Mười điểm nổi bật về thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung

Thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ thể hiện trên nhiều mặt, tựu trung lại là về tổ chức, xây dựng quân đội và chỉ huy tác chiến.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 265 ngày sinh của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-2018), tác giả Đặng Việt Thủy đã có bài viết chia sẻ về người anh hùng dân tộc này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nguyễn Huệ (1753 - 1792), Anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng bách chiến bách thắng.

Ông là một thiên tài quân sự, một trong những tướng lĩnh tài giỏi bậc nhất của dân tộc Việt Nam.

Từ một thủ lĩnh chiến đấu dưới cờ của anh trai mình là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn, chăm lo xây dựng quân đội Tây Sơn thành quân đội tinh nhuệ, thiện chiến.

Hoàng đế Quang Trung (Ảnh minh họa: Internet).

Hoàng đế Quang Trung (Ảnh minh họa: Internet).

Qua 21 năm chiến đấu, Nguyễn Huệ cùng quân đội Tây Sơn lập nên những kỳ tích oanh liệt như:

Chiến thắng Phú Yên (1775), ba lần đánh tan quân Nguyễn ở Gia Định (1777, 1782 và 1783), thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút (19-1-1785);

Đánh đổ các tập đoàn phong kiến: chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chấm dứt cảnh đất nước bị chia cắt trên 200 năm; quét sạch hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh (1789), thống nhất đất nước.

Để tìm hiểu thiên tài quân sự của ông, chúng ta có thể thấy một số nét cơ bản sau đây:

Một là, kết hợp quân sự và chính trị:

Nguyễn Huệ cũng như người anh là Nguyễn Nhạc, là một nhà quân sự biết kết hợp khéo léo chính trị và quân sự, coi chính trị và quân sự là hai bộ phận hữu cơ của một nhiệm vụ: Đánh đổ chế độ áp bức Nguyễn - Trịnh.

Mọi người đều biết rằng năm 1771 khi dựng cờ nghĩa ở ấp Tây Sơn, các lãnh tụ của nghĩa quân tuyên bố: Nghĩa quân phải đứng lên là để đánh đổ hà chính của Trương Phúc Loan và tôn phù hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lên làm chúa.

Thái độ của nghĩa quân Tây Sơn kết quả đã phân hóa sâu sắc hàng ngũ chúa Nguyễn, làm cho nội bộ chúa Nguyễn chia ra làm hai phái lớn: Phái cố bám lấy Trương Phúc Loan và phái ủng hộ Nguyễn Phúc Dương chống lại Trương Phúc Loan.

Ủng hộ Nguyễn Phúc Dương về danh nghĩa là ủng hộ một phe phái của chúa Nguyễn, nhưng về thực tế là ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đứng đầu.

Lực lượng của chúa Nguyễn (cũng tức là lực lượng của Trương Phúc Loan) vốn đang yếu, vì vậy lại càng thêm yếu, và lực lượng của nghĩa quân Tây Sơn vốn đang phát triển, vì vậy lại càng có điều kiện phát triển thuận lợi.

Năm 1786, Nguyễn Huệ mang quân ra đánh Bắc Hà, ông đưa ra khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh". Sự thực thì vua Lê lúc này cũng thối nát như chúa Trịnh.

Cung điện Đan Dương có phải là nơi an táng vua Quang Trung?

Nhưng, khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh" đã chia rẽ đối phương, trung lập được họ Lê và cô lập họ Trịnh đến triệt để.

Nhờ vậy, khi tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã đánh bại quân Trịnh một cách khá dễ dàng. Sau khi đánh đổ họ Trịnh, Nguyễn Huệ thực sự làm chủ Bắc Hà.

Khi Nguyễn Huệ bảo Nguyễn Hữu Chỉnh: "Ta mang vài vạn quân ra đây, đánh một trận lấy được Bắc Hà. Vậy thì một thước đất, một người dân bây giờ không phải của ta thì của ai vào đấy nữa? Dẫu ta muốn xưng đế, xưng vương chi chi, ai còn dám làm gì ta đặng?" là ông đã nói ra một sự thật.

Nguyễn Huệ đánh chiếm được Bắc Hà, nhưng về mặt pháp lý, ông vẫn chưa dám tự nhận là chủ Bắc Hà, là vì ông biết ở Bắc Hà, trong nhân dân và nho sĩ vẫn còn có nhiều người luyến tiếc nhà Lê.

Năm 1787 sau khi sai Vũ Văn Nhậm đem quân Tây Sơn ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ vẫn để cho Lê Duy Cẩn làm giám quốc bù nhìn.

Nguyễn Huệ chỉ chính thức lên ngôi hoàng đế thay nhà Lê làm chủ Bắc Hà khi Lê Chiêu Thống đã công nhiên rước quân Thanh vào xâm lược Việt Nam.

Nguyễn Huệ quả là nhà quân sự biết chú ý đến chính trị, biết kết hợp tài tình chính trị và quân sự, biết đem chính trị phục vụ quân sự, biết dùng quân sự để đạt mục đích chính trị.

Ông đánh đâu thắng đấy, và thường rất nhanh, một phần là vì ông khéo kết hợp chính trị và quân sự.

Hai là, đánh vào mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất:

Trong các hoạt động quân sự, Nguyễn Huệ biết tập trung lực lượng đánh vào chỗ trọng yếu nhất của đối phương, do đó ông giải quyết chiến dịch rất gọn gàng, nhanh chóng.

Năm 1777, Nguyễn Huệ mang quân vào Gia Định, chỉ một trận ông đã đánh tan quân của Lý Tài, đuổi Nguyễn Phúc Dương chạy về Trà Tân.

Cũng năm 1777, chỉ một trận, Nguyễn Huệ hạ được Ba Vạc, bắt sống được Duệ Tôn và Nguyễn Phúc Dương ở Long Xuyên.

Năm 1784, 300 chiến thuyền và 50.000 quân Xiêm đã bị Nguyễn Huệ phá gọn trong một trận ở Rạch Gầm - Xoài Mút.

Đến trận đại phá 29 vạn quân Thanh hồi đầu năm 1789 thì thật là kỳ lạ.

