt thếch”…

Người Việt có phong tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chứa đựng một triết lý nhân văn sâu sắc. Cuối năm mua vôi về sơn quét nhà cửa để đón xuân mới. Thời tiết cuối năm thuận tiện cho việc xây nhà dựng cửa nên mua vôi về để làm nhà.

Ngày xưa các cụ hay ăn trầu, trầu phải có vôi mới nồng nàn nên ngày xuân có miếng trầu đậm đà mời nhau thêm phần vui vẻ. Vôi luôn màu trắng (bạc như vôi) nên mua vôi vào những ngày cuối năm còn là khát vọng tống tiễn đi cái xúi quẩy, cái bạc bẽo, cái không may. Còn muối mặn mà là may mắn, là tình cảm chứa chan gắn kết bền lâu nên “đầu năm mua muối” là mong muốn, là khát vọng về sự may mắn, về tình cảm yêu thương. Ẩn sau cả câu phương ngôn này là lời nhắn nhủ thâm thúy: nếu đầu năm biết dè sẻn (cơm muối thôi) thì cuối năm có thể xây nhà (vôi là vật liệu chính để xây nhà) được.

Không chỉ “đầu năm mua muối” mà trong hôn nhân, khởi đầu cũng là muối. Sách “Lĩnh Nam chích quái” còn ghi lại phong tục hôn nhân thời Hùng Vương: “Khi chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam và nữ thì trước lấy gói muối (hay nắm đất) làm đầu, sau đó mới giết trâu, giết dê để làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân”. Thật ý nghĩa, “muối” tượng trưng cho tình cảm vợ chồng mặn nồng, chung thủy; “đất” tượng trưng cho gia sản nhà cửa đất đai, cho sự gắn bó mãi mãi…

Với người Nhật Bản thì muối là biểu trưng cho tình nghĩa anh em mặn mà như muối vậy. Câu chuyện cổ tích “Cái cối xay muối” có cái vỏ là sự lý giải vì sao nước biển mặn nhưng cái lõi triết lý về tình ruột thịt máu mủ. Nhà nọ cha mẹ mất sớm, hai anh em trai sống với nhau. Người anh ích kỷ lại lười biếng. Người em bỏ đi được vị thần cho cái cối xay khi xay cho ra những thứ mình cần. Người anh tìm cách chiếm cái cối rồi đưa lên cái thuyền ra thật xa ngoài đại dương để không một ai nhòm ngó. Khi cần muối anh ta bắt cối xay nhưng không biết cách làm cối dừng lại. Cối cứ xay xay mãi, thuyền chìm, người anh cũng chết. Từ đấy biển luôn mặn là để làm đậm đà thêm nữa tình cảm của con người.

Muối rất quý và thiêng liêng nên người Hy Lạp cổ, người Do Thái, người Ả Rập xưa quan niệm trong các lễ hiến tế bắt buộc phải có muối. Dựa vào đặc tính muối là sự lắng lại, kết tinh của nước biển nên muối còn là biểu trưng cho tình bạn quý mến, cho lòng thành, cho lời hứa, cho sự hiếu khách… Phái Thần đạo (cổ) của người Nhật Bản bắt buộc các đạo sỹ phải tắm nước muối (biển) trước khi hành lễ.

Bánh tro cổ truyền.

Quan niệm muối có thể xua đuổi điều xấu mang lại điều tốt mà hiện nay một số nơi của Nhật Bản vẫn có tục hàng ngày rắc muối lên ngưỡng cửa nhà. Các võ sĩ Sumô thường rắc muối lên võ đài cầu mong trận đấu diễn ra suôn sẻ, trung thực. Dân tộc Séc có thần thoại “Muối quý hơn vàng” kể một ông vua nọ rất quý vàng nên cầu ước thần linh biến muối trong vương quốc của ông thành vàng.

“Cầu được ước thấy”, nhà vua hãnh diện với thần dân vì nhờ mình mà mọi người trở nên giàu có. Nhưng chỉ được một hôm, mọi người, kể cả vua không chịu được vì thiếu muối. Thế là vua lại phải xin rút lại lời cầu ước. Câu chuyện ngắn gọn về câu chữ mà rộng dài về ý nghĩa: ở trên đời mọi vật tồn tại đều có ý nghĩa riêng, đừng có ngu ngốc biến vật này thành vật khác. Con người đừng tham lam biến cái rẻ (như muối) thành cái đắt (như vàng).

Nhiều khi cái rẻ về giá cả lại là cái có giá trị trong đời sống…Và lời nhắc nhở đến mọi “quân vương”: đã là vua cai quản dân tình đừng lấy cái tôi của mình bắt mọi người phải theo. Vua phải quan tâm, chú ý đến vật phẩm thiết thực nhất (như muối) trong đời sống hàng ngày của dân!

Cho đến tận hôm nay, với nhiều người Việt, khi cúng lễ xong (nhất là cúng động thổ) thường vãi nhiều muối và gạo ra không gian chung quanh. Thế là rất phí phạm, vừa làm ô nhiễm môi trường vừa làm thức ăn cho chuột bọ có hại. Chỉ nên vãi một ít thôi, vì bản chất của tục này là một nét ý nghĩa nhân văn. Gạo và muối là hai sản vật quý của nghề nông nên dùng để cúng lễ là cách tỏ lòng biết ơn, nhớ ơn và mong được sự phù hộ từ tiên tổ mình, từ thần linh. Vãi ra cũng là để “bố thí” cho những cô hồn lang thang cơ nhỡ được dịp có miếng ăn.

Thế nên không cần vãi nhiều mà cái chính là tấm lòng thành. Dựa vào đặc tính nguyên thủy của muối có tính chất bảo vệ (kháng khuẩn) nên người ta cấp cho muối một mã ý nghĩa là để xua đuổi tà ma, uế khí, tục khí… Cũng không cần nhiều, chỉ một ít tượng trưng là đủ.

Muối rất cần thiết cho cơ thể nên không có muối, ở vùng núi cao phải đốt tro tranh lọc lấy nước muối. Đây chính là một thao tác làm bánh tro còn đến tận ngày nay. Bánh tro (bánh gio, bánh ú, bánh nẳng) có thành phần chính là gạo nếp ngâm trong nước tro thường là than lá cây tre , lá tranh, lá dược liệu, thảo mộc (gọi là nước nẳng) rồi gói lá đem luộc chín.

Theo nhiều tài liệu thì bánh tro có từ thời Hùng Vương. Có thể lý giải bánh này chính là cách ẩm thực thông minh của người xưa trong việc khắc phục cách thiếu muối biển của cư dân nông nghiệp vùng núi. Nên hình thức bánh tro có ở nhiều nước châu Á. Bánh tro Việt Nam rất giống bánh tro Nhật Bản (được gọi là akumaki). Mang trong nó triết lý về sự mặn mà tình cảm mà ở ta bánh tro thường dùng trong các dịp lễ tết trang nghiêm, thành kính.

“Đầu năm mua muối…” còn là sự nhắc nhở mọi người làm việc gì cũng phải có kế hoạch từ đầu năm, sắp đặt từ việc nhỏ, cái nhỏ (như muối) đến việc lớn, trọng đại (như mua vôi).

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/muoi-nhung-dieu-ky-dieu-580582/