Mục tiêu giảm 1,5°C toàn cầu thất bại vì Trung Quốc tích cực 'nhóm lò' nhiệt điện than

Dù nhiệt điện than trên thế giới đang trong xu hướng giảm, nhưng nỗ lực vì một trái đất an toàn vẫn bị phụ thuộc vào Trung Quốc khi quốc gia này đang có xu hướng tái khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than...

Khó đạt mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu

Theo cơ sở dữ liệu giám sát các dự án điện than toàn cầu Global Coal Plant Tracker trong năm 2018, các chỉ số hàng đầu về tăng trưởng công suất điện than đã suy giảm năm thứ ba liên tiếp, bao gồm số nhà máy khởi công xây mới, hoạt động tiền thi công và số nhà máy hoàn thiện.

Tổng công suất điện than ngừng hoạt động năm 2018 là gần 31 GW và đây là năm có số nhà máy điện than ngừng hoạt động cao thứ ba. Mỹ đứng đầu về công suất các nhà máy đóng cửa ở mức 17,6 GW - năm 2018. Con số chạm ngưỡng cao kỷ lục này (so với 21 GW nhà máy nhiệt điện than đã ngừng hoàn động vào năm 2015) được ghi nhận bất chấp chính quyền Tổng thống Trump đã nỗ lực hạn chế tình trạng các nhà máy điện than phải đóng cửa thông qua việc nới lỏng các quy định đối với ngành than, tìm cách chỉ định các nhà máy cũ buộc phải duy trì hoạt động để cung cấp điện dự phòng.

Ngành than ở Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống. Ảnh: chụp màn hình CNN

Ngành than ở Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống. Ảnh: chụp màn hình CNN

Tại Liên minh châu Âu (EU), các nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động có tổng công suất 3,7 GW, trong đó Vương Quốc Anh chiếm 2,8 GW. Tại Anh, tỷ trọng điện than đã giảm từ mức 39% tổng sản lượng điện cả nước năm 2012 xuống chỉ còn 5% trong năm 2018. Hơn một nửa các nước thành viên EU đã cam kết chấm dứt sử dụng than vào năm 2030 và Đức đưa ra cam kết ngừng sử dụng nhiên liệu này vào năm 2038.

Các nhà máy đóng cửa ở Trung Quốc và Ấn Độ có tổng công suất 9 GW, và con số này dự kiến sẽ gia tăng trong tương lai.

Ấn Độ đã đề xuất đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 48 GW đến năm 2027, trong đó chủ yếu là các nhà máy công nghệ dưới tới hạn (subcritical) và không có đủ trang thiết bị để đáp ứng các tiêu chuẩn chống ô nhiễm mới.

Nhận định của nhóm tác giả trong báo cáo “Giám sát các nhà máy nhiệt điện than toàn cầu 2019” (*) (“Bùng nổ và thoái trào năm 2019”), sự suy giảm đối với hầu hết các chỉ số tăng trưởng của điện than cho thấy môi trường chính trị, kinh tế ngày càng thắt chặt đối với các nhà sản xuất trong ngành này.

Cụ thể bao gồm các thắt chặt tài chính của hơn 100 tổ chức, cũng như kế hoạch chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than tại 31 quốc gia.

Tuy nhiên, dù công suất điện than mới giảm dần, nhưng chúng ta sẽ không thể thực hiện các mục tiêu khí hậu toàn cầu, nếu không chặn đứng sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện than mới và nhanh chóng dừng hoạt động của các nhà máy đang vận hành.

Phân tích mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho thấy, để hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, cần tiến hành cắt giảm 70% hoạt động sản xuất điện than đến năm 2030, và loại bỏ hoàn toàn dạng điện năng này vào năm 2050.

Ít tham vọng hơn, mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 2°C đòi hỏi cắt giảm 55% sản lượng điện than vào năm 2030, và tiến đến cắt giảm gần như hoàn toàn vào năm 2050.

