Mừng tuổi bố mẹ vợ 200 nghìn, con rể bị cả nhà vợ chê kiệt xỉ

Nhẽ ra vợ chồng Trang phải ở nhà ngoại đến mùng 4 mới ra Hà Nội nhưng thấy bố mẹ mặt nặng mày nhẹ, các anh chị và cháu xì xầm to nhỏ, cô quyết định mùng 3 ra sớm.

Trang làm đám cưới với Linh từ đầu tháng 3 năm vừa rồi, tính ra đến giờ chưa tròn năm. Đám cưới Trang được tổ chức thuộc dạng to ở đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gây xôn xao một vùng quê. Linh hơn Trang 5 tuổi, là giám đốc công ty về du lịch, người gốc Hà Nội, có nhà xe đầy đủ.

Tết năm nay, vì là rể mới nên vợ chồng Trang về quê từ ngày 29 âm lịch để đi chào hỏi, chúc Tết họ ngoại.

Thấy con gái báo hai vợ chồng đi ô tô từ Hà Nội về Hà Tĩnh ăn Tết, bố mẹ Trang vui lắm. Ông bà gọi điện cho tất cả các anh chị em, con cháu trong nhà đến ăn tất niên chiều 30. Mục đích là muốn tập trung đông đủ rồi ăn uống cho vui vẻ, phần nữa là muốn "khoe" con rể người Hà Nội đi ô tô về tận quê vợ. Linh vốn hiền lành, không thích nhậu nhẹt và cũng không thích đông người nên thấy vài chục người tập trung, nói cười ầm ĩ, anh trở nên gượng gạo. Anh đưa giỏ quà bánh kẹo và trái cây cộng với phong bì biếu bố mẹ vợ 10 triệu.

Đêm giao thừa, sau thủ tục thắp hương và phá cỗ, Linh mang phong bao đỏ lì xì mọi người trong gia đình. Từ bố mẹ vợ đến anh chị em, các cháu trong nhà cũng phải gần 30 cái phong bao đỏ. Mỗi cái Linh đều để 100 nghìn để lấy hên cho mọi người. Riêng bố mẹ vợ Linh để 200 nghìn (4 tờ 50 nghìn). Anh quan niệm, lì xì là nét văn hóa, chỉ cần đồng tiền có màu sắc rực rỡ, không quan trọng nhiều hay ít.

Bất ngờ, sáng hôm sau ngủ dậy, vừa ra ngoài sân, Trang đã thấy bố mẹ mình và các cháu đang xúm xít lại nói chuyện gì đó. Rồi nhìn thấy Trang, họ quay mặt đi không nói câu gì. Vốn nhanh trí cô hiểu có chuyện gì đó liên quan đến vợ chồng cô. Xuống bếp, đứa cháu con chị gái ghé Trang bảo: "Ông bà chê chú mùng tuổi ít quá đó dì. Các o, mợ trong nhà bảo sao người Hà Nội về mà chẳng bằng trong quê". Nghe thấy thế, Trang bất ngờ và buồn vô cùng. Cô đành bảo: "Nhiều người Hà Nội quan niệm mùng tuổi là một tục lệ hay và đẹp trong ngày Tết vì nó thể hiện sự quan tâm, chăm sóc nhưng không nặng về vật chất cháu ạ".

Dường như cũng có cảm giác giống vợ, Linh tỏ ra không vui và thoải mái lắm. Trang rủ chồng sang hàng xóm và đi họ hàng chúc Tết nhưng Linh không hào hứng, anh đi miễn cưỡng cho phải phép. Thấy vậy, buổi tối mùng 2, Trang quyết định nói chuyện với bố mẹ, cô tỉ tê về vấn đề tiền mùng tuổi. Bố mẹ cô thấy con gái nói vậy ra vẻ gật gù, bảo: "Quan trọng gì đâu con, thế là các con quan tâm đến bố mẹ lắm rồi. Bố mẹ chỉ cần hai con hạnh phúc là niềm vui to lớn nhất" nhưng không hiểu sao, cô vẫn đọc được trong ánh mắt bố mẹ và người thân mình có cái gì đó khác lạ. Ngay tối đó, Trang xin phép bố mẹ cho vợ chồng cô ra Hà Nội sớm, là mùng 3 thay cho mùng 4 để đi Tết nội.

Trang hiểu chồng mình, cô cũng hiểu bố mẹ và người thân của mình. Ngay sau đó, mọi người lại vui vẻ và vồn vã với Linh nhưng Trang thấy thái độ của chồng không còn tự nhiên, thoải mái nữa. Trên đường từ quê trở lại Hà Nội, lòng Trang cứ nặng trĩu, cô chưa biết cách làm thế nào để Tết năm sau mọi người đều vui vẻ, chồng quý mến và gần gũi với gia đình ngoại hơn...

Kim Vân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/mung-tuoi-bo-me-vo-200-nghin-con-re-bi-ca-nha-vo-che-kiet-xi-20200115061906608.htm