Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 là hợp lý

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở phân tích cân đối hoạt động tín dụng năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 khoảng 12%. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là con số tương đối hợp lý.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ NHNN 2021 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ NHNN 2021 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng năm 2020 mặc dù không đạt như kỳ vọng đầu năm, nhưng kết quả đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ở thời điểm 6 tháng đầu năm, thị trường quá khó khăn, tín dụng đã bị chậm lại, có thời điểm gần như "tắc nghẽn".

Ông Tú cũng cho rằng, với việc vào cuộc kịp thời và quyết liệt bằng việc ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN về chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng nhiều chính sách linh hoạt khác đã giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế ổn định, phục hồi nhanh.

Theo đó, trong năm 2020, NHNN vẫn kiên định vừa không hạ chuẩn tín dụng vừa đẩy mạnh cho vay tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó việc thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng thực hiện đạt kết quả tích cực. Mặc dù đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 2,07% nhưng vẫn kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Về điều hành lãi suất, tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5% - 2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6% - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm 50% so với 7 năm trước. Việt Nam hiện đang là nước có mặt bằng lãi suất thấp và giảm nhanh nhất so với các nước trong khu vực ASEAN. Việc điều hành tỷ giá, NHNN thực hiện linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Định hướng năm 2021, ông Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn cho phục hồi và tăng trưởng, NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng khi cần thiết phải kiểm soát tín dụng để đảm bảo tỷ lệ lạm phát hài hòa chung.

Đáng lưu ý, ngành Ngân hàng sẽ xây dựng và trình Chính phủ Đề án tổng thể cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại của tổ chức mình để sớm triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, trong năm 2021, ngành Ngân hàng sẽ coi trọng tập trung cho lĩnh vực công nghệ số, cung ứng dịch vụ thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt, coi đây là 1 trong những lĩnh vực trọng tâm.

“NHNN sẽ cùng các bộ, ngành sớm tạo hành lang pháp lý, cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng kịp thời sự phát triển nhanh của một số lĩnh vực công nghệ, ngân hàng... Các tổ chức tín dụng cần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng với sự phát triển công nghệ 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán” – ông Tú nhấn mạnh./.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-01-08/muc-tieu-tang-truong-tin-dung-12-trong-nam-2021-la-hop-ly-98049.aspx