Mục tiêu 'Thành phố không đốt rơm rạ' của Hà Nội chưa thành hiện thực

Mục tiêu đặt ra của Hà Nội là đến năm 2020 trở thành 'Thành phố không đốt rơm rạ' chưa thành hiện thực khi khói rơm rạ vẫn 'bủa vây' đường làng lẫn quốc lộ.

Người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Tuy vậy, tình trạng này vẫn liên tục tái diễn sau mỗi mùa gặt do người dân còn tùy tiện, chưa có ý thức, đặc biệt là do chưa có chế tài xử phạt nặng.

Như vậy, mục tiêu đặt ra của Hà Nội là đến năm 2020 trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ” chưa thành hiện thực khi khói rơm rạ vẫn “bủa vây” đường làng lẫn quốc lộ.

Theo báo cáo của các quận, huyện và thị xã, mỗi năm tại thành phố Hà Nội phát sinh một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp.

Trong đó, lượng rơm rạ phát sinh là 642 nghìn tấn (chiếm 59%), số lượng đốt bỏ khoảng 296 nghìn tấn (chiếm 36%).

Tình trạng này phổ biến tại các huyện Phúc Thọ, Thanh Trì, Đông Anh..., khi người dân thu hoạch lúa xong thì đốt rơm tại chỗ để làm mùn bón ruộng. Tương tự, tại địa bàn huyện Sóc Sơn, nhất là các xã gần khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, như Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình... cũng diễn ra tình trạng đốt rơm tại ruộng hoặc ven đường nội đồng.

Khói bụi từ việc đốt rơm rạ này không những gây ô nhiễm môi trường không khí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống dân sinh của người dân.

Từ ngày 11 đến 30/6, các đoàn công tác liên ngành của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc đốt rơm rạ tại các địa phương để nắm rõ tình hình xử lý sau thu hoạch, nhằm có những đánh giá, giải pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hạn chế đốt rơm rạ, cải thiện chất lượng không khí của thành phố.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để giải quyết triệt để tồn tại này, sở vừa có Tờ trình số 4836/TTr - STNMT-CCBVMT gửi UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành chỉ thị cấm đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tham mưu UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm chấm dứt hoàn toàn các hoạt động đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng tại địa phương.

Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường; tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, đến ngày 30/8/2020, UBND các quận, huyện, thị xã phải tổ chức tuyên truyền, thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt theo các quy định hiện hành; đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng.

Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng, trước ngày 31/12/2020.

Từ ngày 1/1/2021 toàn bộ lượng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh sẽ được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn việc đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng theo cách thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Trồng trọt, các nghị định, thông tư, quy định trong lĩnh vực có liên quan để xử phạt vi phạm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt. Các sở, ban, ngành, địa phương cần nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán chất phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và phụ phẩm cây trồng nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải sinh hoạt diễn ra trên địa bàn quản lý./.

Lê Hồng - Minh Nghĩa (TTXVN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/muc-tieu-thanh-pho-khong-dot-rom-ra-cua-ha-noi-chua-thanh-hien-thuc/161619.html