Mười ngàn giờ bay và người lãnh đạo

Bài viết này lấy cảm hứng từ một niềm tin khá phổ biến trong tâm lý quản trị là nếu bạn có 10.000 giờ làm một loại việc gì đó thì bạn sẽ trở thành chuyên gia hoặc nhân tài của lĩnh vực đó. Đặc biệt, trong cuốn Những người siêu việt (Outliers) của Malcolm Glawell với những nghiên cứu khá sâu và thú vị về đề tài này, tác giả còn đi xa hơn khi cho rằng 10.000 giờ mới là yếu tố hàng đầu quyết định thành công chứ không phải là năng khiếu hay tài năng thiên bẩm.

Lấy hình ảnh người phi công luôn hướng tới 10.000 giờ bay như một tiêu chuẩn để trở thành chuyên nghiệp, thuật ngữ “10.000 giờ bay” đã được sử dụng khá phổ biến trong các môn học về lãnh đạo. Thậm chí nó còn được coi như một “tiêu chuẩn” để phấn đấu hoặc để khuyến khích các doanh nhân. Tất nhiên chúng ta đều biết đây là một con số tương đối.

Một hình dung đơn giản về 10.000 giờ

Hãy làm một phép tính đơn giản từ một giả định rất gần thực tế: một người làm tích cực một công việc nào đó, anh/chị ta hoàn toàn có thể làm 10 giờ mỗi ngày, có nghĩa rằng sau 1.000 ngày (khoảng ba năm) thì anh/chị ta sẽ đạt cái gọi là “10.000 giờ bay”. Xem ra chuyện này không có vẻ gì là quá khó khăn và nhiều người có lẽ đã làm được rồi.

Vậy thì tại sao số người thành đạt vẫn ít như vậy, tại sao nhân tài vẫn hiếm? Câu trả lời nằm ở hai khía cạnh, nói cách khác là hai ý nghĩa của thuật ngữ “10.000 giờ bay”.

Thứ nhất, đó không phải là 10.000 giờ làm việc chung chung mà phải là 10.000 giờ làm việc “thực thụ”. Ví dụ, với người bán hàng thì đó là 10.000 giờ họ tiếp xúc/đối thoại trực tiếp với khách hàng; với kỹ thuật gia là 10.000 giờ làm việc bên máy móc; với nghệ sĩ là 10.000 giờ biểu diễn; với vận động viên là 10.000 giờ hoạt động, thi đấu... Và 10 năm là một con số trung bình được đưa ra để có “10.000 giờ bay” với điều kiện người đó liên tục chỉ làm một công việc và ít bị gián đoạn.

Thứ hai là khi làm việc, con người có ý thức được mình đang làm gì và tập trung mạnh vào khía cạnh nào của công việc mà mình đang làm hay không. Khi đi bán hàng bạn thấy mình đang “tăng số giờ bán hàng”, đang “tăng số giờ tìm hiểu con người”, đang “tăng số giờ hiểu biết về sản phẩm”, hay đang “tăng số giờ tích lũy tiền bạc”?... Nếu không ý thức được thì dù có đạt 100.000 giờ đi nữa cũng sẽ chẳng đi tới đâu - nhiều người sau 30-40 năm làm việc khi về hưu không có thành tích nào đáng kể là vì vậy.

Ngay cả với những người có thành công nào đó sớm và trở nên nổi tiếng thì thực tế cũng cho thấy rằng số giờ hoạt động sống của họ trong lĩnh vực đó cũng phải rất gần 10.000 giờ. Bằng không thì đó chỉ là một thành công nhỏ và tạm thời, kiểu như một cậu bé 5 tuổi chưa hề đi học mà đã thuộc bảng cửu chương hay nói được vài câu ngoại ngữ. “Thần đồng” đó sẽ không thể trưởng thành, đạt đỉnh cao và duy trì thành công nếu không hướng tới 10.000 giờ; ngược lại, sẽ sớm lụi tàn.

