Mục tiêu mới cho tăng trưởng kinh tế 2020: Có khả thi?

Sau khi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế đã rõ ràng hơn, những thiệt hại kinh tế bước đầu đo đếm được, Chính phủ đã quyết định đề xuất quốc hội xem xét hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo các chuyên gia, dù các mục tiêu mới đã giảm, song để đạt được cũng không phải là điều dễ dàng.

Theo dự báo của chuyên gia, tăng trưởng XK của năm 2020 sẽ dưới 4%. Ảnh: TKTS

Theo dự báo của chuyên gia, tăng trưởng XK của năm 2020 sẽ dưới 4%. Ảnh: TKTS

Dự kiến giảm đồng loạt các mục tiêu tăng trưởng

Trong báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019 và đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020, Chính phủ cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Cụ thể trong những chỉ tiêu Chính phủ dự kiến cần điều chỉnh thì GDP dự kiến tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%) và nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn. Trong trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4% nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.

Đánh giá về động thái này của Chính phủ, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam thì Chính phủ chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng do chưa đánh giá hết tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam. Thực tế là qua 4 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chịu tác động rõ rệt của Covid-19 khi GDP quý I chỉ tăng 3,8%, XK tăng 0,5%..., do đó, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là phù hợp.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 dự kiến khoảng 4% (trước đây là dưới 4%), tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%), tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao, bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP, tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra trước đây và tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP, tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra.

(Trích báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020)

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu mới này không đơn giản. Theo ông Lê Quốc Phương, kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng phải dựa vào nội lực, vào xuất khẩu và vào khu vực FDI. Đơn cử như với các ngành công nghiệp hay nông nghiệp thì điều này càng rõ ràng hơn. Trong khi đó, hiện nay cầu trong nước không tăng, cầu thế giới đang giảm do các bạn hàng lớn của Việt Nam hiện đang rất khó khăn do chịu tác động lớn từ dịch bệnh dẫn tới nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm. “Với các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, dù có thuận lợi là các thị trường này đã bước đầu mở của trở lại nền kinh tế, các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch bệnh đã được nới lỏng tại quốc gia này song việc nới lỏng là chưa hoàn toàn mà đang rất thận trọng, do đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn tới thị trường XK của Việt Nam. Với quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, lên đến 200% so với GDP thì qua phân tích tình hình cho thấy, việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng GDP như đề ra là khó khăn”, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng XK dự kiến ở mức 4%, ông Lê Quốc Phương cho rằng, đây là con số tương đối cao và khá lạc quan. Chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng XK của năm 2020 sẽ dưới 4%, thậm chí dưới 3%. Nguyên nhân là do hiện sản lượng XK giảm và giá XK cũng giảm, như vậy XK đang đối mặt với việc giảm cả về lượng và giá. Về GDP, ông Lê Quốc Phương cho rằng đạt được 3% cũng là con số rất lạc quan, bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào kinh tế thế giới, trong khi đó nhiều quốc gia trên thế giới được dự báo tăng trưởng âm trong 2020.

Không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc điều chỉnh mục tiêu là phù hợp, tuy nhiên cần xây dựng mục tiêu vừa sức để phấn đấu đạt được. Với mục tiêu như dự kiến, chuyên gia này cho rằng, để đạt được thì thách thức và khó khăn là rất lớn bởi chúng ta đang phải thực hiện nhiệm vụ kép: chống dịch và khôi phục nền kinh tế và tăng trưởng và không được lơi là nhiệm vụ nào.

“Chỉ tiêu điều chỉnh theo tôi là cao trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử, chỉ tiêu xuất khẩu tuy đã hạ xuống 4% nhưng hiện nay 10 quốc gia nhập khẩu lớn hiện đang khó khăn, kinh tế sa sút. Điều này cho thấy, nếu đạt được những mục tiêu sau điều chỉnh là một thành công đáng ghi nhận trong bối cảnh các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn, nhiều quốc gia tăng trưởng âm”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Đặc biệt, chuyên gia này lưu ý, bên cạnh đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng phải chú ý tới việc kiểm soát dịch và hiệu quả của tăng trưởng, không đánh đổi để tăng trưởng bằng mọi giá. Đơn cử, nếu đẩy mạnh đầu tư công để tăng trưởng nhưng phải chú ý tới hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ. Như vậy, Việt Nam đang đối mặt với khó khăn kép, vừa đẩy mạnh phòng chống dịch vừa đảm bảo tăng trường, nguồn lực của đất nước vừa phải đổ vào để chống dịch vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế và nếu không kiểm soát dịch tốt thì kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

“Hiện Chính phủ cũng đã xây dựng hai kịch bản kinh tế trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP được xác định trong một khoảng từ khả năng thấp nhất đến cao nhất, trong khoảng từ 3,6 đến 5,4%. Tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế ở mức thấp sẽ phù hợp hơn, còn mức cao thì hơi khó. Ngay cả nếu chỉ đạt mức thấp nhất trong kịch bản cũng là đáng ghi nhận”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Về dự đoán khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, trước đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, VEPR cho rằng, nền kinh tế chỉ có thể phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát cả ở trong và ngoài nước. Đáng chú ý, tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm trong kịch bản xấu nhất.

Ở kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng cả năm đạt 4,2%. Trong kịch bản thứ 2, bệnh dịch kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020 thì cả tăng trưởng GDP cả năm là 1,5%. Và với kịch bản xấu nhất, bệnh dịch chỉ được khống chế hoàn toàn vào cuối năm, nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ nửa cuối quý IV/2020, khi đó tăng trưởng kinh tế cả năm là -1%.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/muc-tieu-moi-cho-tang-truong-kinh-te-2020-co-kha-thi-127198-127198.html