Mục tiêu số 1 của xây dựng chính sách là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Tại Hội thảo tham vấn sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ tổ chức ngày 30/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành khẳng định, mục tiêu số 1 của xây dựng chính sách là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đợt sửa đổi này dựa trên nền tảng cơ bản là các Luật quan trọng như: Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế XK, thuế NK. Trên nền tảng hệ thống luật hiện hành để tạo ra môi trường pháp lý cụ thể hướng tới tạo thuận lợi cho DN.

Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, việc sửa đổi chính sách lần này cũng nhằm xử lý những vấn đề vướng mắc đã bộc lộ không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay hoặc chồng chéo với các quy định mới được ban hành như: quy định về khai và nộp hồ sơ hải quan, quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan, quản lý doanh nghiệp ưu tiên, công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan, các quy định liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành…

Hải quan sẽ rà soát những chính sách không mang lại thuận lợi cho DN thì tháo gỡ, để tạo nền tảng cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Hải quan sẽ rà soát những chính sách không mang lại thuận lợi cho DN thì tháo gỡ, để tạo nền tảng cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu quan trọng của đợt sửa chính sách lần này là thống nhất các nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Sửa đổi và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định để phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, như: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc, Hợp đồng Đăng cai tổ chức giải đua xe F1 giữa Công ty Formula One World Championship Limited và UBND TP Hà Nội.

Củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, thẩm quyền xử lý, thực thi công vụ của cơ quan hải quan trong các hoạt động kiểm tra sau thông quan và điều tra chống buôn lậu; nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Đồng thời, việc sửa đổi Nghị định cũng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định lần này liên quan đến các nhóm vấn đề: thủ tục hải quan; Cơ chế một cửa quốc gia; công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan; nhóm vấn đề về quản lý doanh nghiệp ưu tiên; công tác quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh; thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất khác; thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất nhập cảnh; kiểm tra sau thông quan; công tác chống buôn lậu; quản lý kho ngoại quan; thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh; quản lý phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.

Tại hội thảo, đại diện Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP được xem là những văn bản pháp luật quan trọng nhất về thủ tục hải quan cho cả hải quan và DN. Sau nhiều năm thi hành việc sửa đổi, bổ sung cho thấy bước đi tốt của hải quan trong việc xử lý những vấn đề vướng mắc của chính sách và giải quyết những vấn đề có thể phát sinh trong tương lại. Những ý kiến của DN tại hội thảo hôm nay sẽ rất quan trọng để cơ quan Hải quan hoàn thiện dự thảo Nghị định để góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Theo đại diện của Dự án, tại báo cáo môi trường kinh doanh vẫn xếp Việt Nam ở mức 70, giảm 1 bậc. Do vậy các thủ tục hải quan cần cải thiện để đóng góp cho mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc xếp hạng chung (theo công bố kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2020 – DB2020 của Ngân hàng thế giới công bố tháng 10/2019) đặt ra yêu cầu cần phải triển khai các giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN, cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành để góp phần cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số chung về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ tại các Nghị quyết 02/NQ-CP.

Trước những ý kiến đóng góp của các ban, ngành, DN, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát những chính sách không mang lại thuận lợi cho DN thì tháo gỡ, để tạo nền tảng cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự phải được áp dụng để giảm gánh nặng cho DN, những thông tin gì DN đã khai báo rồi thì phải cắt giảm, cơ quan quản lý phải chủ động kết nối thông tin để thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Đặc biệt, chính sách không phải lúc nào cũng sửa được nên, đây là dịp để DN nói lên hết những ý kiến của mình về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan cũng như những vấn đề liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa. Hải quan luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu những đóng góp ý kiến quan trọng vào từng quy định để góp phần xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Phan Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/muc-tieu-so-1-cua-xay-dung-chinh-sach-la-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-621796/