Cuối năm 1788 lộ quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã chiếm Thăng Long. Tiền đội quân Thanh thọc sâu đến tận Hà Nam, còn ở Hà Hồi, Ngọc Hồi, Nhân Mục, Khương Thượng, Đại áng, Yên Quyết, quân Thanh đều dựng nên những đồn rất kiên cố để che chở cho Thăng Long tại mặt nam và mặt tây.

Đạo quân Vân Quý do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy cũng đã vượt Tuyên Quang và đến cuối năm 1788 đã đến đóng ở Phú Thọ, Sơn Tây…

“Đừng chê nữa, mà hãy làm để trẻ không nhầm Nguyễn Du là Quang Trung”

Để phá 29 vạn quân xâm lược, Nguyễn Huệ đã vận dụng một chiến lược khác hẳn chiến lược của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi.

Chiến lược của Nguyễn Huệ không phải là chiến lược phòng ngự tích cực của Lý Thường Kiệt, cũng không phải là chiến lược kháng chiến lâu dài của Trần Hưng Đạo hay của Lê Lợi, mà là chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.

Đây là một chiến lược được vận dụng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đối với quân xâm lược phương Bắc. Tình thế buộc Nguyễn Huệ phải đánh nhanh thắng nhanh.

Sau khi cho Tôn Sĩ Nghị thống suất 29 vạn quân theo đường bộ sang đánh Việt Nam, vua Càn Long nhà Thanh còn định cho thủy quân ở Phúc Kiến và Quảng Đông vượt biển đánh vào Thuận Hóa và Quảng Nam.

Hồi cuối năm 1788 và đầu năm 1789, thủy quân Thanh chưa xuất phát. Nếu thủy quân Thanh xuất phát đánh vào Thuận Quảng thì quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ bị kẹp vào giữa.

Lúc ấy những kẻ theo chúa Nguyễn ở Đàng Trong và những kẻ theo vua Lê ở Đàng Ngoài sẽ nổi lên làm nội ứng cho quân Thanh, lúc ấy quân Tây Sơn sẽ bị hãm vào một tình thế rất gay go, phức tạp: Nếu không sớm bị tiêu diệt, thì cũng phải rút về thủ hiểm ở núi rừng.

Muốn khỏi phải đối phó một lúc với hai mặt trận (mặt trận quân bộ của Tôn Sĩ Nghị ở Bắc và mặt trận do thủy quân Mân Việt tạo ra ở miền Nam), Nguyễn Huệ phải dốc lực lượng tiêu diệt 29 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị cho nhanh.

29 vạn quân này không phải đóng ở một nơi, mà đóng ở nhiều nơi: Chúng đóng ở Hải Dương, ở Thị Cầu, ở Phú Thọ, ở Sơn Tây, ở Thăng Long, ở Phú Xuyên, ở Hà Nam. Tiêu diệt các đạo quân Vân Quý đóng ở Sơn Tây, Phú Thọ thì tương đối dễ dàng.

Tiêu diệt cánh quân Thanh đóng ở Hải Dương cũng không có gì khó khăn cho lắm. Nhưng tiêu diệt được các căn cứ quân Thanh ở Phú Thọ, Sơn Tây, Hải Dương, chưa phải là đã lay chuyển nổi căn cứ quân Thanh ở Thăng Long.

Căn cứ chính của quân Thanh còn, thì từ đây Tôn Sĩ Nghị vẫn có thể tung quân đi cứu viện các nơi. Chiến tranh như vậy sẽ kéo dài. Và hễ chiến tranh kéo dài, thì thủy quân Mân Việt của nhà Thanh vẫn có đủ thì giờ đổ bộ vào Thuận Quảng, quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ vẫn có thể bị kẹp vào hai gọng kìm nguy hiểm…

Nguyễn Huệ đã táo bạo chọn Thăng Long làm mục tiêu cuộc tấn công có tính chất quyết định. Muốn đánh vào Thăng Long và giành được thắng lợi phải có ít nhất hai điều kiện:

Một là những tin tức tình báo rất đầy đủ về quân Thanh, hai là quyết tâm chiến đấu của quân đội đến cao độ. Hai điều kiện này, cuối năm 1788, Nguyễn Huệ có đầy đủ cả.

Khi gặp bọn Ngô Thì Nhậm ở núi Tam Điệp, Nguyễn Huệ có nói: "Nay ta đến đây, tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi, chỉ trong mười ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch quân Thanh…".

Khi cho ba quân ăn tết trước ở núi Tam Điệp, Nguyễn Huệ lại tuyên bố: "Nay hãy tạm ăn Tết Nguyên đán trước. Đợi đến sang xuân ngày mồng 7 vào Thăng Long lại mở tiệc ăn mừng. Các ngươi cứ ghi lấy lời nói của ta xem có sai không?". Thực tế đã chứng minh lời vua Quang Trung là hoàn toàn chính xác.

Ba là, hành động bất ngờ:

Trong các hoạt động quân sự, Nguyễn Huệ luôn luôn giữ vững nguyên tắc là không bao giờ làm cái gì mà quân địch có thể nghĩ là mình định làm như thế.

Có nghĩa là đối với quân địch phải luôn luôn có hành động bất ngờ, đừng để cho quân địch có thể đoán trước được hành động của mình.

Hà Nội: Nô nức trảy hội Gò Đống Đa

Đối với quân địch càng hành động bất ngờ được bao nhiêu thì càng có điều kiện thắng lợi bấy nhiêu. Nguyên tắc này được các tướng lĩnh của quân đội Tây Sơn quán triệt sâu sắc.

Năm 1787, quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh.

Tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh là Nguyễn Như Thái và Ninh Tốn đem quân tiến vào Thanh Hóa đón đánh quân Tây Sơn.

Qua bến đò Gián Khẩu, Nguyễn Như Thái sai quân đóng giữ bến Gián, rồi tự dẫn đại quân theo đường tắt đến bến đò Nghệ (thuộc trại Nghệ, làng Đại Hữu, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình) để đánh vào lưng quân Tây Sơn.

Quân của Như Thái mới đến làng Điểm Xá (thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) thì gặp quân Tây Sơn. Như Thái bị quân Tây Sơn đánh bại phải quay trở lại.

Trong khi Như Thái hành quân, thì quân của Vũ Văn Nhậm đã vượt núi Tam Điệp. Quân của Như Thái chưa đến núi Tam Điệp đã thấy quân Tây Sơn hiện ra trước mặt.

