Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng gấp đôi trong năm 2021

Mặc cho những lời kêu gọi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, một số quốc gia vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng công thức chuyển dịch sang năng lượng tái tạo nhanh hơn, với khả năng đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu.

Theo nghiên cứu được công bố hôm 29/8 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tần suất sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đã tăng đáng kể vào năm 2021.

Số liệu cho thấy, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, 51 quốc gia trên thế giới đã đầu tư khoảng 697,2 tỷ USD vào năm 2021 vào khâu sản xuất và tiêu thụ các tài nguyên than, dầu và khí tự nhiên. Các khoảng đầu tư này thể hiện chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ.

Con số này cao gần gấp đôi số tiền đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ trong năm 2020 (362,4 tỷ USD). Dữ liệu này phản ánh khó khăn của Mỹ trong việc tôn trọng các cam kết về khí hậu. Đồng thời, Mỹ cũng muốn áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước vấn đề giá năng lượng cao.

Theo kết luận của một số nghiên cứu, nhìn chung, định hướng tập trung vào chiến lược này là “không hiệu quả”. Đồng thời, đây cũng là một trở ngại cho việc đạt được các mục tiêu khí hậu vốn đòi hỏi những hành động ngày càng cấp bách, cụ thể và táo bạo.

Theo giám đốc điều hành IEA Fatih Birol: “Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đang gây trở ngại cho một tương lai định hướng bền vững hơn. Nhưng các chính phủ đang gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp vì giá nhiên liệu đang tăng cao và có nhiều biến động”.

Đối mặt với tình hình này, các chính phủ chọn hưởng ứng lối tiếp cận của IEA: Thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ và cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp ở quy mô lớn. Đây là cách duy nhất để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong dài hạn.

Mặt khác, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann đã vạch ra thêm một giải pháp mới. Ông gợi ý: “Chúng ta phải áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khỏi những tác động cực đoan từ việc thay đổi tình hình thị trường và địa chính trị. Các biện pháp này phải giúp chúng ta giữ vững định hướng trung hòa carbon, bảo đảo nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận”.

Quyết định hỗ trợ năng lượng bị chỉ trích vì đã tạo ra tác động ngược lại với kết quả mong đợi. Mục đích ban đầu là giúp đỡ các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhưng rốt cuộc, xu hướng lại ưu tiên các hộ gia đình có thu nhập cao hơn.

Để khắc phục tình trạng này, báo cáo đề xuất các quốc gia cải cách hệ thống hỗ trợ năng lượng, dựa vào nền tảng các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cụ thể hơn. Loạt cải cách này cũng phải xét đến thực tế là cơ chế hỗ trợ năng lượng vẫn sẽ được duy trì trong ngắn hạn.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/muc-tieu-thu-nhien-lieu-hoa-thach-tang-gap-doi-trong-nam-2021-664450.html