Mục tiêu mồi nhử ADM-160B Mỹ viện trợ cho Ukraine lợi hại thế nào?

Mỹ vừa viện trợ cho Ukraine mục tiêu 'mồi nhử' trên không ADM-160B MALD, nhằm đánh lừa các hệ thống phòng không của Nga để tăng khả năng đột phá qua các hệ thống phòng không của Nga.

Mỹ viện trợ mục tiêu giả cho Ukraine để đánh lừa phòng không Nga

Theo tờ The Drive, việc chuyển giao tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow từ Anh đã chính thức được công bố. Và ngay sau đó Mỹ cũng đã viện trợ mục tiêu giả trên không ADM-160B MALD để sử dụng cùng với nhau; nhằm tăng khả năng đột phá qua hệ thống phòng không của Nga.

Vào ngày 12/5, tên lửa hành trình Storm Shadow lần đầu tiên đã được Ukraine sử dụng lần đầu tiên ở Luhansk.

Tên lửa Storm Shadow đã đánh mục tiêu, nhưng chiếc tiêm kích bom Su-24 phóng quả tên lửa này đã bị chiến đấu cơ Su-35 của Nga làm nhiệm vụ tuần tra phát hiện và tiêu diệt ngay sau khi phóng tên lửa.

 Máy bay chiến đấu Su-24 và tên lửa Storm Shadow của Ukraine. Nguồn Bulgarianmilitary

Máy bay chiến đấu Su-24 và tên lửa Storm Shadow của Ukraine. Nguồn Bulgarianmilitary

Tạp chí Topwar của Nga cho biết, các mảnh vỡ của một loại vũ khí khác được Ukraine sử dụng, bị lực lượng phòng không Nga bắn rơi, cũng được sử dụng trong cuộc tấn công, đã được tìm thấy ở Lugansk; đó chính là tên lửa mồi nhử trên không (MALD) ADM-160B do Mỹ viện trợ.

Với việc sử dụng mồi nhử ADM-160B, sẽ làm tăng sự quá tải cho hệ thống phòng không của Nga; giúp tên lửa chiến đấu thật đánh trúng mục tiêu.

Tên lửa mồi nhử chuyên dụng đã có trong biên chế lực lượng không quân Mỹ trong vài thập kỷ qua và được sử dụng trong các hoạt động khác nhau.

Mẫu mồi nhử nhỏ phóng từ trên không (MALD), được Không quân Mỹ khởi xướng vào năm 2002, với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Mỹ.

Vào tháng 5/2003, công ty Raytheon đã được Lầu Năm góc lựa chọn để phát triển MALD với mã hiệu ZADM-160B. Việc thiết kế mục tiêu mồi nhử được hoàn thành vào năm 2005-2006 và các thử nghiệm khác nhau bắt đầu.

Vào giữa năm 2008, Raytheon đã nhận được hợp đồng triển khai sản xuất hàng loạt của Bộ Quốc phòng Mỹ với 300 tên lửa. Năm 2011 mồi nhử của các lô này đã vượt qua các thử nghiệm bổ sung và một số cải tiến được đưa ra. Đến năm 2014, Raytheon đã thông báo chuyển giao sản phẩm ADM-160B thứ một nghìn cho khách hàng.

Ngay sau đó, một nâng cấp mới của ADM-160 có đuôi là ADM-160J, được phân biệt bằng việc lắp thêm một trạm gây nhiễu nhỏ vào trong mồi nhử.

Trong những năm gần đây, Raytheon đã chuẩn bị cho việc sản xuất phiên bản nâng cấp tiếp theo là ADM-160X với nhiều cải tiến lớn.

Một mảnh vỡ của tên lửa mồi nhử ADM-160B bị phòng không Nga bắn rơi tại Luhansk, ngày 12/5.2023. Nguồn Telegram / Poddubny

ADM-160 MALD lợi hại như thế nào?

Mồi nhử ADM-160 MALD là một tên lửa hành trình phóng từ trên không; nó khác với tên lửa hành trình chiến đấu là không có thuốc nổ, mà thay vào đó là một thiết bị gây nhiễu chủ động hoặc thụ động; tùy thuộc vào phiên bản và sự chế áp phòng không đối phương.

Loại vũ khí này có tiết diện hình vuông, dài 2,85 m; khi phóng ra khỏi máy bay, hai cánh với chiều rộng 1,7 m được xòe ra để nâng tên lửa; trọng lượng phóng xấp xỉ 110 kg. Phần đầu của tên lửa chứa mô-đun gây nhiễu; phía sau là động cơ phản lực và thùng nhiên liệu.

Mồi nhử ADM-160 được trang bị động cơ phản lực Sundstrand TJ-150, cho tốc độ tối đa lên tới 0,91 M (tương đương với các loại tên lửa hành trình phóng từ máy bay). Trần bay tối đa là hơn 12 km, tầm bay tối đa 920 km, thời gian bay dài nhất 45 phút.

