Mười lăm ngày trên vùng biên giới Tây Nam (bài 2)

Bữa cơm do cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Hòa Thành chiêu đãi toàn 'cây nhà, lá vườn', gồm thịt gà tự nuôi, cá dưới sông, rau do anh em tự tay vun trồng cùng hai thùng bia Cam-pu-chia do Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông 'viện trợ'. Suốt bữa, Đại úy Ui Svăn Rứt, Đồn trưởng Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông cùng Trung úy Tích Sui Oát, Đồn phó vừa vui vẻ hỏi han về gia đình, công việc của những người khách đến từ Thủ đô Hà Nội của Việt Nam, vừa luôn tay bật bia để 'sa-ma-khi' ('đoàn kết', tiếng Khmer - PV) cùng chúng tôi. Buổi trưa hôm ấy, dù mệt, tôi vẫn 'đoàn kết' được khá nhiều. Mới quen mấy anh bạn bên xứ sở Chùa Tháp được một lát, mà sao cứ như hiểu nhau, thân thiết từ lâu lắm...

Bài 2: Bữa cơm “sa-ma-khi” bên đường biên giới

Đoạn đường từ Đồn BP Phước Tân lên Trạm KSBP Hòa Thành khá gần, nhưng lại hóa xa với chúng tôi vì đường đi khó, lắm khúc quanh co. Mà cũng từ xa lại thành gần, khi sự háo hức gặp gỡ với anh em BĐBP công tác trên đó cũng như những người bạn đến từ bên kia biên giới cứ tăng lên theo từng bánh xe quay.

Vừa đặt chân tới cổng trạm, chúng tôi gặp Trung úy Tích Sui Oát đang chuyện trò cùng chị Lâm Thị On, nhà ở TP Tây Ninh, là khách quen của Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông. Hôm nay, chị On sang huyện Rùm-đuôl (tỉnh Svây-riêng, Cam-pu-chia - PV) mua cất mấy chục ký đường thốt nốt để mang về Việt Nam bán lẻ. Nhìn cái cách Trung úy Oát trò chuyện với chị On, có thể hình dung ra mối quan hệ thân mật giữa một người dân Việt Nam thường xuyên qua lại làm ăn bên đất nước Chùa Tháp với nhà chức trách Cam-pu-chia như thế nào.

Phút dừng chân trên đường biên giới. Ảnh: Hoàng Bình

Chị On cho biết, là một tiểu thương chuyên cất hàng đặc sản truyền thống của người Khmer bên Rùm-đuôl, chị có nhiều mối hàng, cũng như quan hệ thân thiết bên đó. "Người Cam-pu-chia rất hồn hậu, thật thà, cần mẫn làm ăn, hết lòng vì người khác và có mối thiện cảm đặc biệt với người Việt Nam.

Qua lại làm ăn đã lâu, giữa tui và các mối làm ăn cũng như nhà chức trách Cam-pu-chia chưa xảy ra chuyện gì không hài lòng. Không chỉ riêng tui, còn rất nhiều người Việt Nam thường qua Cam-pu-chia buôn bán, trao đổi hàng hóa. Anh em ở Trạm KSBP Hòa Thành và Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con hai bên qua lại giao thương..." - Chị On tâm sự.

"Nghe chuyện thời gian rồi, có nhóm người Cam-pu-chia bị kích động từ đâu tới gây chuyện, tuyên truyền không hay tại khu vực biên giới bên phía Cam-pu-chia, cả tui và bà con bên đó rất buồn. Xưa giờ, cuộc sống người Việt và người Cam-pu-chia vẫn chan hòa, tối lửa tắt đèn có nhau. Cột mốc, đường biên là do Chính phủ hai bên hoạch định ký kết để phân định rạch ròi lãnh thổ giữa hai nước theo thông lệ quốc tế, chớ tình người hai bên thì đâu có ai phân giới được?..." - Chị On nhấn mạnh.

Câu chuyện giữa chúng tôi và "liên quân" gồm cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Hòa Thành, Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông rôm rả đến hồi cao trào, cũng là lúc mâm cơm "sa-ma-khi" được dọn lên. Dường như tất cả mọi người đều tạm quên đi cơn mưa vùng biên sầm sập như thác đổ vừa dứt, quên cả những bộn bề công việc để tập trung "giao lưu nhiệt tình" - nguyên văn lời đề nghị của Trung úy Tích Sui Oát - bằng tiếng Việt rất sõi, đặc sệt giọng Tây Ninh.

"Cán bộ, chiến sĩ Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông và BĐBP Đồn Phước Tân của Việt Nam thấu hiểu ý nghĩa quan trọng của cột mốc biên giới phân định lãnh thổ giữa hai nước Việt Nam, Cam-pu-chia. Chúng tôi cùng chung suy nghĩ, đó là tài sản chung, vô cùng quan trọng của hai quốc gia. Mà đã là tài sản chung thì cả hai phải cùng nhau có trách nhiệm gìn giữ. Mọi hành vi kích động, phá rối xảy ra ở bên nào, đều phải được xử lý kịp thời theo luật pháp bên đó..." - Đại úy Ui Svăn Rứt "tuyên bố" với chúng tôi qua lời phiên dịch của Trung úy Oát trước khi bữa cơm "sa-ma-khi" bắt đầu.

