Mừng, lo xuất khẩu

Hôm qua (29-8), Tổng cục Thống kê đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng năm 2018 với nhiều con số đáng phấn khởi, đặc biệt là kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước từ đầu năm đến nay đã vượt mốc 155 tỷ USD, lớn hơn cả kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả năm 2014 và tăng tới 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức...

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước

Trong bức tranh kinh tế của cả nước mà Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố hôm qua thì KNXK là một trong những điểm sáng nhất. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8-2018 ước đạt 20,90 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,30 tỷ USD (chiếm 71% tổng KNXK), tăng 13,4%. KNXK một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Điện thoại và linh kiện đạt 30,9 tỷ USD, tăng 15,7%; hàng dệt may đạt 19,4 tỷ USD, tăng 14,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng 14,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,6 tỷ USD, tăng 26,9%; giày dép đạt 10,5 tỷ USD, tăng 9,6%...

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái (Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) . Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 8 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 27,2%; giày dép tăng 12,9%; hàng dệt may tăng 10,4%. Tiếp đến là EU đạt 27,7 tỷ USD, tăng 10,8%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 20,8%; điện thoại và linh kiện tăng 13%. Trung Quốc đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 175,7%; dệt may tăng 43,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,3%. Thị trường ASEAN đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16%, trong đó gạo tăng 145,3%; sắt thép tăng 52,7%; hàng dệt may tăng 33,9%. Nhật Bản đạt 12 tỷ USD, tăng 9,4%, trong đó hàng dệt may tăng 21,9%; giày dép tăng 12,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 4,8%. Hàn Quốc đạt 11,8 tỷ USD, tăng 27,9%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 52,5%; điện thoại và linh kiện tăng 26,4%; hàng dệt may tăng 17,7%...

Điều đáng mừng là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của ta đang chuyển dịch theo hướng tích cực, khi nhóm công nghiệp chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao; nhóm nhiên liệu khoáng sản ngày càng giảm.

Còn nhiều nỗi lo

Bên cạnh niềm vui khi KNXK tăng khá cao so với kế hoạch, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đang lo lắng bởi sự tăng trưởng của nhiều ngành còn thiếu bền vững. Giá trị KNXK nông, thủy sản tăng nhưng giá bán thì thấp hơn so với nhiều nước. Hạt điều xuất khẩu 8 tháng qua của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng 2,5% về kim ngạch nhưng lượng tăng tới 8%. Tương tự, cà phê sản lượng xuất khẩu tăng 14,8% nhưng tiền thu về lại giảm 3,1%. Lượng xuất khẩu hạt tiêu tăng 4,7% nhưng tiền thu về lại giảm tới 35,2%...

Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng; thiếu thông tin thị trường; trình độ nhân lực hạn chế; thiếu sự hỗ trợ sản xuất; thiếu thông tin pháp lý; thiếu thông tin khoa học công nghệ...

Điều lo ngại nhất là KNXK lớn nhưng giá trị gia tăng trong các mặt hàng xuất khẩu không nhiều. Trong nhóm công nghiệp chế biến, điện tử gia dụng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực nhưng giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 30-35%; ngành điện tử tin học, viễn thông có giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 15%...

Mặt khác, theo số liệu từ đầu năm đến nay của Tổng cục Thống kê thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm. Quý I-2018 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đến quý II năm nay còn dưới 16% và đến tháng 8 này mức tăng chỉ còn 14,5%.

Cùng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm, cán cân thương mại đang dần đảo chiều. Theo dõi chuỗi số liệu 8 tháng vừa qua có thể thấy mức xuất siêu 2,26 tỷ USD trong tháng 3 nhiều khả năng sẽ là đỉnh cao của năm nay và khó có thể lặp lại trong các tháng còn lại của năm. Nhập siêu đã quay lại vào tháng 5, kết thúc chuỗi 4 tháng liên tục xuất siêu và tháng 8 này, nhập siêu đang ở mức 100 triệu USD.

Cần xử lý những điểm nghẽn về xuất khẩu

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cùng với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cần tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tế thông qua việc tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới, trong đó có việc xử lý những điểm nghẽn về xuất khẩu. Khuyến khích tạo dựng sản phẩm thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019, thí điểm hình thành một số cụm ngành công nghiệp với các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1137/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án này đang được các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là khung khổ pháp lý quan trọng để hướng tới xuất khẩu bền vững, giải pháp chủ yếu, xuyên suốt đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Đề án khuyến khích chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu, Bộ Công Thương đang tập trung tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường. Đặc biệt, bộ sẽ tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ cũng tập trung chỉ đạo tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mung-lo-xuat-khau-548207