Hoảng sợ, Như Thái vỗ ngựa kêu to: "Chết rồi! Sao chúng nó nhanh như thế?!". Quân Tây Sơn vượt dãy Tam Điệp vào lúc Nguyễn Như Thái không ngờ, cho nên quân của Như Thái bị quân Tây Sơn đánh bại và Như Thái bị quân Tây Sơn bắn chết ngay tại trận.

Cuối năm Mậu Thân (1788) và đầu năm Kỷ Dậu (1789), Tôn Sĩ Nghị bố trí sự phòng thủ Thăng Long khá cẩn thận.

Ở gần huyện Phú Xuyên, trên đường Hà Nội - Hà Nam, quân Thanh có đồn Hà Hồi, sau đồn Hà Hồi có đồn Ngọc Hồi cách Hà Nội mười hai cây số.

Đồn Ngọc Hồi là một vị trí rất kiên cố, có một lực lượng quan trọng đóng giữ. Sau đồn Ngọc Hồi còn có đồn Văn Điển, Khương Thượng, đồn Nhân Mục, Yên Quyết.

Như vậy là ở phía tây và phía nam thành Thăng Long, quân Thanh đã phòng phủ khá vững vàng.

Trái lại, ở phía đông và phía bắc thành Thăng Long, quân Thanh hình như không lập phòng tuyến nào, hay có lập phòng tuyến, nhưng không đáng kể.

Tôn Sĩ Nghị cho phòng thủ ở phía tây và phía nam, mà ít chú ý phòng thủ ở phía bắc và phía đông thành Thăng Long, vì y cho rằng nếu quân Tây Sơn có ra đánh Thăng Long, thì họ cũng chỉ có thể đánh ở phía tây và phía nam mà thôi. Vì vậy, Tôn Sĩ Nghị bố trí phòng thủ rất kiên cố ở phía tây và phía nam.

Do đã bố trí phòng thủ cẩn thận ở phía tây và phía nam, Tôn Sĩ Nghị lại nghĩ rằng quân Tây Sơn không thể đánh vào Thăng Long từ phía tây và phía nam nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm Kỷ Dậu.

Cuối năm Mậu Thân khi các quan nhà Lê xin Tôn Sĩ Nghị xuất quân đánh quân Tây Sơn, Sĩ Nghị cười và nói: "Hết năm đến nơi rồi. Việc gì phải hấp tấp như thế. Không cần phải đánh vội. Quân giặc đang gầy, ta đang nuôi cho chúng béo để cho chúng tự đến dâng thịt".

Khi nói câu này, Tôn Sĩ Nghị tỏ ra không tin rằng quân Tây Sơn lại có thể cất quân vào dịp Tết Nguyên đán để đánh vào một hệ thống đồn lũy phòng thủ rất kiên cố mà quân Thanh đã dựng lên ở phía tây và phía nam thành Thăng Long.

Cho nên, trong lúc quân Tây Sơn đã hạ đồn Hà Hồi, rầm rộ tiến đánh đồn Ngọc Hồi thì Tôn Sĩ Nghị vẫn ung dung ngồi thưởng xuân ở Tây Long cung cùng với một bầy tướng lĩnh cũng chủ quan khinh địch như hắn.

Đầu năm 1789, Nguyễn Huệ đã đại phá 29 vạn quân Thanh trong một trận, một phần là vì ông đã biết triệt để vận dụng nhân tố bất ngờ khiến cho quân Thanh trở tay không kịp.

Bốn là, chọn thời gian và không gian thích hợp:

Nguyễn Huệ là một nhà quân sự thiên tài biết chọn thời gian và không gian thuận lợi nhất để đánh địch.

Năm 1784, theo yêu cầu của Nguyễn Phúc Ánh, vua Xiêm là Chất Tri cho tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương mang 50.000 quân và 300 chiến thuyền sang Gia Định giúp Phúc Ánh.

"Lịch sử" nào tác động tiêu cực đến quan hệ Việt - Trung?

Quân Xiêm đánh chiếm Rạch Giá, Ba Thác, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc. Phò mã Tây Sơn là Trương Văn Đa mang quân đón đánh, bị quân Xiêm đánh cho đại bại.

Được tin quân Xiêm vào xâm lược Gia Định, Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn lại mang quân vào Nam.

Ông biết rằng phải làm cho quân Xiêm lộ rõ bộ mặt xâm lược của chúng, khiến cho nhân dân chán ghét chúng, thì mới có thể tiêu diệt chúng được.

Vì vậy, Nguyễn Huệ không đánh quân Xiêm, mà chỉ vừa đánh vừa lùi. Quân Xiêm thấy chúng đánh đâu thắng đấy, sinh ra kiêu ngạo.

Chúng ỷ thế cậy đông đi đến đâu cướp bóc của nhân dân đến đấy. Chúng gây nhiều sự tàn ác làm cho nhân dân đều oán giận, và chỉ chờ mong quân Tây Sơn đến để tiêu diệt.

Khi nhân dân chán ghét và căm thù quân Xiêm, Nguyễn Huệ mới nhử chúng vào Rạch Gầm rồi thả phục binh ra tiêu diệt chúng.

Chỉ một trận Rạch Gầm, năm vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền bị quân Tây Sơn phá sạch. Quân Xiêm vẻn vẹn chỉ còn lại vài nghìn tên nhịn đói nhịn khát theo đường rừng chạy trốn về nước.

Cuối năm Mậu Thân (1788), quân Thanh tiến vào Việt Nam xâm lược. Các cựu thần nhà Lê và nhiều nho sĩ chạy theo giặc, chỉ đường cho giặc đánh quân Tây Sơn.

Trước tình hình này Ngô Thì Nhậm chủ trương phải rút lui về giữ dãy Tam Điệp chờ Nguyễn Huệ ra sẽ đối phó với quân Thanh.

Tướng Phan Văn Lân khinh suất, nhất định đòi mang quân ra chặn đánh quân Thanh. Một buổi tối, Văn Lân đem mấy nghìn quân tinh nhuệ vượt sông Nguyệt Đức định sang bên kia sông đánh quân Thanh.

