Mục tiêu là hiệu quả phục vụ

Những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Nhiều ứng dụng công nghệ mới, thông minh đã được triển khai thành công. Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số từng bước hình thành, gắn với cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Thực tế, với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, công dân có thể thực hiện thủ tục hành chính qua mạng ở bất cứ đâu mà không cần phải đến cơ quan quản lý như hình thức truyền thống. Hiệu quả là thời gian, chi phí được cắt giảm; thủ tục thuận tiện, công khai, minh bạch. Đối với cơ quan chức năng, công tác quản lý cũng hiệu quả hơn, và qua đó hình thành cơ sở dữ liệu điện tử có thể sẵn sàng kết nối, chia sẻ để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Những con số thống kê như 100% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trực tuyến, 98% giao dịch kê khai thuế, nộp thuế điện tử; 97% hồ sơ bảo hiểm giao dịch điện tử… đã chứng minh cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công thời gian qua.

Bên cạnh đó, những ứng dụng như quan trắc chất lượng không khí, lượng mưa tự động; truy xuất nguồn gốc nông sản… đã thiết thực phục vụ đời sống, góp phần giải quyết vấn đề dân sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, ứng dụng Hà Nội - SmartCity đã hỗ trợ người dân, chính quyền cung cấp, theo dõi thông tin dịch bệnh; tiếp nhận phản ánh và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân…

Với những lợi ích to lớn, nhiều mặt, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành, nâng cao đời sống người dân. Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 đang được các ngành của thành phố hoàn thiện, với mục tiêu phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Nói cách khác, trước hết cần phải có thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; cần có hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng nền tảng số để áp dụng tại các cơ quan, doanh nghiệp và toàn xã hội; cần có nguồn nhân lực để vận hành quá trình chuyển đổi số… Quan trọng hơn cả, những yếu tố đó cần tác động mạnh mẽ để chuyển đổi từ nhận thức đến hành động ở mỗi cấp, ngành và từng người dân. Trong đó, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, quyết định sự sẵn sàng cho quá trình đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi số được Hà Nội xây dựng trên các trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Do đó, quá trình chuyển đổi số nên ưu tiên bắt đầu từ các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố. Đây là nơi có thể dễ thực hiện hơn, đồng thời hiệu quả của chuyển đổi số sẽ tác động tích cực, lan tỏa đến các doanh nghiệp và mỗi người dân nhờ thấy được những lợi ích cụ thể mang lại.

Khái niệm chuyển đổi số đã được nói nhiều. Các công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn phục vụ cho quá trình chuyển đổi số cũng đã được đề cập thường xuyên. Song, để thuyết phục và từ đó thay đổi nhận thức, thu hút tất cả cùng tham gia vào quá trình này, không gì bằng kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp nhờ chuyển đổi số. Đây cũng là mục tiêu để các cấp, ngành, địa phương của Hà Nội hướng đến và thực hiện tốt hơn.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/993388/muc-tieu-la-hieu-qua-phuc-vu