Mục tiêu 'Quốc gia phát triển'

Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên công bố tầm nhìn quốc gia 2030, 2045, vậy phải làm gì để đạt được mục tiêu trong tầm nhìn ấy?

Một quốc gia phát triển trong chiến lược phát triển Việt Nam với tầm nhìn tới năm 2045 là mục tiêu Việt Nam phải hướng đến.

Tại tọa đàm Khởi động báo cáo đánh giá đa chiều, góp phần tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tổ chức, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về sự phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hai cách tiếp cận: Hướng đến một nước có nền công nghiệp phát triển hoặc mục tiêu hướng đến là một nước phát triển.

Trong phát triển toàn diện, Việt Nam cần phải quan tâm đến mục tiêu phát triển con người. Ảnh: Q.AN

Trong phát triển toàn diện, Việt Nam cần phải quan tâm đến mục tiêu phát triển con người. Ảnh: Q.AN

Mục tiêu phát triển con người

Ở đây có 2 vấn đề cần phải hiểu cho đúng.

Thứ nhất, khi chúng ta nói đến một quốc gia phát triển thì đi kèm đó có nhiều vấn đề liên quan phải được xếp vào tiêu chí quốc gia phát triển. Ví dụ, khi nói đến quốc gia phát triển, việc đầu tiên được nhắc đến là thu nhập bình quân đầu người phải ở mốc cao hơn hiện tại rất nhiều. Đồng thời, các mức độ phát triển khác cũng phải rất cao.

Thứ hai, một quốc gia phát triển phải có nền công nghiệp phát triển, đi kèm đó là đời sống văn hóa, xã hội phải phát triển tương xứng.

Lâu nay chúng ta hay nói đến nền công nghiệp phát triển mà ít khi nhắc đến quốc gia phát triển. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập đến “Chiến lược phát triển của Việt Nam tầm nhìn tới năm 2045 sẽ xác định hướng đi của Việt Nam là một nước công nghiệp phát triển, hay trở thành một quốc gia phát triển với các tiêu chí cụ thể” có thể hiểu nếu như Việt Nam xác định là một quốc gia phát triển thì chiến lược phải khác. Khi đó, Việt Nam phải phát triển toàn diện, đầy đủ các điều kiện để được công nhận là một quốc gia phát triển.

Thực tế, một nước phát triển bao hàm tất cả các nhân tố phát triển. Trong đó, phải có nền công nghiệp phát triển, đồng thời phát triển cả nông nghiệp và các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật khác. Đặc biệt, trong phát triển toàn diện, Việt Nam cần phải quan tâm đến mục tiêu phát triển con người.

Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết Việt Nam cần phải có một nền công nghiệp phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao, có cơ cở hạ tầng tốt, có nền tảng của một quốc gia phát triển. Đây là mục tiêu gần nhất mà Việt Nam phải hướng đến.

Người dân phải được thụ hưởng

Việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ luôn có quan điểm nhất quán rằng sự nghiệp đổi mới của Việt Nam sẽ không bao giờ đạt được thành công nếu không có sự đồng tình hưởng ứng và tham gia của đông đảo người dân và bản thân sự nghiệp đổi mới cũng không có ý nghĩa nếu như những thành quả của đổi mới không đến được với mọi tầng lớp nhân dân. Quả thực, từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển luôn hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, tất cả mọi người dân đều được hưởng thành quả từ công cuộc đổi mới và kiến tạo đất nước, chứ không chỉ ưu ái cho một tầng lớp nào đó trong xã hội được thụ hưởng.

Sự nghiệp đổi mới thấm sâu vào đời sống các tầng lớp dân cư, mọi người dân đều được hưởng lợi ích từ việc phát triển và đổi mới đất nước, là mục tiêu nhất quán từ trước đến nay của Đảng và Chính phủ. Phó Thủ tướng nêu ra để chúng ta quyết tâm hơn, và phải hiểu phát triển đất nước là sự nghiệp của toàn dân cũng như doanh nghiệp. Và lợi ích cũng phải chia đều cho mọi thành phần trong xã hội.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế

Bạn đang đọc bài viết [DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045]: Mục tiêu “Quốc gia phát triển” tại chuyên mục Thời sự của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dien-dan-tam-nhin-viet-nam-2045-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-145811.html