Kết quả mấy nghìn quân của Văn Lân đều bị quân Thanh tiêu diệt, Văn Lân chỉ còn một người một ngựa chạy trốn về Thăng Long. Khi Văn Lân về Thăng Long, bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm một mặt cho người phi ngựa về Phú Xuân cáo cấp với Nguyễn Huệ, một mặt ra lệnh cho toàn bộ quân đội rút lui về dãy Tam Điệp.

Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), đại quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy đến dãy Tam Điệp. Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân phủ phục ở vệ đường xin chịu tội.

Vua Quang Trung bảo bọn Sở và Lân: "Các ngươi theo ta làm đến chủ soái. Ta đem mười một trấn ủy cho các ngươi, cho các ngươi tự tiện hành động. Thấy giặc đến các ngươi chưa đánh trận nào đã chạy trốn. Tội các ngươi thật đáng chết.

Các ngươi chỉ giỏi nghề võ, gặp giặc thì đánh khỏe. Còn tìm cơ chế thắng thì không phải ngón sở trường. Cho nên trước khi về Nam ta đã để Ngô Thì Nhậm ở lại làm việc với các ngươi.

Vả lại Bắc Hà mới yên, lòng người chưa theo phục. Thành Thăng Long bốn mặt đều là chiến trường, không có chỗ nào hiểm trở có thể giữ vững được.

Các ngươi đóng quân ở đấy, ngoài thì giặc Thanh xâm lấn, trong thì người Bắc làm nội ứng, các ngươi xoay xở làm sao cho được.

Các ngươi đem toàn quân tạm tránh mũi nhọn của giặc để trong thì khích lệ lòng căm tức của quân sĩ, ngoài thì làm tăng lòng kiêu của giặc.

Mới nghe ta đã đoán là kế của Ngô Thì Ngậm, đến khi hỏi Văn Tuyết thì quả nhiên là đúng".

Khi nói những câu trên, vua Quang Trung tỏ ra đã thấy trước cuối năm Mậu Thân chưa phải là lúc đánh quân Thanh, và Thăng Long cũng không phải là nơi có thể dựa vào để chống đỡ các cuộc tấn công của quân Thanh.

Tại sao trước cuối năm Mậu Thân chưa phải là lúc đánh quân Thanh?

Chúng ta đều biết rằng âm mưu của quân Thanh là xâm lược nước Việt Nam, biến nước Việt Nam thành quận huyện của nước Đại Thanh, nhưng quân Thanh lại xảo quyệt tuyên bố rằng chúng kéo vào Việt Nam là để đánh bọn "phản nghịch Tây Sơn" trả lại nước cho Lê Chiêu Thống.

Sông Hồng và lịch sử chống ngoại xâm dưới góc nhìn của Đại tá quân đội

Cựu thần nhà Lê và nhiều nho sĩ đã mắc mưu quân Thanh và làm tay sai cho quân Thanh.

Những "người Bắc làm nội ứng" mà Nguyễn Huệ nói với Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân chính là cựu thần nhà Lê và nho sĩ.

Hồi cuối năm Mậu Thân (1788), khi quân Thanh sang xâm lược, một số cựu thần nhà Lê đã mộ quân "dấy nghĩa" đánh lại quân đội Tây Sơn như trường hợp Hoàng Phùng Nghĩa ở Nam Định.

Những kẻ như Hoàng Phùng Nghĩa này sẵn sàng chỉ vạch cho quân Thanh chỗ đồn trú của quân Tây Sơn, hay chỗ mai phục của quân Tây Sơn…

Muốn đánh quân Thanh phải chờ cho đến ngày chúng tự phơi bộ mặt xâm lược của chúng trước nhân dân nước Việt.

Ngày đó chính là ngày quân Thanh đã vào Thăng Long, đã làm chủ Thăng Long, đã công nhiên đi cướp bóc, hà hiếp nhân dân ta.

Đó cũng là ngày Lê Chiêu Thống đã lộ mặt nạ bán nước "cõng rắn cắn gà nhà" bị quân Thanh khinh bỉ và bị nhân dân căm giận.

Chỉ ngày đó tiến quân ra Thăng Long đánh quân Thanh mới giữ được bí mật.

Đứng về mặt chính trị mà nói, "giữ được bí mật" đó là được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân.

Chỉ khi được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân mới giữ được các cuộc hành quân, và mới biết rõ được tình hình quân địch.

Đến Phú Xuyên sở dĩ quân Tây Sơn bắt được toàn bộ quân do thám của Tôn Sĩ Nghị chính là vì quân Tây Sơn được nhân dân ủng hộ.

Chính nghĩa ở về phía quân Tây Sơn làm cho quân Tây Sơn giữ được bí mật các cuộc hành quân, biết được tình hình quân Thanh mà trái lại quân Thanh không biết tình hình quân Tây Sơn.

Nếu đánh quân Thanh ngay khi chúng mới chiếm đóng Thăng Long thì về chủ quan cũng như về khách quan, quân Tây Sơn chưa đủ điều kiện chín muồi.

Về chủ quan, quân Tây Sơn còn phải lấy thêm quân ở Nghệ An mới đủ lực lượng đương đầu thắng lợi với quân Thanh.

Về khách quan, nhân dân Việt Nam đã căm giận quân Thanh và vua tôi bọn Lê Chiêu Thống, nhưng chưa căm giận đến cao độ, chưa nhận thấy là không đi với quân Tây Sơn thì không những mất nước mà nhà cũng không còn.

Khi đã vào Thăng Long, lúc này hành động cướp nước của quân Thanh đã làm cho nhiều cựu thần nhà Lê mở mắt ra, thấy rõ chúng chỉ là bọn cướp nước, tham tàn.

Thời gian thuận lợi nhất để đánh quân Thanh là thời gian từ ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) đến ngày 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789).

Lúc này nhân dân đã căm giận quân Thanh và bọn Lê Chiêu Thống đến cực độ. Đây cũng là lúc quân Tây Sơn đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu, còn quân Thanh đang say sưa ăn tết để ngoài khai hạ mới xuất quân đánh quân Tây Sơn.

Nếu để đến sau ngày 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu mới đánh quân Thanh là bỏ mất thời cơ thuận lợi nhất. Vì đến sau ngày 7 tháng Giêng không phải là lúc quân Tây Sơn tấn công quân Thanh nữa, mà chính là quân Thanh đi tìm quân Tây Sơn để đánh.