Khoang trung tâm của của tên lửa mồi nhử ADM-160B bị phòng không Nga bắn rơi tại Luhansk, ngày 12/5.2023. Nguồn RIA Novosti

ADM-160B có chế độ lái tự động theo chương trình bay được thiết lập sẵn; sử dụng dẫn đường vệ tinh đi theo một lộ trình nhất định. Tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, chuyến bay có thể diễn ra theo đường thẳng hoặc cơ động hoặc bay “lảng vảng” trong một khu vực nhất định.

Phiên bản cơ bản của ADM-160B mang một bộ phản xạ radar thụ động kiểu mô-đun, sẽ mô phỏng các loại vũ khí và mục tiêu trên không khác nhau của Mỹ và NATO. Ở phiên bản ADM-160J, một trạm gây nhiễu cỡ nhỏ được lắp đặt thêm; nó không chỉ can thiệp vào radar của đối phương, mà còn có khả năng chế áp.

Theo thông tin được The Drive đăng tải, mồi nhử ADM-160B tương thích với nhiều loại máy bay chiến đấu của không chiến thuật và chiến lược Mỹ và được treo trên giá đỡ tiêu chuẩn. Trong chiến đấu, một (hoặc nhiều mồi nhử) phải được phóng cùng lúc (hoặc cách quãng) với tên lửa chiến đấu.

Các mục tiêu mồi nhử sẽ bay cùng với các loại tên lửa hành trình để thu hút sự theo dõi của hệ thống phòng không đối phương hoặc gây nhiễu, tạo điều kiện cho tên lửa chiến đấu đánh trúng mục tiêu mà không bị ngăn chặn.

Hiện nay MALD ADM-160 cùng với tên lửa hành trình Storm Shadow, đã được lắp đặt trên các máy bay chiến đấu kiểu Liên Xô của Ukraine như Su-24 hoặc Su-27,

Tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD. Nguồn Raytheon

Nga đối phó với MALD ADM-160 và Storm Shadow thế nào?

Sự xuất hiện của các tên lửa hành trình mới của Mỹ và NATO cho Ukraine, đòi hỏi lực lượng phòng không Nga phải có những biện pháp đối phó thích hợp. Cách đây vài ngày, lần đầu tiên lực lượng phòng không của Nga phải đối đầu với Storm Shadow và ADM-120B.

Đúng như tính toán, hệ thống phòng không của Nga đã phát hiện và bắn hạ mồi nhử ADM-120B, trong khi tên lửa Storm Shadow đã lao thẳng tới mục tiêu. Điều này cho thấy rằng, nếu được sử dụng đúng cách và bất ngờ, thì tổ hợp tấn công như vậy có khả năng giải quyết các nhiệm vụ.

Tuy nhiên, niềm vui của phía Ukraine không kéo dài được lâu. Ngay sau khi phóng Storm Shadow, chiếc tiêm kích bom Su-24 và chiếc MiG-29 đi cùng làm nhiệm vụ bảo vệ đã bị Su-35 của Nga bắn hạ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga đã báo cáo về việc đánh chặn thành công tên lửa hành trình Storm Shadow. Một số kinh nghiệm có thể được rút ra từ tình huống này.

ADM-160B trên máy bay ném bom chiến lược B-52H. Nguồn Raytheon

Trong xung đột hiện đại, yếu tố bất ngờ chỉ cho hiệu quả một vài lần. Ngày 12/5, Không quân Ukraine đánh lừa được lực lượng phòng không Nga, tên lửa đánh trúng mục tiêu. Có thể trong thời gian tới, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Storm Shadow sẽ trở nên thường xuyên.

Hiện vẫn chưa rõ vai trò và hiệu quả thực sự của mồi nhử ADM-160B trong cuộc tấn công gần đây. Vì những lý do khác nhau, những thông tin này sẽ không được công bố trong một thời gian dài.

Nhưng giờ đây, lực lượng phòng không Nga đã biết dấu hiệu của những vật thể bay như vậy và đang chuẩn bị các biện pháp đối phó. Tên lửa phòng không của Nga sẽ không còn lãng phí vào những mục tiêu mồi nhử nữa, mà chúng sẽ có thể tập trung vào các mục tiêu trên không khác.

Việc chuyển giao tên lửa mồi nhử ADM-160B của Mỹ cho Ukraine cho thấy, có vẻ như Mỹ và NATO đã nắm được khả năng phòng không của Nga và nhận ra rằng, phòng không Nga có thể tiêu diệt ngay cả với các tên lửa hành trình bay tầm thấp hiện đại.

Và mồi nhử MALD là một nỗ lực để giúp tên lửa Storm Shadow khỏi bị lực lượng phòng không Nga đánh chặn như các loại vũ khí khác của Ukraine.

Tiến Minh (theo Topwar)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/muc-tieu-moi-nhu-adm-160b-my-vien-tro-cho-ukraine-loi-hai-the-nao-1856738.html