Mục tiêu lớn với kinh tế 2017

Không tập trung quá nhiều vào những kết quả đã đạt được, bài trình bày của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp Quốc hội hôm qua đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, để từ đó đề ra giải pháp khắc phục cho năm 2017. Thủ tướng khẳng định “Chính phủ đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa lời nói với việc làm”.

Phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của ASEAN-4

2016: Nỗ lực về đích

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh.

Trong 9 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 12,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%).

Một điểm sáng nữa trên bức tranh kinh tế là Chính phủ đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 60 về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được đôn đốc thực hiện.

Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1 - 3 ngày. Trong 9 tháng, có trên 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Niềm tin, không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp đang trở lại mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là: tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm ngoái (5,93% so với 6,5%); dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%); sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn; tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm; các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững; tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch; số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp; một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Thủ tướng cũng cho biết, dự báo năm 2016 có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt.

2017: Còn nhiều khó khăn

Tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng là những định hướng lớn của Chính phủ trong năm 2017. Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%, tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP, tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.

Định hướng điều hành của Chính phủ tiếp tục theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sẽ nhanh chóng được ban hành. “Phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của ASEAN-4”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, sẽ ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ khuyến khích huy động vốn qua thị trường chứng khoán, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng giám sát thị trường; sáp nhập 2 Sở giao dịch và nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán. Về kế hoạch tái cơ cấu DNNN, sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN, khi cổ phần hóa phải đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trên, theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai; loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, rà soát cắt giảm thực sự các chi phí không hợp lý do quy định và thực thi pháp luật gây ra cho doanh nghiệp và người dân.

“Phải xử lý nghiêm các trường hợp chây ì trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra”, ông Thanh lưu ý.

Anh Việt

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/muc-tieu-lon-voi-kinh-te-2017-167482.html