Thế chủ động của quân Tây Sơn nếu không bị mất đi, thì ít nhất cũng bị giằng co. Những đòn bất ngờ sẽ khó thực hiện, thậm chí và không thực hiện được.

Trên đây là vấn đề thời gian, thời cơ đánh quân Thanh. Bây giờ chúng ta xét về mặt không gian của cuộc tấn công quân Thanh hồi cuối năm 1789.

Muốn tiêu diệt thuận lợi quân Thanh không thể tấn công chúng ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ hay Sơn Tây được.

Tại các miền này hồi cuối năm Mậu Thân và đầu năm Kỷ Dậu đều có quân Thanh chiếm đóng, nhưng số lượng quân Thanh ở các nơi ấy không tập trung.

Đã thế, quân Thanh ở các nơi ấy có thể dựa vào địa thế hiểm trở của núi rừng để chống lại quân Tây Sơn. Cuộc tấn công của quân Tây Sơn như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn.

Quân Tây Sơn sẽ phải chia sẻ lực lượng để đánh nhiều vị trí mà chưa chắc đã đoạt được phần thắng về mình. Tình hình sẽ phức tạp. Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh sẽ thất bại. Thủy quân của nhà Thanh sẽ có thì giờ đổ bộ vào Thuận Quảng.

Muốn tiêu diệt gọn quân Thanh, tốt nhất là đánh thẳng vào căn cứ chính của chúng ở Thăng Long.

Bảo vệ chủ quyền, mỗi người Việt phải khắc cốt ghi tâm bài học lịch sử

Thăng Long là nơi tập trung đại bộ phận quân Thanh, nhưng Thăng Long lại là nơi "bốn mặt đều là chiến trường, không có chỗ nào hiểm trở" đúng như vua Quang Trung đã nói với Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở dãy Tam Điệp.

Nếu Thăng Long đã không phải là căn cứ tốt để quân Tây Sơn dựa vào đấy mà đánh quân Thanh, thì nó càng không thể là căn cứ tốt để quân Thanh dựa vào đấy mà chống quân Tây Sơn.

Về mặt không gian, chỗ tốt nhất để tiêu diệt quân Thanh là Thăng Long, một căn cứ trống trải không có núi non che chở.

Đánh Thăng Long là đánh vào đầu quân địch khiến cho toàn bộ cơ thể của chúng bị rã rời, tê liệt.

Việc chọn Thăng Long làm mục tiêu chiến lược của cuộc tấn công hồi năm 1789 là hoàn toàn phù hợp với chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Nguyễn Huệ.

Việc tấn công vào căn cứ chính của quân Thanh ở Thăng Long cuối năm Mậu Thân và đầu năm Kỷ Dậu tỏ ra Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài đã biết tranh thủ thời cơ thuận lợi tập trung lực lượng đánh vào cơ quan đầu não của địch rồi từ đấy mà tiêu diệt tất cả quân địch ở các nơi.

Không có một thiên tài kiệt xuất như Nguyễn Huệ thì đầu năm Kỷ Dậu không thể có trận thắng chớp nhoáng và kinh thiên động địa ở Thăng Long được.

Năm là, làm cho địch chủ quan, kiêu ngạo. Tuyệt đối giữ bí mật kế hoạch tấn công:

Vua Quang Trung là một nhà quân sự thiên tài rất tin ở năng lực của mình. Ngày 24 tháng Mười một năm Mậu Thân (1788), sau khi xem bức thư cáo cấp của Ngô Văn Sở do Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa trạm đem về Phú Xuân, nhà vua quát lớn: "Đàn chó Ngô kia sao dám rông rỡ?".

Gặp Ngô Thì Nhậm ở dãy Tam Điệp, nhà vua lại tuyên bố: "Nay ta đến đây tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi, chỉ trong mười ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh". Tuy đã nắm chắc phần thắng, vua Quang Trung vẫn tìm cách làm kiêu lòng địch.

Sau khi từ Nghệ An ra đi, nhà vua sai Trần Danh Bính cầm đầu tám viên sứ thần đưa đến cho Tôn Sĩ Nghị ba đạo bẩm văn nói rõ về việc ông phải lên thay thế nhà Lê, và khẩn khoản xin Tôn Sĩ Nghị hãy cho đóng quân ngoài cửa ải, tra hỏi nội tình nước Nam cho rõ rồi hãy hành động.

Nguyễn Huệ lại cho đem trả nhà Thanh bọn tuần dương binh là bọn Hác Thiên Tôn do tướng Tây Sơn là Ngô Hồng Chấn bắt từ trước.

Nhận được bẩm văn của vua Quang Trung, Tôn Sĩ Nghị vứt xuống đất, sai chém đầu Trần Danh Bính và bắt các sứ thần Tây Sơn giam vào ngục. Tôn Sĩ Nghị lại càng tin rằng lực lượng quân Tây Sơn không có gì đáng sợ.

Sau khi vào Thăng Long, Sĩ Nghị ngạo nghễ tự coi y là chủ nước Việt Nam, y coi Lê Chiêu Thống và bọn triều thần như cỏ rác.

Ngày đêm y mải miết với gái đẹp rượu nồng. Khi có người báo cho y biết quân Tây Sơn đã kéo ra dãy Tam Điệp, Tôn Sĩ Nghị vẫn tự đắc bảo Lê Chiêu Thống: "Không cần đánh vội, ta cứ lấy thế nhàn rỗi mà đợi quân nhọc mệt".

Nhưng đến sáng sớm ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), khi nghe thấy tiếng súng nổ liên hồi ở phía tây bắc thành Thăng Long và khi được tin quân Tây Sơn đã hạ đồn Điền Châu ở làng Khương Thượng, Nghị sợ hết hồn vía, chỉ còn kịp nhảy lên ngựa không yên cùng với mấy tên quân kỵ chạy ra bờ sông Hồng vượt cầu phao chạy sang Kinh Bắc…

Tôn Sĩ Nghị nửa đêm nghe báo tin không kịp thắng yên ngựa, không mặc áo giáp bỏ đồn chạy. Quân Thanh thấy chủ tướng bỏ chạy, tranh nhau qua cầu Nhị Hà. Cầu đổ, quân Tàu té xuống sông chết đuối, thây nổi như rạ (Ảnh minh họa: Internet).

Trong các hoạt động quân sự, Nguyễn Huệ không có thói quen vạch ra trước một kế hoạch tấn công tỉ mỉ.

