Mùi khói bếp

Trong nhà bếp gas có, lò nướng có, thế nhưng má nhóm bếp củi nấu cơm. Hôm tôi về, bắc nồi cơm lên bếp, cơm cạn vần xuống bếp than hồng rồi lui cui nướng thịt lụi, loại thịt heo xỏ que nướng trên than củi.

Nguồn ảnh: TTXVN

Chiều, tôi đi xung quanh nhà, lúc đi ngang qua chỗ bếp củi thấy má đang nướng thịt. Khói bếp “rải” mùi thơm thịt lụi từ sau hè đến tận ngoài ngõ. Chú Tư ở dưới thị trấn lên thăm chơi, vừa đến đầu ngõ nghe thơm mùi thịt lụi, chú đi thẳng đến chỗ bếp củi, xuýt xoa: “Lâu quá mới có mùi thịt lụi nướng “lọt” ra ngoài. Nhà ở phố lâu lâu thèm thịt lụi thì nướng trong lò điện kín mít”.

Hồi còn ở nhà cũ, năm nào lúa được mùa, bếp nhà đỏ lửa ngày ba bữa: sáng, trưa, chiều. Lúc ấy, một năm làm một vụ lúa, trong xóm nhà nào kinh tế khấm khá thì bữa sáng nấu cháo trắng ăn với đường đen, còn gia cảnh khó khăn thì buổi sáng nhịn đói dài dài. Thường bếp củi nhóm lên nấu bữa trưa, chiều, vậy mà có bữa cơm ăn không đủ no.

Năm chị tôi mười hai tuổi, công việc ngày mùa bận rộn, má vo gạo bắc nồi cơm lên bếp, nhóm lửa rồi sai chị chụm lửa. Chị vô bếp chất nhiều củi cho lửa cháy bùng rồi ra sân chơi, lát sau má vào thấy ngọn lửa cháy phả lên trên nắp nồi, nói lớn tiếng: “Lửa cháy “phả nồi, phả trã”, nước chưa cạn mà khê khét dưới đít nồi làm sao ăn? Con gái mà “thỏng thừa thưa thớt”, sau này gặp thằng chồng chê thì đừng có than!”. Chị tôi cười gượng rồi bỏ đi như không để ý gì!

Năm chị “phát gái” (dậy thì), da mặt bỗng dưng nổi lang ben, má vo gạo chắt nước cơm rồi lắng cặn, sau đó để trên trổ máng gần bếp củi phơi sương. Tối trước khi ngủ, má bảo chị thoa trên mặt, thời gian sau da mặt chị trắng hồng. Thời gian sau chị lấy chồng. Từ ngày chị sinh con đầu lòng, chồng chị sinh “tật” nghiện rượu, nhà nông cả ngày không làm chết cây cỏ mà vùi trong men rượu. Chị khuyên có lần bị chồng bạt tai. Chị về kể lại câu chuyện, hai má con ôm nhau khóc. Má khóc nhiều vì tủi thân cho phận con gái.

Thi thoảng vợ chồng chị về thăm má, lúc ngồi ăn bên mâm cơm, má kể, năm chị mười bốn tuổi, má bị bệnh nằm một chỗ, đi học về chị chui đầu vô bếp nấu cơm. Vo gạo bắc nồi cơm lên bếp, quẹt máy đèn nhá lửa nhưng tim đèn khô dầu không cháy, quẹt tiếp thì hết đá, thời “đá lửa tim đèn” mà, chị đến nhà hàng xóm xin lửa. Xóm nhà ở thưa thớt lại đóng cửa đi làm đồng, qua hết hàng tre rìa làng mới có nhà đang nhóm lửa. Xin được lửa về thì gạo ngâm nước lâu nên nấu thành… cơm nhão! Rồi chuyện năm chị mười sáu tuổi, có lần trong nhà hết gạo, má sai chị qua nhà cô Hai gần bên mượn hai lon, ra đến ngõ chị sơ ý vấp rễ gốc mít ngã nhào, gạo đổ ụp xuống đất.

Anh rể tôi lúc không có men rượu, người rất hiền từ, rộng lượng, động lòng trắc ẩn… Nghe má kể, anh để ý… “thấm thía” từng câu chuyện, mủi lòng trước hoàn cảnh tuổi thơ của chị. Từ đó về sau anh bỏ rượu, làm lụng siêng năng, bù đắp lại tháng ngày vất vả cho vợ. Làm ruộng rồi mở thêm đại lý bán phân bón, thời gian sau nhà anh chị trở nên giàu có trong vùng.

Tôi ra trường công tác xa, nhà còn lại mình má. Nhà bị ngập lụt nên má dời lên ở lưng chừng đồi. Một ngày má nấu cơm trưa ăn luôn đến chiều. Tuổi má càng cao, anh chị về mua cho má nồi cơm điện, bếp gas, lò nướng để tiện nấu nướng, bếp củi nguội lạnh. Nhưng rồi ăn cơm nấu nồi điện không ngon miệng, má chuyển sang nấu cơm lửa. Má lại bên hông nhà lợp tấm tôn làm bếp củi.

Nhà sân vườn rộng má trồng dừa, tàu dừa khô rơi xuống má chặt từng đoạn ngắn chụm lửa. Hàng cây bạch đàn, keo lá tràm trồng viền theo hàng rào xung quanh nhà, má nhờ người mé nhánh rồi chất đống để dành củi nấu nướng.

Mạnh Hoài Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275505/mui-khoi-bep.html