Mục tiêu của thể thao Việt Nam là đấu trường Olympic và ASIAD

Khép lại những ngày thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng đầu bảng tổng sắp với 205 Huy chương vàng, bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai với chỉ 92 Huy chương vàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn khẳng định: Các vận động viên Việt Nam đã thi đấu công bằng, sòng phẳng, hết mình vì màu cờ sắc áo để giành thành tích tốt nhất. Thành công này sẽ là bước đà cần thiết để thể thao Việt Nam hướng đến đấu trường lớn ASIAD và Olympic.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn chia sẻ về thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn chia sẻ về thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng

- Mục tiêu ban đầu của Đoàn thể thao Việt Nam là đạt từ 140 Huy chương vàng trở lên tại SEA Games 31, nhưng khi kết thúc đại hội, con số đã lên tới 205 Huy chương vàng, bỏ xa Thái Lan đứng thứ 2 tới 113 huy chương vàng. Điều này có làm ông bất ngờ?

- SEA Games 31 có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia hàng đầu khu vực ở 40 môn thi, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... Thực tế thi đấu, Đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 huy chương vàng, trong khi Thái Lan giành được 92 huy chương vàng. Điều này cho thấy đoàn thể thao Việt Nam vượt trội so với đoàn đứng thứ 2 là Thái Lan, đây là điều bất ngờ với tôi.

Trước khi đại hội diễn ra, chúng tôi đã rà soát kỹ lực lượng, đánh giá thể thao Việt Nam có thể giành từ 140 đến 185 Huy chương vàng. Tôi đặt chỉ tiêu 140 Huy chương vàng vì xác suất an toàn. Bởi với chừng đó Huy chương vàng, Việt Nam đã có thể nhất toàn đoàn, hoặc ít nhất trong tốp 3 dẫn đầu. Nhưng khi vào thi đấu tại giải, một số vận động viên đã tỏa sáng. Bất ngờ là nhiều vận động viên ở nhiều môn trước đây không được dự SEA Games đã thi đấu nỗ lực để có thành tích. Vận động viên tôi ấn tượng nhất SEA Games chính là Lương Đức Phước - huy chương vàng chạy 1.500m.

- Tại các kỳ SEA Games, thường có tình trạng chủ nhà đưa các môn thế mạnh vào thi đấu, gạt sở trường của các quốc gia khác, nhằm chiếm vị trí nhất toàn đoàn. Vậy, ở SEA Games 31, thì thế nào?

- Tại SEA Games 31, ngay từ đầu chúng ta đặt mục tiêu thi đấu tất cả nội dung Olympic và ASIAD, thi đấu hết mà không hạn chế thế mạnh của mình, cũng như thế mạnh của đối thủ. Chỉ có lợi thế duy nhất là sân nhà, khán giả nhà. Không có lợi thế nào về chuyên môn cả. Chính phủ, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, chúng ta tổ chức SEA Games 31 công bằng, cao thượng. Các trưởng đoàn thể thao quốc tế đánh giá rất cao công tác tổ chức và cả chuyên môn tại SEA Games 31. Chỉ duy nhất đoàn Malaysia có thắc mắc về trọng tài của môn pencak silat, dù vậy trọng tài điều hành các môn thi đều là người nước ngoài.

- Mặc dù số huy chương tại SEA Games 31 của Đoàn thể thao Việt Nam rất cao, nhưng tại sao thành tích tại các kỳ ASIAD, Olympic chỉ đứng thứ 5-6 Đông Nam Á?

- Những kỳ SEA Games gần đây ta luôn đứng trong 3 nước dẫn đầu. Khi tập trung đầu tư cho SEA Games, thể thao Việt Nam giải được bài toán thành tích tại đấu trường Đông Nam Á. Dù vậy, tại sân chơi ASIAD, Olympic lại là bài toán khác, phải tìm giải pháp khác, cần có sự khoanh vùng, đầu tư trọng điểm.

Đơn cử, Singapore có số huy chương SEA Games 31 khá thấp nhưng vận động viên của họ đạt tới thành tích rất cao, giành huy chương ở Olympic. Thể thao Việt Nam ra đấu trường ASIAD, Olympic vẫn thua Thái Lan, Indonesia, Philippines... bởi các nước đầu tư mạnh, trọng điểm cho thể thao từ rất lâu. Nếu thể thao Việt Nam không thay đổi cách đầu tư thì rất khó để vươn trình độ ở ASIAD, Olympic.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là vận động viên thành tích cao được đầu tư hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic. Ảnh: Bùi Lượng

- Xin ông cho biết hướng đầu tư cho các vận động viên thuộc nhóm môn Olympic và ASIAD trong thời gian tới?

- Thời gian tới, thể thao Việt Nam đầu tư tập trung cho khoảng 30 vận động viên để giành thành tích tại ASIAD 19 và Olympic 2024. ASIAD 19 dự kiến diễn ra tháng 9-2022 tại Trung Quốc nhưng đã bị hoãn và chưa biết sẽ tổ chức lại vào thời điểm nào.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu giành 3-5 huy chương vàng ASIAD. Cần khoanh vùng để tập trung đầu tư đầy đủ, bài bản cho ASIAD theo cách quốc tế làm. Số vận động viên Việt Nam có thể giành huy chương vàng ASIAD rất ít.

Phải thẳng thắn thừa nhận, các môn võ như karatedo, taekwondo, vật khi thi đấu ở SEA Games tưng bừng nhưng đến đấu trường ASIAD thì chưa là gì, đến Olympic lại càng khó khăn. Muốn giành được tầm 10 huy chương vàng ASIAD thì cần đầu tư bài bản, mạnh trong vòng 10 đến 20 năm nữa.

Với thực lực hiện nay thì 20 năm nữa bơi lội, điền kinh Việt Nam cũng không có huy chương Olympic. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng rất xuất sắc nhưng chỉ đặt mục tiêu ở ASIAD chứ giành huy chương Olympic là không khả thi.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ngân Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/1032802/muc-tieu-cua-the-thao-viet-nam-la-dau-truong-olympic-va-asiad