Năm 1786, khi ra Bắc lần thứ nhất "phù Lê diệt Trịnh", Nguyễn Huệ không hề cho mọi người biết kế hoạch diệt Trịnh của ông.

Đến Nguyễn Hữu Chỉnh cũng không biết ông sẽ diệt Trịnh ra sao. Mọi người chỉ biết kế hoạch tấn công của quân Tây Sơn khi Nguyễn Huệ đã vào Thăng Long, đóng đại bản doanh ở phủ chúa Trịnh.

Cuối năm Mậu Thân (ngày 25/11/1788), khi cất quân từ Phú Xuân ra Bắc, Nguyễn Huệ chỉ cho mọi người biết là ông ra Bắc chuyến này là để diệt quân Thanh xâm lược.

Đến Nghệ An gặp Nguyễn Thiếp và nói chuyện với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ mới cho hay là chỉ trong mười ngày là ông sẽ phá xong 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Khi ra đến dãy núi Tam Điệp, do tin tức tình báo đã nhận được đầy đủ, Nguyễn Huệ mới công bố kế hoạch đánh quân Thanh cho mọi người biết.

Kế hoạch này sở dĩ được thi hành tài tình và đầy đủ, chủ yếu vì nó đã được vạch ra trên cơ sở tình hình thực tế của quân Thanh.

Sáu là, không coi thường địch:

Ở Phú Xuân, khi được tin quân Thanh xâm lược Việt Nam, Nguyễn Huệ quát lớn: "Đàn chó Ngô kia sao dám rông rỡ".

Ở dãy Tam Điệp, ông cho mọi người biết chỉ trong mười ngày là ông phá sạch quân Thanh. Tuy vậy, ông không hề coi thường quân Thanh. Ông đã thi hành tất cả các biện pháp nhằm đi đến việc đánh bại quân Thanh.

Rạng sáng ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thân tự chỉ huy đánh đồn Ngọc Hồi, một đồn kiên cố nhất của quân Thanh.

Nguyễn Huệ cho dồn quân lương vào một chỗ rồi truyền cho đốt sạch. Ông lại lấy khăn vàng buộc vào cổ để cho mọi người biết rằng trong trận quyết liệt này, quân Tây Sơn chỉ còn có hai con đường: một là thắng hai là chết.

Khi quân Tây Sơn bắt đầu công đồn Ngọc Hồi, thì quân Thanh từ trong đồn bắn súng ra như mưa.

Các phương tiện chống lại súng địch đã được chuẩn bị sẵn sàng: Quân Tây Sơn đã mang sẵn sáu mươi tấm ván gỗ, Nguyễn Huệ cho lấy ba tấm ghép lại thành một lá chắn lớn, ngoài phủ rơm đã tẩm nước. Như vậy là quân Tây Sơn có tất cả hai mươi tấm lá chắn lớn.

Nguyễn Huệ sai mười người khỏe lưng đeo đoản đao, khiêng một lá chắn, nấp sau lá chắn có hai mươi khinh binh cầm vũ khí xếp hàng hình chữ nhất tiến theo sau.

Thế rồi quân Tây Sơn vừa hô vừa tiến. Súng quân Thanh trong đồn cứ bắn ra, nhưng đều trúng vào những tấm lá chắn có phủ rơm tẩm nước.

Khi đã giáp lá cà, quân Tây Sơn bỏ lá chắn xuống, rút dao ra nhảy bổ vào chém quân Thanh. Quân Thanh không kịp trở tay, bị quân Tây Sơn giết hại nhiều vô kể.

Để mở đường cho quân đội tiến, Nguyễn Huệ lại cho hơn một trăm voi thật khỏe xông lên trước đánh vào kỵ binh của quân Thanh.

Hạ xong đồn Ngọc Hồi quân Tây Sơn rầm rộ kéo đến phá đồn Văn Điển và đồn Yên Quyết. Chỉ huy quân Thanh là đề đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Triều Long, tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận…

Quân ta đánh đồn Ngọc Hồi, súng bắn ra như mưa. Vua Quang Trung cho quân khỏe mạnh khiêng ván đi trước, bộ binh theo sau (Ảnh minh họa: Internet).

Bảy là, giáo dục lòng yêu nước cho quân đội:

Muốn đánh thắng quân địch, phải có chiến thuật, chiến lược đúng đắn, phải biết chỉ đạo việc thực hiện chiến lược, chiến thuật. Nhưng chưa đủ. Muốn thắng quân địch, còn cần có một đội quân có tinh thần chiến đấu cao.

Đội quân có tinh thần chiến đấu cao là đội quân chiến đấu cho chính nghĩa, tức đội quân biết chiến đấu vì ai, vì mục đích gì.

Nguyễn Huệ là nhà quân sự biết đem tư tưởng yêu nước, tinh thần bất khuất giáo dục cho binh sĩ, khiến cho binh sĩ hiểu rõ họ chiến đấu vì ai.

Quân đội Tây Sơn đi theo Nguyễn Huệ đã từng được Nguyễn Huệ nhiều lần đưa đến những thắng lợi vẻ vang.

Họ đã đánh đổ chế độ phong kiến phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Họ còn đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm xâm lược. Thực tế họ đã hiểu vì sao họ chiến đấu.

Đến khi phải đương đầu với 29 vạn quân Thanh, Nguyễn Huệ lại giáo dục thêm cho quân đội lòng yêu nước.

Khi duyệt binh ở Nghệ An, Nguyễn Huệ một lần nữa lại đem tinh thần yêu nước quạt vào lòng tướng sĩ: "Quân Thanh kéo sang xâm lược, hiện đương chiếm cứ Thăng Long, các ngươi đã biết hay chưa?

Trong vòng trời đất chia theo phận sao Dực, sao Chẩn, Nam Bắc vẫn riêng một non sông. Người Bắc không phải nòi giống ta thì tất khác lòng khác dạ.

Từ nhà Hán về sau, họ cướp đất đai ta, cá thịt nhân dân, vơ vét của cải, nông nỗi ấy thật là khổ sở! Người trong nước ai cũng phải nghĩ đánh đuổi đi.

Đời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ.

Các ngài không chịu bó tay ngồi nhìn quân ngoài tàn bạo, nên phải thuận lòng người, dấy quân nghĩa, đánh thắng rồi đuổi chúng về.

