Mục tiêu 'thịnh vượng chung' của ông Tập khiến giới đầu tư lo luật chơi thay đổi

Sau khi hàm ý của khẩu hiệu 'thịnh vượng chung' mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra được làm sáng tỏ trong bài viết đăng trên tạp chí của Đảng Cộng sản nước này, giới đầu tư Phố Wall đang nhận ra rằng quốc gia đông dân nhất thế giới có thể sẽ đi theo con đường hoàn toàn khác trước đây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Giảm bất bình đẳng giàu nghèo và mở rộng tầng lớp trung lưu sẽ là trụ cột chính trong kỷ nguyên mới. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo nước này đặt ra mốc thời gian cho kế hoạch “Tiến bộ đáng kể và ấn tượng” để đạt được thịnh vượng chung vào năm 2035.

“Luật chơi đã thay đổi”, Leland Miller, CEO của China Beige Book, hãng chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư vào Trung Quốc, nhận định.

Taylor Loeb, một nhà phân tích tại Trivium China, một hãng phân tích chuyên mảng thị trường tài chính Trung Quốc, cho rằng những thay đổi đó không phải tức thì mà là mục tiêu của một chặng đường dài. “Đây là một quá trình rất dài chứ không phải một vụ nổ lớn”, ông Loeb nói.

Khái niệm “thịnh vượng chung” được cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1950, sau đó được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sử dụng khi thể chế hóa việc cải cách lĩnh vực kinh tế tư nhân vào những năm 1980 để tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển ngoạn mục của Trung Quốc trong những thập kỷ sau này.

Các trụ cột của mục tiêu thịnh vượng chung được tạp chí Qiushi của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu ra trong bài đăng tuần trước, trong đó nói chi tiết về bài phát biểu của ông Tập hồi tháng 8. Khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng bất bình đẳng thu nhập, kêu gọi sự phân phối “hình quả ô-liu” đối với tài sản và đặt mục tiêu đạt được “thịnh vượng chung cho tất cả mọi người” vào giữa thế kỷ 21.

“Ở một số nước, khoảng cách thu nhập lớn và sự suy giảm của tầng lớp trung lưu đã làm trầm trọng hơn những chia rẽ xã hội, phân cực chính trị và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, trở thành bài học lớn cho thế giới”, ông Tập nói.

Dù không có số liệu cụ thể nào được dẫn ra để định nghĩa sự thịnh vượng chung, nhưng kế hoạch của ông Tập sẽ tập trung hỗ trợ nhóm người thu nhập thấp trong xã hội Trung Quốc bằng những chương trình xã hội, trợ giá nhà ở, cùng những chính sách hạn chế “tài sản không công bằng” của những người giàu.

Mục tiêu đó sẽ đi cùng kế hoạch đánh thuế bất động sản trên cả nước – ý tưởng hiện đã vấp phải phản đối – cùng với xử lý tình trạng gian lận và trốn thuế. Ông Tập cũng kêu gọi đẩy mạnh các chương trình phúc lợi và nhân đạo xã hội, tạo động lực để các doanh nghiệp trả lại của cải cho xã hội.

Mục tiêu thịnh vượng chung được ông Tập đề cập trong bài phát biểu hồi tháng 8, sau đó là một chiến dịch truy quét kéo dài cả tháng trời để chấn chỉnh hàng loạt công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ trong các lĩnh vực video game, các hoạt động giảng dạy ngoài chương trình như dạy thêm…

Các nhà đầu tư vào những tập đoàn như Alibaba, Didi, hay New Oriental Education & Technology cho biết giá cố phiếu của họ đã lao dốc, gây thiệt hại hàng tỷ USD vì những quyết định của Bắc Kinh.

Cơ hội mới

Scott Kennedy, chuyên gia công tác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington (Mỹ), nói rằng việc tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn ở Trung Quốc đang theo xu hướng đi xuống, và các doanh nghiệp tư nhân sẽ ít được khuyến khích hơn để đầu tư vào Trung Quốc khi vai trò của nhà nước đối với thị trường tăng lên.

“Điều đó có thể kết thúc bằng nghèo khó chung thay vì thịnh vượng chung nếu nhà nước đi quá xa”, ông Kennedy nói.

Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Năm nay, BlackRock trở thành công ty nước ngoài đầu tiên vận hành một quỹ tương hỗ sở hữu nước ngoài hoàn toàn đầu tiên ở Trung Quốc. Hãng khuyến khích các nhà đầu tư tăng vốn vào thị trường này ít nhất gấp 3 lần.

Những công ty như BlackRock với hiện diện đáng kể ở Trung Quốc có thể không nản lòng trước mục tiêu thịnh vượng chung của ông Tập, nhưng ông Miller cho rằng ngày mà các công ty tìm đến Trung Quốc bằng mọi giá có thể sắp qua.

Khái niệm “thịnh vượng chung” được cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1950, sau đó được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sử dụng khi thể chế hóa việc cải cách lĩnh vực kinh tế tư nhân vào những năm 1980 để tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển ngoạn mục của Trung Quốc trong những thập kỷ sau này.

Khi đó, ông Đặng nói rằng cần để một số người và một số khu vực của đất nước giàu lên trước nhằm kích thích tăng trưởng, tạo ra phương tiện đạt được thịnh vượng chung. Tuy nhiên, 4 thập kỷ sau đó, sự tăng trưởng rất nhanh dẫn đến khoảng cách thu nhập và chênh lệnh đô thị - nông thôn quá lớn.

Ông Tập nói rằng mục tiêu đặt ra sẽ là đạt được tiến bộ vững chắc trong phân phối các dịch vụ công như y tế và giáo dục vào năm 2035, và những khu vực nông thôn nghèo khó hơn sẽ cần tiến bộ nhiều nhất.

Ông Loeb cho rằng đó sẽ không phải dấu chấm hết cho cơ hội làm ăn ở Trung Quốc, nhưng sẽ là sự dịch chuyển sang những cơ hội khác.

“Sẽ có những thứ tập trung vào nông thôn và hồi sinh”, ông nói. Chuyên gia này cho rằng những công ty công nghệ nông nghiệp của phương Tây có thể hưởng lợi từ các chính sách thịnh vượng chung của Trung Quốc.

Mục tiêu thịnh vượng chung được ông Tập Cận Bình đề cập trong bài phát biểu hồi tháng 8/2021, sau đó là một chiến dịch truy quét kéo dài cả tháng trời để chấn chỉnh hàng loạt công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ trong các lĩnh vực video game, các hoạt động giảng dạy ngoài chương trình như dạy thêm…

Bình Giang

Theo NK

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/muc-tieu-thinh-vuong-chung-cua-ong-tap-khien-gioi-dau-tu-lo-luat-choi-thay-doi-post1387124.tpo