Trong khi đó, một thực tế khác cho thấy, hoạt động thi công nhà máy nhiệt điện than đang “nóng” trở lại ở Trung Quốc. Công suất các nhà máy điện than đang thi công đã tăng 12% trong năm 2018, từ mức 209 GW năm 2017 lên xấp xỉ 236 GW năm 2018. Mức tăng này chủ yếu do Trung Quốc đã âm thầm nối lại hoạt động thi công của các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất hơn 50 GW từng bị "treo" do chính sách thắt chặt của chính phủ trước đó. Trong năm 2018, các ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động thi công của một số nhà máy nhiệt điện than vẫn đang tiếp diễn tại các khu vực dự án trước đây đã được công bố ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ nước này.

Báo cáo tháng 3.2019 của Hội đồng Điện lực Trung Quốc cũng đã đề xuất hạn mức công suất điện than của quốc gia này vào năm 2030 là 1.300 GW. Điều này cho thấy dấu hiệu về khả năng thay đổi chính sách nới lỏng hạn mức 1.100 GW trước đó của Trung Quốc. Sự thay đổi này sẽ cho phép bổ sung hàng trăm dự án điện than mới, bao gồm những dự án đang phải tạm dừng do chính sách của chính phủ trung ương. Ngoài ra, các tổ chức tài chính của Trung Quốc cũng đã nổi lên là nguồn cấp vốn hàng đầu cho các nhà máy nhiệt điện than mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Bế tắc vì Trung Quốc

“Với báo cáo của IPCC, chắc chắn việc gia tăng phát triển nhiệt điện than của Trung Quốc sẽ không đảm bảo việc cam kết của họ cho mục tiêu giảm 1,5 -2°C trên toàn cầu. Hiện nay Trung Quốc đang chiếm gần một nửa (48%) công suất điện than của toàn cầu, và đang có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy mới.”, ông Trần Đình Sính, phó Giám đốc GreenID bình luận với Người Đô Thị.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (United States Energy Information Administration), riêng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4,5 tỷ tấn than mỗi năm, chiếm một nửa lượng tiêu thụ than của cả thế giới (9 tỷ tấn/năm). Tổng cộng tiêu thụ than của 3 nước dùng nhiều nhất là Trung Quốc, Mỹ và Ấn độ chiếm hơn 6 tỷ tấn/năm, chiếm 2/3 của cả thế giới.

Vào ngày 24.4.2019, hình chụp hồng ngoại từ hệ thống vệ tinh Châu Âu và Mỹ cho thấy toàn cảnh nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu. Màu trắng và màu nâu đậm chỉ báo khu vực nào đang và sẽ chạm nền nhiệt từ 40°C trở lên.

Ông Đào Nhật Định, thạc sĩ kỹ thuật môi trường cũng cho rằng, theo kịch bản mà báo cáo IPCC trình bày cuối năm 2018, thì cam kết của Trung Quốc (bắt đầu giảm phát thải CO2 vào năm 2030) theo Hiệp định Paris không còn khả thi nữa. Báo cáo mới của IPCC yêu cầu các nước phải cắt giảm phát thải CO2 về 0 từ nay đến cuối 2055 để có thể hạn chế tăng nhiệt độ trong vòng 1,5°C. Điều đó không khả thi, vì thực tế nhóm nước cắt giảm quyết liệt nhất như EU cũng chỉ giảm được 1%/năm. Còn với mục tiêu 2°C thì phải cắt giảm 20% vào năm 2030, trong khi Trung Quốc không hề cam kết bắt đầu cắt giảm trước 2030.

“Phát thải CO2 của Trung Quốc hiện nay đã lên mức cao nhất thế giới”, ông Trần Đình Sính cho biết.

Nhìn lại lịch sử giai đoạn 1870 - 2017, Mỹ và các nước thuộc EU28 là những quốc gia phát thải nhiều CO2 từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhất (Mỹ: 25%, EU28: 22%). Trung Quốc xếp thứ 3 chiếm 13% cho lượng phát thải trong lịch sử, phần lớn là trong vài thập niên gần đây. Mặc dù trong lịch sử Trung Quốc phát thải ít hơn Mỹ và Châu Âu nhưng lại có tốc độ phát thải tăng rất nhanh, và sẽ là mối hiểm họa thực sự đối với toàn cầu nếu xu hướng này vẫn tiếp tục.

