Mùi thơm... con gái

Tôi thực sự bất ngờ vì một giấc mơ, một giấc mơ mà nó hiện về với tôi một câu chuyện cách nay hơn bốn chục năm.

Tôi cũng không thể kể lại chi tiết cả giấc mơ, nhưng cái chi tiết đã khiến tôi bàng hoàng vì tôi được thấy nó rõ ràng ràng, cứ như câu chuyện vừa mới xảy ra.

Bàng hoàng hơn nữa, ấy là bản thân nó thực ra không phải cái gì đó có thể nắm bắt được, có thể nhìn thấy, có thể nghe được, nhưng giấc mơ lại gọi đúng cái tên của nó cho tôi, cái mà bấy lâu nay đối với tôi chỉ là cảm giác, chỉ là cái gì đó rất mơ hồ, rất xa vời mặc dầu ở tuổi của tôi thì tuổi trẻ đã trải qua lâu rồi.

Qua lâu rồi mới thấm, thấm vì hồi trẻ mình sao mà ngố, sao mà “lãng phí” không biết nó quý, không biết nó thiêng liêng đến chừng nào. Bởi vì cái ấy tạo hóa chỉ ban cho tuổi trẻ, thì hồi trẻ tôi lại lơ đễnh, lại “bỏ qua”.

Giấc mơ thực sự đã “giải ngố” cho tôi, nhắc cho tôi hay rằng, ở đời con người ta có nhiều cái, nhiều khoảnh khắc chỉ diễn ra với ta có một lần, chỉ một lần duy nhất rồi nó biến mất, biến mất tăm mất tich, nó chỉ còn lại chút dư ba với ta, đi theo ta suốt đời với nỗi nuối tiếc khôn nguôi, và nó chỉ còn có thể đến với ta trong những giấc mơ, ấy là cái mùi thơm đặc biệt: Mùi thơm con gái.

Chúng tôi là một tốp năm người, bộ đội địa phương và du kích, được phân công dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh địch chiến dịch mùa Xuân năm 1975, gồm tôi, Blets , Hiêng, H’Thoan và H’Lơ.

H’ Thoan và H’Lơ là hai nữ du kích người Gia Rai. Blets là giao liên dẫn đường, cậu là người dân tộc BahNar mới được cầm súng, được đi công tác lần đầu.

Tôi là cán bộ của huyện đội ChưPơRông. Hiêng là đội viên đội du kích làng PleiDịt, một thanh niên đẹp trai lanh lợi, việc gì cũng thạo, nhất là thạo đường. Cả bốn người đều vừa rời làng đi theo tôi về huyện đội làm thủ tục để, theo cách gọi chung của dân làng hồi đó là “đi làm cách mạng”.

Nhưng chúng tôi bị kẹt ở gần làng PleiDịt vì hai lý do, một là địch càn trên núi Chư Pông, chặn mất đường đi. Hai là đội du kích làng PleiDịt vừa có một việc to, rất to, ấy là cả đội phục kích trên đoạn đương 14 dưới chân núi, bắn cháy một xe RMC của địch, được huyện đội thưởng rượu liên hoan mừng chiến thắng ba ghè, tất nhiên chúng tôi phải được dự.

Dự xong cho khỏe khoắn mới được lên đường, các đồng chí du kích đều bảo thế. Đêm rượu ở chòi rẫy nhà H’Lơ do anh trai H’Lơ mời chia tay. Anh góp thêm một ghè, rồi bà con anh em đến vui góp thêm ghè này, ghè nữa, cả chục ghè.

Chúng tôi uống đều say nghiêng ngả. Anh của H’Lơ là đội trưởng đội du kích, mà nhà H’Lơ chỉ có hai anh em, nên anh nó thương nó lắm. Anh nó bảo, mình làm cách mạng là làm lâu dài, không có một ngày hai ngày đâu mà vội vàng. Các em cứ uống đi, bao giờ rượu lạt thì đi cũng kịp thời gian tốt mà.

Vì tôi là cán bộ, đi công tác trong làng nên phải nhập cuộc, phải nói tiếng dân tộc. Nhiệm vụ của tôi được thủ trưởng huyện đội giao vô các làng được phép la cà nói chuyện vui, làm công tác dân vận để nhập cuộc, cứ ở chừng một tháng “giác ngộ” được năm bẩy người thì đưa về huyện, huyện huấn luyện rồi tùy theo năng lực từng người mà phân công công tác. Không gấp rút. Không có gì phải vội vàng.

Chiến tranh mà. Chiến tranh một ngày hai ngày, một tháng hai tháng cũng như nhau, đấy là cái lý sự của du kích, không có gì phải vội. Địch càn thì mình đánh địch càn. Thấy sức mình không đánh được thì tránh nó.

Mình trốn trong núi trong rừng làm sao nó tìm được. Trốn địch kiếm củ mì, củ rừng ăn bậy bạ, có lúc loanh quanh ngoài chòi rẫy, kiếm được đôi ba ghè rượu dân làng dấu đâu đó, uống đôi ba ngày, hết rượu thì kiếm củ mì nấu lên, làm rượu, để trong rừng cho lần sau, cho ai đó đến, tìm thấy thì uống.

Uống say thì ngủ, ngủ rồi nếu còn rượu thì uống nữa, hết rượu thì lại đi kiếm địch mà đánh, kiếm rượu mà uống, kiếm trái bắp, củ mì mà ăn, ăn để đánh địch lâu dài, gian khổ cũng được, cũng thấy quen, thấy bình thường.