Trong không khí ấm tình bạn bè, không khuôn sáo, lễ nghi, Trung úy Oát tâm sự với tôi rất nhiều. Biết tôi lần đầu đặt chân đến vùng đất này, mỗi khi tiếp thức ăn cho tôi, anh đều giảng giải về văn hóa ẩm thực của Tây Ninh - nơi anh thường xuyên qua thăm hỏi, giao lưu cũng như làm việc - chẳng hạn như, đến Tây Ninh mà không biết tô bánh canh Trảng Bàng, được chế biến từ giò heo, huyết, hành tiêu, gừng, ngò tây thì coi như chưa đến… Tây Ninh.

Đoạn, anh khoe với chúng tôi rằng, con trai đầu của vợ chồng anh hiện đang học đại học năm thứ ba, ngành quan hệ quốc tế tại trường Đại học Ngoại ngữ - TP Hồ Chí Minh. "Người dân Cam-pu-chia không bao giờ quên được tội ác khủng khiếp của chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng-xa-ri với hàng triệu người chết vì đói, kiệt sức và bị đánh đập, tàn sát. Nếu không có quân tình nguyện Việt Nam cứu dân tộc Cam-pu-chia khỏi thảm họa diệt chủng, thì không biết ngày nay Cam-pu-chia sẽ như thế nào. Bây giờ, cả hai dân tộc đều được hưởng hòa bình, độc lập. Lớp trẻ như các con tôi hiểu giá trị của hòa bình và đang gắng sức học tập để góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp của chúng tôi..." - Trung úy Oát tâm sự, giọng bất giác chùng xuống.

Thành viên Đoàn công tác Báo Biên phòng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông và Đồn BP Phước Tân. Ảnh: Hoàng Bình

Như muốn lấy lại bầu không khí hứng khởi của bữa cơm "sa-ma-khi" khi biết cấp dưới của mình đang trong tâm trạng xúc động, Đại úy Rứt nói mấy câu đùa vui mà anh mới học được bằng tiếng Việt từ các nhà báo Việt Nam, đề nghị cả mâm "dzô 100%", nhưng ngay sau đó, có lẽ do say mạch chuyện, anh chuyển sang tiếng Khmer lúc nào chẳng hay. Trung úy Vũ Hồng Tuấn, Trạm trưởng Trạm KSBP Hòa Thành, một người nói tiếng Khmer khá sành đã phiên dịch giúp chúng tôi trò chuyện qua lại.

Thì ra, Đại úy Rứt đang nói về quan hệ tốt đẹp giữa Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna- thnuông và Đồn BP Phước Tân. Anh bảo, cuộc sống của người dân Cam-pu-chia ở khu vực đối diện với xã Hòa Thành chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy và trao đổi sản vật nông nghiệp với người dân Việt Nam. Cư dân hai bên biên giới có quan hệ hết sức gần gũi, dù sống ở phần đất của hai đất nước. BĐBP Tây Ninh, nhất là Đồn BP Phước Tân luôn làm tốt công tác phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, giải quyết các vụ việc thấu tình, đạt lý, dựa trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, giúp đỡ lực lượng cảnh sát bảo vệ biên giới Cam-pu-chia cả vật chất lẫn tinh thần. Anh và các vị lãnh đạo chính quyền xã Thna-thnuông phấn khởi và rất mong hai bên đoàn kết hơn nữa để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển...

Chúng tôi chia tay những vị khách Cam-pu-chia dưới gốc gạo già sum suê, tán lá dày thấp thoáng những mảng xanh non đang chờ dịp để lan ra, ôm trọn lấy cổng Trạm KSBP Hòa Thành, khi mặt trời đã chênh chếch phía Tây. Những cái bắt tay thật chặt của những người lính trấn ải biên thùy Việt Nam - Cam-pu-chia dưới vô số tia nắng màu rơm nhảy nhót cùng tiếng nói cười vui vẻ khiến chúng tôi hình dung về một tuyến biên giới bình yên quá đỗi.

Bữa cơm "sa-ma-khi" khép lại, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy dư vị ngọt ngào, mát lành, như những miếng đường thốt nốt - món quà quý của những người anh em bên kia biên giới mang sang Việt Nam - mà theo lời Đại úy Ui Svăn Rứt là "để vợ con của các nhà báo Việt Nam thưởng thức một món đặc sản của vùng đất Thna-thnuông chung thủy, hiền hòa...".

Bài 3: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần"

Nhâm Hồng Hắc - Nguyễn Xuân Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/muoi-lam-ngay-tren-vung-bien-gioi-tay-nam-bai-2/