Năm 2015, phát thải CO2 của Trung Quốc là hơn 9 tỷ tấn, Hoa Kỳ 5 tỷ và Ấn Độ 2 tỷ tấn. Phát thải CO2 của Trung Quốc chiếm 28%, Mỹ chiếm 15% và Ấn Độ là 6% và tổng phát thải CO2 của ba nước dẫn đầu này chiếm 49%. Thủ phạm gây biến đổi khí hậu và nước biển dâng rõ ràng là chủ yếu do ba nước này và Trung Quốc là vị trí số 1.

Vậy liệu cần có những đòi hỏi và ràng buộc cao hơn với Trung Quốc đối với Hiệp định Paris về khí hậu hay không?

Thông tin từ GreenID cho biết, trong nhiều hội nghị quốc tế, dưới sức ép của các nước khác, Trung Quốc viện cớ là phát thải đầu người của họ nhỏ hơn nhiều so với các nước khác (đứng thứ 13 với 6,6 tấn/người - do dân số Trung Quốc lớn, khoảng 1,4 tỷ người). Vì vậy quốc gia này không hành động theo yêu cầu của các nước khác.

Hoạt động thi công nhà máy nhiệt điện than đang “nóng” trở lại ở Trung Quốc sau một thời gian tạm ngưng. Ảnh: BBC

“Về nội tình, Trung Quốc muốn chuyển sang nền kinh tế carbon thấp nhưng không dễ dàng. Họ đã cố gắng chuyển nhưng không được vì liên quan đến nhiều vấn đề xã hội khác nữa, đặc biệt là bất ổn xã hội, điều mà Trung Quốc không mong muốn.

Phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời đang dẫn đầu thế giới nhưng so với nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, nguồn năng lượng này chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của họ. Tổng lượng điện của Trung Quốc năm 2016 là 6.000 tỷ kWh nhưng điện gió là 242 tỷ kWh, chiếm 4% và điện mặt trời chiếm 68 tỷ kWh (chiếm hơn 1%).

Và vì vậy họ vẫn phải phát triển nhiệt điện than, mặc dù thời gian qua họ gặp phải vấn đề lớn về ô nhiễm không khí và than họ phải nhập khẩu.”, ông Trần Đình Sính bình luận.

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Báo cáo “Bùng nổ và thoái trào năm 2019” cho thấy, trong 5 năm qua, Việt Nam đã tăng 75% (13 GW) công suất điện than và cho tới nay, đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong số các nước có quy mô công suất trên 4 GW.

Hiện Việt Nam có hơn 17 GW điện than đang được vận hành, trong đó 1,8 GW đã được bổ sung trong năm 2018. Có gần 33 GW đang trong giai đoạn tiền thi công, trong đó 10 GW đã được cấp các giấy phép thi công cần thiết. Ngoài ra còn có 9,7 GW đang trong quá trình xây dựng.

Vốn hỗ trợ cho các dự án này chủ yếu là từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hoạt động tăng cường phát triển các dự án này có thể sẽ chậm lại do chính sách thắt chặt tài chính cho than của các ngân hàng Nhật Bản như Sumitomo Mitsui, MUFG và Mizuho. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang rót vốn cho các dự án điện than ở Việt Nam với tổng công suất gần 14 GW.

Có tổng công suất lắp đặt khoảng 6.264MW, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân - gồm 5 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) dự kiến sẽ là trung tâm nhiệt điện than lớn nhất nước khi hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2020. Thời gian qua thanh kiểm tra đã có nhiều phát hiện ĐTM nhà máy Vĩnh Tân 1, 2 kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và sinh kế người dân tại đây. Trước nguy cơ ô nhiễm lớn của cụm nhà máy này, vừa qua chính quyền tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ TNMT rà soát, lập ĐTM tổng thể cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: Lê Quỳnh

Thực tế cho thấy, hoạt động mở rộng sản xuất điện than đã và đang vấp phải sự phản đối ngày càng tăng từ phía người dân do những tác động tiêu cực như ô nhiễm môi trường.