Trong những khi ấy, Nam Bắc đâu lại phận đó, bờ cõi yên ổn, vận nước lâu dài. Từ nhà Đinh đến nay, chúng ta không đến nỗi phải cái khổ Bắc thuộc. Đó lợi hại, được thua, chuyện cũ đã rành rành là thế.

Nay người Thanh không soi gương Tống, Nguyên, Minh, lại sang mưu chiếm nước Nam ta, đặt làm quận huyện. Vậy ta phải vùng lên mà đuổi đi!".

Trong trận tiến đánh quân Thanh năm 1789, quân đội Tây Sơn đã được bồi dưỡng thêm về tinh thần yêu nước, chí quật cường, bất khuất, họ hiểu họ đấu tranh không những để bảo vệ những thành quả do khởi nghĩa nông dân (mà họ là đại biểu) đã đem lại mà còn để bảo vệ đất nước bờ cõi nữa.

Họ đấu tranh cho chính nghĩa, cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho quyền lợi những người bị áp bức, cho nên họ sẵn sàng hy sinh tính mạng.

Về mặt tư tưởng, họ ở vào cái thế áp đảo quân Thanh, cho nên quân Thanh đã bị họ đánh cho đại bại.

Tám là, phân tán và tập trung lực lượng nhanh chóng:

Tài liệu lịch sử không cho phép chúng ta biết Nguyễn Huệ đã phân tán lực lượng và tập trung lực lượng cụ thể ra sao, nhưng chúng ta có ấn tượng rằng ông có phương pháp phân tán và tập trung quân đội rất thần diệu.

Từ dãy Tam Điệp, gần mười vạn quân được lệnh tiến ra Bắc. Chúng ta có thể nghĩ rằng cánh quân do Nguyễn Huệ thân tự chỉ huy chí ít phải có đến năm vạn.

Bảo vệ độc lập dân tộc - gốc rễ là bảo vệ bản sắc văn hóa

Năm vạn người này nhất định phải chia làm nhiều toán, thì qua sông mới có thuyền bè, khi nghỉ mới có nhà cửa và mới có thức ăn.

Tình thế bắt buộc Nguyễn Huệ phải phân tán lực lượng trong khi hành quân. Nhưng khi đến Nam Định gặp quân của Hoàng Phùng Nghĩa, quân Tây Sơn lập tức lại tập trung ngay để tiêu diệt quân của Hoàng Phùng Nghĩa.

Gặp quân do thám của Tôn Sĩ Nghị ở huyện Thanh Liêm, quân Tây Sơn truy kích quân Thanh đến Phú Xuyên thì bắt được toàn bộ quân do thám của Tôn Sĩ Nghị.

Đến đồn Hà Hồi, quân Tây Sơn cũng phải tập trung nhanh chóng thì mới giải quyết đồn này nhanh chóng được.

Đến đồn Ngọc Hồi, mức độ và nhịp điệu tập trung của quân Tây Sơn lại cao và nhanh hơn một bậc, thì mới có đủ điều kiện để công đồn thắng lợi.

Tóm lại trên một con đường dài 76 cây số từ bến Gián Khẩu đến Hà Nội, quân Tây Sơn ở vào một tình trạng luôn luôn phân tán và luôn luôn tập trung để làm nhiệm vụ.

Vậy mà trên đường tiến quân, quân Tây Sơn đi đến đâu đều thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ chiến thuật và chiến lược của mình. Chỉ một việc này cũng đủ nói lên tài năng tổ chức kiệt xuất của Nguyễn Huệ.

Chín là, tập hợp được nhiều tướng lĩnh có tài, quan tâm đến đời sống của binh sĩ:

Trong quá trình lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã tạo ra được nhiều tướng lĩnh có tài như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Tiến Đông, đô đốc Mưu (hay Long), đô đốc Bảo, đô đốc Lộc…

Mức độ tài năng những người này cũng khác nhau. Nhưng tất cả đều rất mực can đảm.

Mọi người đều biết thái độ dũng cảm của bà Bùi Thị Xuân, khi bà bị Nguyễn Phúc Ánh thiêu chết ở cửa Đông - Hà Nội.

Các tướng lĩnh nói trên theo Nguyễn Huệ từ lâu và đều lập được công to.

Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở đã cùng với Nguyễn Huệ chỉ huy trận đánh đồn Ngọc Hồi. Đô đốc Long đã đem quân Tây Sơn vào Thăng Long trước nhất.

Các tướng lĩnh của Nguyễn Huệ đều được ông tin cẩn và đều là những người thực hành tốt các chủ trương của ông.

Cái khéo của Nguyễn Huệ là ông giao nhiệm vụ cho họ nhưng không hề hạn chế sáng kiến hay tính chủ động của họ.

Sau khi diệt Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ giao Bắc Hà cho bọn Ngô Văn Sở.

Ông nói: "Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân là nanh vuốt của ta; Nguyễn Văn Dụng, Trần Thuận Ngôn là tâm phúc của ta; Ngô Thì Nhậm tuy là người mới, nhưng là bậc tân thần, ta coi như khách.

Nay ta giao cho các khanh hết thảy mọi việc quân quốc, coi quản mười một trấn trong toàn hạt. Hễ có điều chi, ta cho cứ được tiện nghi làm việc.

Song các khanh cần phải họp bàn với nhau, chứ đừng phân bì kẻ mới người cũ, miễn sao làm cho được việc, ta mới yên lòng".

Bành trướng, bá quyền dễ dẫn đến diệt vong

Nguyễn Huệ tỏ ra rất tin cẩn các tướng lĩnh của ông. Thái độ của ông làm cho các tướng lĩnh phấn khởi và có điều kiện để phát huy đầy đủ sáng kiến, tài năng của họ.

Nguyễn Huệ còn là nhà quân sự có thói quen đồng cam cộng khổ với binh sĩ của ông.

Tài liệu lịch sử cho chúng ta biết quân Tây Sơn thường lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo.

Năm 1786, sau khi đánh đổ họ Trịnh, kéo quân vào chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ cho đem tất cả gấm vóc, vàng bạc, châu báu ở trong kho phủ chúa Trịnh chia cho các tướng sĩ.

