Mục tiêu niêm yết, chuyển sàn: Các ngân hàng sẽ về đích?

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào cuối năm hoặc 'di cư' sang sàn giao dịch khác. Tuy nhiên, với mệnh đề 'nếu thị trường thuận lợi' thì những kế hoạch này có về đích hay không vẫn chưa thể chắc chắn.

Các ngân hàng đều quyết tâm thực hiện mục tiêu kinh doanh đã đặt ra. Ảnh: ST

Các ngân hàng đều quyết tâm thực hiện mục tiêu kinh doanh đã đặt ra. Ảnh: ST

Vài lần “lỡ hẹn”

Tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa là đến hạn cuối của các ngân hàng. Vì thế, ĐHĐCĐ năm nay của các ngân hàng đã cho thấy quyết tâm niêm yết rất cao.

ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đã thông qua phương án niêm yết cổ phiếu sàn HoSE chậm nhất đến ngày 31/12/2020.

Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ban lãnh đạo các ngân hàng này cũng đã cho biết dự kiến sẽ lên kế hoạch niêm yết trên HoSE trong năm nay. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, OCB đã lên phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm gần 1.185 tỷ đồng, trong đó đã phê duyệt phát hành gần 868,7 tỷ đồng cho Ngân hàng Aozora (Nhật Bản).

Nhưng thực tế cho thấy điều này vẫn chưa thể chắc chắn bởi không ít ngân hàng đã nhiều lần “lỡ hẹn”. Tiêu biểu nhất là OCB, kế hoạch lên sàn của ngân hàng này đã được rục rịch từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở “lời hứa” sẽ niêm yết.

SeABank cũng đã không dưới 3 lần “lỡ hẹn”, hay NamABank cũng tương tự với nguyên nhân là do nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến tiến độ niêm yết. Nhưng hiện tại, NamABank đã thực hiện gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của NamABank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết chứng khoán.

Thậm chí, năm nay, có ngân hàng đã thực sự “lỡ hẹn”. Hồi giữa tháng 5, HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đã trình cổ đông thông qua việc rút lại hồ sơ niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu MSB lên HoSE. Nguyên nhân được đưa ra là dịch Covid-19 đã khiến chứng khoán toàn cầu ghi nhận những phiên giảm điểm kỷ lục. Điều này dẫn đến việc niêm yết thời điểm này có thể dẫn đến giá khởi điểm cho cổ phiếu MSB khi giao dịch sẽ bị định giá ở mức thấp hơn giá trị nội tại và không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, gây tổn thất cho cổ đông. Do đó, MSB sẽ tạm hoãn lại các hoạt động xúc tiến, rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần 1 trên HoSE cho đến khi các diễn biến thị trường chứng khoán và nền kinh tế thuận lợi hơn.

Hay mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã tạm dừng lộ trình lưu ký và niêm yết để đợi hoàn thành thủ tục pháp lý về trụ sở mới. Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng chưa đưa ra thời điểm cụ thể cho việc niêm yết trở lại. Trước đó, năm 2019, các cổ đông ABBank đã rất kỳ vọng về việc ngân hàng sẽ sớm niêm yết trên sàn HoSE trong năm 2019 để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Chưa kể việc chuyển địa điểm trụ sở chính ra Hà Nội của ABBank cũng đã được đồng ý từ năm 2019, nhưng việc niêm yết vẫn chưa thể như kỳ vọng.

Chuyển sàn để tăng hình ảnh

“Không hẹn mà gặp”, năm nay, nhiều ngân hàng lại lên kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HoSE. Vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết chuyển cổ phiếu từ thị trường UPCoM sang niêm yết trên HoSE vào tháng 11/2020. Đây là thông tin đáng chú ý bởi cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá khá cao, nên việc chuyển sàn đã được VIB đề cập từ năm 2019, nhưng vì nhiều nguyên nhân đến nay chưa thực hiện được.

Tương tự, ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đã thông qua kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết tại sàn HoSE trong năm 2020.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, việc niêm yết nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Năm nay, LienVietPostBank có kế hoạch tăng vốn lên 10.746 tỷ đồng, thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Đồng thời, LienVietPostBank sẽ nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ 5% lên 10%.

Cũng để nâng cao hình ảnh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng muốn xin chuyển sang sàn HoSE. Nguyên nhân là SHB muốn đẩy mạnh hình ảnh tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cũng như thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam.

Còn theo lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nếu chuyển sang sàn HoSE, cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… từ đó có thể tăng giá trị thị trường. ACB cho rằng việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông hơn nữa chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/muc-tieu-niem-yet-chuyen-san-cac-ngan-hang-se-ve-dich-130031.html