Những doanh nhân thành công và “10.000 giờ bay”

Nhiều doanh nhân có những thành công bước đầu khá ngoạn mục chỉ sau một thời gian ngắn từ ngày khởi nghiệp. Nghe báo chí ca tụng và những phát biểu của họ sẽ dễ khiến nhiều người không có được cái nhìn đúng về nguyên nhân thành công của họ và khó dự đoán rồi họ có phát huy được thành công đó không. Tất nhiên, ta nghe nói nhiều về những “trí tuệ”, “sáng tạo”, “tâm huyết”, “ý tưởng”, “quyết tâm”, “dũng khí”, “tự tin”, “hy sinh”..., còn yếu tố làm việc chăm chỉ và kiên trì cũng có được nói tới nhưng thường không được coi như nhân tố bắt buộc, càng không được coi như “bí quyết”, vì nghe nó “tầm thường” quá, ai chẳng biết!

Người viết bài này đã từng trải nghiệm và quan sát những nhà kinh doanh quen biết, thấy rằng chỉ những người bền bỉ, kiên trì thì mới đạt được đỉnh cao hay giới hạn năng lực cá nhân của họ. Không phải năng khiếu hay tài năng thiên bẩm nào mà chính nhờ một bản lĩnh đặc biệt, nhưng đơn giản là họ không dừng bước, không bỏ cuộc dù thành công hay thất bại. Họ có thể không đi bán ô tô nữa nhưng họ vẫn đi bán hàng kỹ thuật, hay làm quản đốc xưởng lắp ráp máy cày, hay quản lý một cửa hàng bán phụ kiện cho ô tô... Nói cách khác, tùy khuynh hướng mà họ cố tăng “số giờ bay” theo hướng kỹ năng bán hàng công nghiệp, kỹ năng thực hiện kỹ thuật hoặc kỹ năng quản lý kinh doanh dịch vụ, sản phẩm.

Dù có ý thức hay không thì những người như vậy thường có khuynh hướng thành công hơn so với những người chuyển sang một nghề ít liên hệ với nghề cũ. Trong 500 giờ bán ô tô có thể bạn có tới 100 giờ học và hành các kỹ năng bán hàng công nghiệp - nếu bạn thích “bán hàng công nghiệp” thì hãy tăng số “giờ bay” cho sở thích đó. Trong 500 giờ bán ô tô bạn có thể có 100 giờ học và hành về kỹ thuật ô tô - nếu bạn thích làm “kỹ thuật ô tô” thì hãy tăng số “giờ bay” cho nó...

Chính sở thích là thứ giữ và cấp cho ta năng lượng để tăng số giờ bay. Khi đạt số giờ bay cần thiết thì thành công sẽ tự đến - đây chẳng phải là phép lạ hay bí quyết gì, nó đơn giản là một quy luật. Một cách diễn đạt khác mà ta được nghe nhiều về câu chuyện này là “hãy tập trung” - với hàm ý rằng ta nên chú ý cao độ vào công việc sẽ hoặc đang làm. Hàm ý thứ hai ít được nhắc tới là ta không nên lan man qua nhiều lĩnh vực khác nhau mà nên kiên trì ở một lĩnh vực.

Một doanh nhân mà không hứng thú gì với công việc đang làm từ một giác độ nào đó thì dù có may mắn thành công cũng không thể duy trì được.

Vậy những doanh nhân tham gia và thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì sao? Thực ra họ cũng không hề mất tính tập trung và hứng thú với công việc của mình - họ rất hiểu họ đang thích gì và làm gì. Một nhà đầu tư không nhất thiết phải thích ngành ô tô hay ngành đồ uống thì mới thành công khi đầu tư vào ngành đó, cái họ quan tâm và hứng thú có thể không phải là ô tô hay đồ uống mà lại là phân tích dự đoán xu hướng phát triển của các ngành nghề đó trong tương quan với toàn bộ nền kinh tế để cuối cùng “đặt cược” vào một chỗ. Việc thắng thua một phi vụ cụ thể với họ không đến mức sống còn, vấn đề là họ vẫn tìm ra cách để ở trong cuộc chơi, và rồi khi họ ở đó đủ lâu, họ trở thành tay chơi sành sỏi và thành công nhất.

Ta đã đạt 10.000 giờ hay chưa?

Tất nhiên, nếu bạn làm một loại việc nào đó đủ lâu bạn sẽ đạt 10.000 giờ. Lúc này bạn đã là chuyên gia bất luận người ta có gọi bạn là chuyên gia hay không. Vấn đề ở đây là ta có nhận ra thực sự ta có 10.000 giờ trong lĩnh vực nào không.