Ghi nhận của Người Đô Thị cũng cho thấy, nhiều các chính quyền địa phương trong nước đang có xu hướng “nói không” với nhiệt điện than bởi rủi ro môi trường và những hệ lụy khác kéo theo trong quá trình xây dựng nhà máy nhiệt điện than theo quy hoạch điện quốc gia.

Trước áp lực dư luận, Quy hoạch Phát triển Điện 7 điều chỉnh đã giảm tổng công suất nhiệt điện than năm 2030 từ 75 GW xuống 55 GW. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, mức này vẫn cao. Các tổ chức cộng đồng vẫn đang kêu gọi cắt giảm mạnh hơn nữa công suất điện than trong quy hoạch năm 2020. Chi phí xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam dự báo sẽ giảm xuống mức thấp hơn so với các nhà máy điện than vào năm 2020 - 2022.

Thực tế này cho thấy, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam không có con đường nào khác là nỗ lực nắm lấy thời cơ phát triển năng lượng tái tạo một cách thực chất hơn. Bên cạnh cần giảm tỉ lệ nhiệt điện than (trong Quy hoạch điện 8 dự kiến vào cuối năm 2019 - PV), thì cần đẩy mạnh hơn nữa những thay đổi cơ bản trong chính sách với năng lượng tái tạo để phát triển bền vững.

Trao đổi với Người Đô Thị, ông Trần Đình Sính cho rằng, tình hình Việt Nam khác hoàn toàn so với Trung Quốc. Phát thải CO2 của Việt Nam và phát thải CO2 trên đầu người của Việt Nam không nằm trong 20 nước phát thải nhiều nhất thế giới nên chúng ta không chịu sức ép quốc tế về giảm phát thải như Trung Quốc.

Vì vậy việc phát triển năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng của Việt Nam chỉ dựa vào điều kiện trong nước.

Theo ông Sính, Quy hoạch Điện 7 và Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh đã không chú ý đủ đến năng lượng tái tạo. Vì vậy, Quy hoạch Điện 8 cần xem xét giảm nhiệt điện than, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo, và áp dụng sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả.

Thực tế, phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc: chưa có luật về năng lượng tái tạo mặc dù đã có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam chưa có Quy hoạch quốc gia về năng lượng tái tạo. Chưa kể, hệ thống đường dây truyền tải 500 kV quy hoạch trong Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh chỉ dùng cho truyền tải điện than từ Bắc vào Nam và thủy điện từ Trung vào Nam mà không tính đến nhu cầu của điện từ năng lượng tái tạo…

Một Chiến lược An ninh năng lượng quốc gia cũng cần phải được hoàn chỉnh, không chỉ tính đến vấn đề phát điện như hiện nay, tức là nguồn cung điện, mà còn cần tính đến quản lý “cầu” - tức tiêu thụ điện. Việc tổ chức và quản trị thị trường điện năng hiện không nằm trong bản Quy hoạch điện VI.

Lê Quỳnh

_________________

(*) Nhóm tác giả Báo cáo “Giám sát các nhà máy nhiệt điện than toàn cầu 2019” (Bùng nổ và thoái trào năm 2019): Christine Shearer là Nhà nghiên cứu và phân tích tại Global Energy Monitor; Neha Mathew-Shah là đại diện quốc tế của Chương trình Hợp tác Công đồng và Công bằng Môi trường tại Sierra Club; Lauri Myllyvirta là Nhà phân tích cao cấp của Chương trình Ô nhiễm không khí Toàn cầu tại Greenpeace; Aiqun Yu là một nhà nghiên cứu người Trung Quốc làm việc cho Global Energy Monitor; và Ted Nace là Giám đốc của Global Energy Monitor.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/muc-tieu-giam-1-5c-toan-cau-that-bai-vi-trung-quoc-tich-cuc-nhom-lo-nhiet-dien-than-18676.html