Mức xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự
* Bạn đọc Lâm Thiết Côn ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, hỏi: Mức xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Báo cáo không đầy đủ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân trong độ tuổi thực hiện NVQS từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; báo cáo không đầy đủ số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định;
b) Cố ý báo cáo không chính xác danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân trong độ tuổi thực hiện NVQS từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; báo cáo không chính xác số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi;
b) Không báo cáo số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận trở lại trường học; không tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành NVQS trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện việc báo cáo theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này;
b) Buộc tiếp nhận trở lại trường học; tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành NVQS trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 điều này.
* Bạn đọc Tẩn A Toán ở xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 231 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:
1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 6 tháng kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 1 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.