Điều đáng tiếc là nhiều người có số giờ bay rất cao nhưng do chưa thấy mình có thành tích gì cụ thể, ví dụ như thành công về tiền bạc hay có địa vị, danh tiếng cao, nên họ không cho rằng mình đang sở hữu một tài sản vô hình đáng giá, và vì vậy họ không biết cách bán tài sản đó ra sao. Cũng không ai có thể giúp họ thấy được điều này và chỉ cách bán. Người chủ tài sản thậm chí quên luôn nó đi để chuyển sang một công việc khác vì cho rằng mình đã thất bại hoặc vì áp lực tiền bạc.

Để nhận ra điều này không dễ mà cũng không khó. Chúng ta chỉ cần tĩnh tâm kiểm tra, rà soát lại một cách thận trọng, tự đặt câu hỏi và tự trả lời một cách thật trung thực với bản thân. Vấn đề ở đây có thể là số giờ bay cao nhất ta có lại ở lĩnh vực mà ta không thích, không quan tâm hoặc không tưởng tượng ra. Ví dụ một kế toán có thâm niên 10 năm, có số giờ làm việc với mọi nhân viên trong công ty rất cao so với số giờ làm chuyên môn kế toán, nhưng do mặc định rằng mình là một kế toán nên khó tưởng tượng rằng có lẽ mình là một chuyên gia đối nội hơn là một kế toán.

10.000 giờ lãnh đạo

Để biết ai đó có 10.000 giờ lãnh đạo hay chưa và qua đó biết được người đó có phải là một lãnh đạo chuyên nghiệp thực sự là một câu hỏi khó.

Một gợi ý đầu tiên để xem xét là định nghĩa lãnh đạo. Một trong các định nghĩa lãnh đạo tương đối dễ hiểu: “Lãnh đạo là người làm hoặc lo những việc mà cấp dưới của họ không lo hoặc không làm được”. Như vậy, nếu bạn có 10.000 giờ làm những việc mà cấp dưới của bạn không lo được hoặc làm được thì có nghĩa rằng bạn là một chuyên gia về lãnh đạo bất luận những việc bạn từng làm qua là dễ hay khó.

Khi bạn khởi nghiệp một mình không có cấp dưới thì ý nói trên vẫn có tác dụng. Khi đó bạn vừa là sếp vừa là lính. Khi người lính trong bạn không làm được một việc gì đó - một cách tự động nó báo cáo cho chính bạn ở cương vị sếp. Nếu tay sếp này “bó tay” thì có nghĩa rằng bạn không làm được lãnh đạo. Ngược lại nếu tay sếp này trăn trở suy nghĩ và cố gắng tìm cách thử làm khác đi để vượt qua trở ngại đó mất 100 giờ thì có nghĩa rằng bạn đã có thêm 100 giờ lãnh đạo.

Nếu bạn khởi nghiệp bằng mở hàng ăn, bạn nấu ăn giỏi và ngon thì sớm muộn bạn cũng sẽ thành công trong nghề này. Cụ thể hơn, tiệm của bạn sẽ đông khách và có lãi. Tuy nhiên, chuyện không chỉ dừng ở đó. Nếu bạn không để ý tới công tác lãnh đạo mà chỉ chuyên chú vào “phát huy thành quả” bằng cách tập trung vào chuyên môn nấu ăn thì bạn sẽ không tiến xa được, thậm chí sẽ thất bại ngay khi mở tiệm ăn thứ hai (một hiện tượng khá phổ biến). 10.000 giờ nấu ăn chỉ có thể khiến bạn trở thành chuyên gia nấu ăn nhưng không giúp bạn phát triển kinh doanh được, lúc này bạn chỉ có thể làm giàu theo hai cách: (1) “năng nhặt chặt bị”, “kiến tha lâu cũng đầy tổ” từ một tiệm ăn; hoặc (2) làm chuyên gia kỹ thuật cho người chuyên kinh doanh chuỗi nhà hàng.

Cù Tất Dân

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276320/muoi-ngan-gio-bay-va-nguoi-lanh-dao-.html