Tướng sĩ Tây Sơn thường có nhiều vàng bạc mang ở trong mình. Những vàng bạc này là những vàng bạc tịch thu của bọn phong kiến Nguyễn - Trịnh mà Nguyễn Huệ đem phân phát cho mọi người trong quân đội.

Việc Nguyễn Huệ cho quân đội ăn Tết Nguyên đán vào ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân tỏ ra ông hiểu rõ tâm lý của binh sĩ chú ý đến đời sống của binh sĩ.

Người dân Việt Nam rất tha thiết với Tết Nguyên đán. Nhiều người làm ăn quanh năm dành dụm để rồi đến cuối năm ăn tết.

Do yêu cầu của sự nghiệp đánh giặc cứu nước, cuối năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ phải đem quân ra Bắc đánh Tôn Sĩ Nghị.

Chiến dịch diễn ra vào đúng dịp tết. Hiểu rõ thắc mắc của mọi người, Nguyễn Huệ hạ lệnh cho mọi người ăn tết trước ở dãy Tam Điệp rồi mới xuất quân.

Ông tuyên bố: "Nay hãy tạm ăn Tết Nguyên đán trước. Đợi đến sang xuân ngày mồng 7 vào Thăng Long lại mở tiệc ăn mừng. Các ngươi cứ ghi lấy lời của ta xem có đúng không?".

Thế nghĩa là quân Tây Sơn được ăn hai cái tết: Cái tết ngày 20 tháng Chạp ở dãy Tam Điệp và cái tết vào ngày mồng 7 tháng Giêng ở Thăng Long.

Ngày mồng 7 tháng Giêng, khi quét sạch quân Thanh và làm chủ Thăng Long, Nguyễn Huệ cho mổ rất nhiều bò lợn để khao thưởng ba quân.

Quân Tây Sơn lại ăn một cái tết nữa đúng như Nguyễn Huệ đã hẹn ở dãy Tam Điệp.

Mười là, chú ý đến tình báo, tập trung binh chủng quan trọng:

Tôn Vũ có nói: Biết mình biết người, trăm trận đánh trăm trận được. Biết người nói đây là nắm được đầy đủ những tin tức tình báo về quân địch.

Trong các hoạt động quân sự của ông, Nguyễn Huệ rất chú ý đến công tác tình báo.

Tháng Năm năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ khi đem quân ra đánh Thuận Hóa mà trấn thủ là Phạm Ngô Cầu.

Nhờ có tình báo, Nguyễn Huệ biết Phạm Văn Cầu là kẻ mê tín và đa nghi, Nguyễn Huệ đã dùng mưu khiến cho Phạm Ngô Cầu chúi đầu vào việc lập đàn chay, rồi Nguyễn Huệ lại dùng mưu ly gián làm cho Ngô Cầu nghi ngờ Hoàng Đình Thể, và cuối cùng không tiếp ứng cho Hoàng Đình Thể, để mặc cho quân Tây Sơn đánh giết cha con Đình Thể.

Năm 1788, khi mang quân ra đánh quân Thanh ở Thăng Long, Nguyễn Huệ dám cho đô đốc Bảo, đô đốc Long mang voi chiến, ngựa chiến đi đường tắt lẻn vào lòng địch để đánh địch, là vì ông đã nắm được đầy đủ tin tức về quân địch ở chung quanh Thăng Long.

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tượng binh (voi chiến) cũng giữ vai trò quan trọng trong các trận đánh.

Hồi đầu thế kỷ XV, Hồ Quý Ly cũng có một đội tượng binh quan trọng. Khi quân Minh đánh thành Đa Bang, Quý Ly cho tượng binh ra đánh quân Minh. Trương Phụ dùng lốt sư tử khoác vào mình ngựa, rồi thúc ngựa ra giao chiến.

Voi tưởng là sư tử thật, sợ quay lại chạy, quân Minh thừa thắng đuổi theo, quân Hồ đại bại.

Tượng binh của quân đội Nguyễn Huệ khác hẳn tượng binh của Hồ Quý Ly. Trên các voi chiến của Nguyễn Huệ đều có quân sĩ cầm hỏa hổ. Khi gặp quân địch, quân sĩ vừa thúc voi tiến, vừa dùng hỏa hổ bắn vào quân địch.

Về hòa hợp và thống nhất dân tộc

Voi chiến của Nguyễn Huệ như vậy khác nào một thứ chiến xa tiến đến đâu quân địch tan vỡ đến đấy.

Sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, gặp tượng binh của Nguyễn Huệ, kỵ binh của quân Thanh hoảng sợ vội quay lại chạy.

Chúng ta không rõ quân đội của Nguyễn Huệ được tổ chức cụ thể như thế nào. Chúng ta chỉ biết ở dãy núi Tam Điệp, khi đô đốc Lộc xuất quân tiến về miền Phượng Nhỡn (Bắc Giang) và đô đốc Tuyết xuất quân tiến về miền Hải Dương, thì hai cánh quân này không có tượng binh.

Do đó chúng ta nghĩ rằng Nguyễn Huệ đã tập trung tất cả tượng binh cho lộ quân thứ nhất tức lộ quân có nhiệm vụ đánh vào Thăng Long.

Trong lộ quân thứ nhất, có ba cánh quân là cánh quân của đô đốc Bảo, cánh quân của đô đốc Long và cánh quân chủ lực do Nguyễn Huệ thân tự chỉ huy.

Cả ba cánh quân đều có tượng binh, nhưng hình như cánh quân chủ lực có nhiều tượng binh nhất.

Vì trong trận đánh đồn Ngọc Hồi, chúng ta thấy tượng binh xuất hiện từ đầu đến cuối và tượng binh đã góp phần quan trọng vào trận hạ đồn Ngọc Hồi, một trận có tính chất quyết định toàn bộ chiến dịch cả phá 29 vạn quân Thanh hồi đầu năm 1789.

Thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ thể hiện trên nhiều mặt, tựu trung lại là về tổ chức, xây dựng quân đội và chỉ huy tác chiến.

Trên đây chỉ là những nét cơ bản, bởi vì thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ vô cùng rực rỡ và phong phú, đòi hỏi phải tiếp tục có nhiều công trình nghiên cứu công phu và kỹ lưỡng hơn.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

- Việt Nam - đất cũ, người xưa, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/muoi-diem-noi-bat-ve-thien-tai-quan-su-cua-hoang-de-quang-trung-post186416.gd