Đêm ngủ, võng ai nấy nằm, gặp địch càn, ngủ trong hang đá, nam ra nam, nữ ra nữ, thỉnh thoảng lỡ uống say nằm ngổn ngang, cũng được, không có tầm bậy tầm bạ là được. Say rượu, ngủ tít mù, ai cũng giống ai, ai mà làm sao phân biệt rõ ràng được. Đâu vẫn vào đấy, không có lộn xộn.

Nhưng đêm ấy tôi say rồi tôi tỉnh, tôi ngủ trong một tấm dồ của ai đó bên đống lửa âm ỉ. Tôi nhận ra người nằm bên cạnh tôi là H’Lơ. Nó ôm ngang người tôi, tôi tỉnh rồi, nghe tiếng thở đều đều, nghe tiếng hát ai đó nhè nhẹ cũng đều đều. Thằng Blet cứ say là hát, còn thằng Hiêng thì biến đi đâu?

Tôi khẽ cựa mình, nghe ấm từ ngực H’Lơ ấm sang lưng mình. Tôi rạo rực se sẽ gỡ tay H’Lơ, nghe mùi thơm từ thân thể nó xen lẫn mùi rượu, xen lẫn mùi khói, xen lẫn mùi hang đá, nhưng mùi từ nó thơm thơm sao sao ý. Nó vừa rất nhẹ, rất êm, rất rõ ràng, thơm nồng nồng, nàn nàn nhưng lại cũng vừa khen khét, tôi thấy người nó rất ấm nóng, rất mềm.

Bên cạnh nó là H’Thoan. H’Thoan cũng ngủ như chết. Tôi không dám cựa quậy. Cựa quậy là mùi thơm nó tan biến, hơi thở nó tan biến. Cựa quậy là hai đứa con gái nó dậy, nó dậy là tan biến….

Nhưng rồi không hiểu vì sao hai đứa nó cùng lúc vùng dậy, trong khi tôi ngồi ôm ghè rượu, uống cùng thằng Hiêng. Hóa ra từ tối tới giờ thằng Hiêng vẫn đang uống một mình trong đêm, trong khi chúng tôi ngủ….

Đấy, cái mùi con gái đêm ấy cứ đeo đẳng tôi mãi tới tận bây giờ. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ, vẫn mang mang nhớ. Nhớ rõ ràng ràng mà sao vẫn không thể tả được cho nó mạch lạc.

Mùi của H’Lơ vừa thơm thơm, ấm ấm, dìu dịu vừa khen khét, nồng nồng, nhưng rõ ràng là rất thơm. Mùi thơm ấy chỉ có tôi mới cảm được, không thể tả được, không thể chia sẻ được.

Mấy ngày sau đó thỉnh thoảng tôi lén nhìn H’Lơ, lén hình dung lúc nó đi gùi nước xuống dốc, lên dốc, cái ngực nó, cái mùi thơm của nó, tôi lén hình dung thấy nó tắm…mùi thơm nó, mùi thơm con gái cứ níu giữ mãi trong tôi, trong cả giấc mơ, trong cả cuộc đời…

Bây giờ thì tôi gọi tên cái mùi ấy đích thị là mùi thơm… con gái. Mùi thơm của tuổi trẻ mà khi còn tuổi trẻ tôi không nắm bắt được. Nó cứ mang mang lẩn quất đâu đó suốt cuộc hành quân của chiến dịch cùng bộ đội chủ lực Quân đoàn 3 hành quân đánh địch dọc đường xuống Cheo Reo Phú Bổn mùa xuân năm 1975 ấy.

Buổi sáng chúng tôi được mấy anh trinh sát của đơn vị đến yêu cầu chia làm hai nhóm đưa hai đơn vị theo đường tắt xuống Cheo Reo. Được tiếp xúc với hai anh là giao liên của hai đơn vị chủ lực, chúng tôi ai cũng nghiêm chỉnh và tin tưởng, hội ý phân công rồi nhanh chóng chia tay nhau nhận nhiệm vụ.

Tôi H’Lơ, Hiêng đi cùng anh Liễu của Trung đoàn bộ, dẫn đơn vị theo đường rừng vượt đèo Chư Pa còn mấy người kia đi với anh Trung dẫn bộ đội tắt qua nước IAD,Răng ngược hướng chúng tôi, dựa theo đường lộ xuống Cheo Reo…

Vậy mà sau Ba Mươi tháng Tư năm 1975, mấy anh chị em chúng tôi mãi đến kỷ niệm 22 tháng 12 năm ấy mới tìm gặp được nhau vì ai cũng mải mê công việc của mình sau ngay quê huqoqng t được giải phòng. Gặp nhau ở hội trưởng tỉnh đôi.

Hôm ấy tôi mới biết H’Lơ và Blet đã hy sinh khi dẫn quân vào đến cửa ngõ Cheo Reo đúng buổi trưa định mệnh ấy, họ bị bọn tàn quân bắn lén dưới bờ sông khi họ vừa chia tay mấy anh chủ lực để về gặp Ủy ban Quân quản thị xã, nhận nhiệm vụ mới…

Mấy chục năm qua rồi mà bây giờ nhớ lại, vẫn cứ thấy mồn một như chuyện hôm qua hôm kia cùng ánh mắt, nụ cười, cùng cái mùi thơm con gái của H’Lơ và H’Thoan. Các em sống mãi trong ký ức của tôi…

Trung Trung Đỉnh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/mui-thom-con-gai-d263280.html