Mức vay dành cho học sinh, sinh viên thấp, không phù hợp thực tế?

Vấn đề này được Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) và Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đặt ra trong phiên chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng ngày 17/11.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đặt câu hỏi: Trong thời gian qua chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức to lớn, giúp cho hàng triệu sinh viên có điều kiện để vay vốn tham gia học tập được cử tri và nhân dân hết sức đồng tình ghi nhận.

Tuy nhiên, mức vay tối đa cho học sinh hiện 1,5 triệu đồng/tháng là tương đối thấp, chưa phù hợp với mức sống và giá cả hiện nay. Nhiều ý kiến cử tri cho rằng mức vay như vậy là chưa phù hợp và tiếp tục đề nghị nâng mức này lên ở mức 2 triệu đồng/tháng. Có thể thực hiệnnâng mức vay lên được hay không?

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) thì đặt câu hỏi ở một khía cạnh khác: Nhiều học sinh, sinh viên mới ra trường, chưa tìm được việc làm chính thức hoặc phải đi làm nhiều ngành nghề khác nhau, thu nhập ban đầu thấp nên chưa có đủ nguồn tích lũy để trả ngân hàng, do đó lại tạo thành một khoản nợ cho ngân hàng.

Đề nghị Thống đốc cho biết phương án tiếp tục thực hiện chủ trương này trong thời gian tới để có thể nâng cao hạn mức cho vay cho học sinh, sinh viên, đồng thời tiếp tục mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng mà vẫn tạo thuận lợi cho Ngân hàng chính sách xã hội?

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thời gian vay vốn và trả nợ tương đối dài để học sinh, sinh viên khắc phục được khó khăn. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Minh Hưng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên, hiện nay có khoảng 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, với tổng dư nợ khoảng 15.600 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 10% tổng dư nợ của các khoản tín dụng chính sách. Doanh số cho vay từ trước đến nay đạt gần 60.000 tỷ.

Về đề xuất nâng mức cho vay, mức cho vay đối với học sinh, sinh viên kể từ khi thực hiện từ năm 2007 đến nay đã có 7 lần điều chỉnh tăng mức cho vay.

Thời gian gần đây nhất là 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức cho vay học sinh, sinh viên lên mức 1,5 triệu đồng/tháng.

“Như ý đại biểu Hiền nói, mức cho vay này chưa đáp ứng được đủ các nhu cầu về sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên, chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu, xin ghi nhận.

Tuy nhiên, trong điều kiện của ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí những nguồn ngân sách nhất định cũng là quy mô khá lớn để cho học sinh, sinh viên vay thì đây là cố gắng lớn của Chính phủ và bộ, ngành.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ xem xét việc nâng mức cho học sinh, sinh viên vay lên mức cao hơn, tùy theo điều kiện của ngân sách nhà nước”, ông Hưng cho biết.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nà nước, người vay là học sinh, sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu trước khi có việc làm, có thu nhập (nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học).

Như vậy, học sinh, sinh viên đã được ân hạn 1 năm kể từ khi kết thúc khóa học thì mới bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi tiền vay, thời hạn trả nợ bằng thời hạn phát tiền vay.

Có nghĩa là học sinh, sinh viên nhận tiền vay 4 năm thì thời hạn trả nợ là 4 năm và tổng thời hạn cho vay là 9 năm vì tính thêm 1 năm ân hạn.

Khi đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng nếu học sinh, sinh viên gặp khó khăn khách quan mà chưa trả được nợ thì được xem xét cho gia hạn nợ và thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời gian trả nợ.

Do đó, một học sinh, sinh viên học đại học 4 năm thì khi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội thì thời hạn trả nợ nếu tính cả thời hạn được cho gia hạn thì tối đa là 7 năm.

“Theo chúng tôi cũng là một thời gian tương đối dài cho học sinh, sinh viên khắc phục và vượt qua những khó khăn”, ông Hưng nhận định.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/muc-vay-danh-cho-hoc-sinh-sinh-vien-thap-khong-phu-hop-thuc-te-post181462.gd