Mười năm 'Cuộc chiến 5 ngày': Gruzia thành tiền đồn chống Nga

10 năm sau 'Cuộc chiến tranh 5 ngày' ở Nam Ossetia và Abkhazia, Gruzia đã trở thành tiền đồn chống Nga của Mỹ và khối NATO.

Nga nhắc lại “Cuộc chiến tranh 5 ngày” để cảnh báo NATO

Ngày 08/8 đánh dấu kỷ niệm 10 năm bắt đầu cuộc xung đột quân sự giữa Moscow và Tbilisi (thường được gọi là “Cuộc chiến tranh 5 ngày”), sau đó Nga chính thức công nhận sự độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia và Gruzia cắt đứt quan hệ với Nga.

Cả hai nước cộng hòa này tuyên bố sự độc lập của họ với Gruzia vào đầu những năm 1990, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ.

Các chính sách của chính phủ thân phương Tây của Gruzia đã dẫn đến một cuộc xung đột quân sự ở Nam Ossetia (và cả vùng Abkhazia) vào tháng 8 năm 2008, khi Tbilisi nỗ lực giành lại quyền kiểm soát khu vực bằng cách sử dụng vũ lực quân sự và phá hủy một phần đất nước này.

Nga đã gửi quân tới Tskhinvali để cố gắng bảo vệ người dân địa phương, nhiều người trong số đó có quốc tịch Nga. Sau 5 ngày đụng độ, Nga đã trục xuất binh lính Gruzia khỏi lãnh thổ Nam Ossetia.

Điều này khiến Gruzia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, vì Tbilisi coi Nam Ossetia và Abkhazia là lãnh thổ bị chiếm đóng và quan hệ giữa hai bên đã không thể được hàn gắn từ ngày đó, khi Gruzia tiếp tục thực hiện chính sách thù địch với Nga, Nam Ossetia và Abkhazia.

Binh sĩ Gruzia trong lễ khánh thành Trung tâm đào tạo và sát hạch chung của NATO-Gruzia tại cơ sở huấn luyện quân sự Krtsanisi, ngoại ô Tbilisi, ngày 27 tháng 8 năm 2015

Binh sĩ Gruzia trong lễ khánh thành Trung tâm đào tạo và sát hạch chung của NATO-Gruzia tại cơ sở huấn luyện quân sự Krtsanisi, ngoại ô Tbilisi, ngày 27 tháng 8 năm 2015

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng việc Gruzia gia nhập NATO có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc. "Việc Gruzia gia nhập NATO có thể kích động một cuộc xung đột khủng khiếp, để làm gì kia chứ?" - ông Medvedev nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Kommersant FM.

Thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng, cuộc xung đột vũ trang giữa Gruzia và Nam Ossetia (xảy ra vào năm 2008 với sự can thiệp của Nga, dẫn đến việc Gruzia tảm bại) là có thể ngăn chặn được, nhưng rất tiếc đã không có ai muốn ngăn chặn nó, mà chỉ muốn nó bùng lên.

Ông Medvedev cũng nói thẳng rằng, NATO không nên chấp nhận Gruzia là thành viên của khối, vì hành động này có thể dẫn đến xung đột quân sự tiếp theo, kể từ khi Moscow công nhận sự độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, mà Tbilisi vẫn coi là lãnh thổ của mình.

Ông nhấn mạnh rằng, điều này hoàn toàn vô trách nhiệm và chỉ là một mối đe dọa cho hòa bình. Điều này chắc chắn dẫn đến một cuộc xung đột tiềm năng vì Nga công nhận quy chế quốc gia độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia và có mối quan hệ thân thiện với các quốc gia này.

Thủ tướng Nga hy vọng rằng giới lãnh đạo của NATO sẽ đủ thông minh để không thực hiện bất kỳ động thái nào theo hướng này, bởi quyết định của NATO để chấp nhận Gruzia có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Thủ tướng Nga cũng nói rằng, nước này sẽ hoan nghênh việc khôi phục quan hệ ngoại giao với với Gruzia, nếu giới lãnh đạo Tbilisi cũng sẵn sàng làm như vậy.

Hồi tháng trước, vào ngày 12 tháng 7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định kế hoạch của tổ chức này chấp nhận Gruzia gia nhập liên minh, tuy nhiên không cho biết chính xác thời điểm sẽ diễn ra sự kiện này.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, chính quyền Moscow đánh giá “rất tiêu cực" về việc mở rộng NATO, cho phép Gruzia và Ukraine gia nhập tổ chức này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/muoi-nam-cuoc-chien-5-ngay-gruzia-thanh-tien-don-chong-nga-3363338/