Mục tiêu 100% hộ dân nông thôn được tiếp cận nước sạch: Gian nan con đường cán đích

Đến năm 2020, cả 100% hộ dân khu vực nông thôn Hà Nội được tiếp cận nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đó là mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết của HĐND TP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để đạt được con số này, còn rất gian nan khi nhiều dự án nước sạch nông thôn đang khó khăn trong quá trình triển khai.

Người dân xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) phản ánh về tình hình hoạt động của Trạm cấp nước sạch xã Thanh Lâm. Ảnh: Linh Chi

Bài 1: Nhiều dự án chậm trễ

Người dân hàng ngày phải dùng nước thiếu vệ sinh là tình trạng đang diễn ra ở nhiều xã, thị trấn, một số huyện trên địa bàn TP. Trong khi, không ít dự án cấp nước sạch nông thôn đang triển khai rất chậm trễ, nên mục tiêu TP đặt ra về bao phủ mạng lưới cấp nước sạch nông thôn dường như vẫn cần nỗ lực lớn…

Tỷ lệ bao phủ thấp

Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP đã tích cực kêu gọi xã hội hóa (XHH) phát triển nguồn nước sạch, đường ống phân phối; Sở Xây dựng được giao thống nhất quản lý; đưa chất lượng nước về một chỉ tiêu chung là nước sạch đô thị. TP đã chỉ đạo các ngành tạo thuận lợi cho DN xây nhà máy (NM), phát triển mạng cấp nước; rà soát những công trình cấp nước nông thôn được đầu tư ngân sách trước đây để giao cho DN đủ kinh nghiệm quản lý vận hành; dừng đầu tư những trạm không hiệu quả…

Đến giữa 2018, TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án, bảo đảm khả năng đấu nối, cấp nước cho trên 50% người dân nông thôn và nếu các dự án hoàn thành, sẽ nâng lên hơn 380 xã được cấp nước sạch.

Dù vậy, khảo sát mới đây của Ban Đô thị HĐND TP cho thấy, nhiều dự án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện. Thực tế này khiến tỷ lệ bao phủ mạng cấp nước sạch tại các huyện trên địa bàn TP hiện còn khá khiêm tốn, trong khi chỉ còn hơn một năm nữa phải hoàn thành theo đúng mục tiêu TP đặt ra. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang, trong 53.000 hộ dân toàn huyện, mới có hơn 10% hộ được dùng nước sạch. Năm 2016 - 2017, TP đã phê duyệt cho huyện triển khai dự án cải tạo, nâng công suất NM nước Bắc Thăng Long, phát triển mạng cấp nước cho 4 xã và dự án xây dựng cấp nước sạch liên xã, nhưng đều vẫn đang trong quá trình triển khai.

Tại huyện Đan Phượng, hết quý II/2018, toàn huyện mới có 4 dự án đầu tư xây trạm cấp nước cho thị trấn Phùng và 4 xã được đưa vào vận hành, chỉ cung cấp được cho gần 30% hộ toàn huyện. Trên địa bàn huyện đang triển khai dự án cấp nước tập trung là NM nước mặt sông Hồng, theo kế hoạch 2020 hoàn thành để cấp nước đạt tiêu chuẩn cho 14 xã của Đan Phượng, 6 quận trung tâm và một phần Bắc Từ Liêm song đến nay vẫn chưa đưa được đất vào sử dụng, dù dự án đã được thuê đất từ tháng 5/2017.

Tại Chương Mỹ vẫn còn 13 xã đang chờ dự án nước sạch tại thị trấn Xuân Mai, theo kế hoạch 2017 phải hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hạng mục nào. Tương tự, nhiều dự án cấp nước tại các huyện Phú Xuyên, Ba Vì, Gia Lâm… cũng chậm tiến độ.

Ảnh: Linh Chi.

Sống chung với nước ô nhiễm

Đến Trạm cấp nước tập trung xã Thanh Lâm (Mê Linh), chúng tôi được biết, trạm đi vào hoạt động đã 15 năm, công suất thiết kế 1.500m3 nước/ngày đêm, nhưng thực tế chưa đạt 500m3/ngày đêm. Theo Tổ trưởng quản lý vận hành trạm Phạm Văn Tĩnh, nhu cầu dùng nước sạch lên tới 2.000 hộ trong xã, nhưng trạm chỉ cấp được cho 800 hộ, còn lại phải dùng nước giếng khoan, nước mưa.

Lý do là địa tầng đang ngày càng xuống thấp, nguồn nước đầu vào để xử lý giảm dần, trong khi máy móc lạc hậu không đủ mạnh để hút. Công nghệ cũ nên hệ thống lắng lọc, sản xuất nước cũng nhiều khó khăn; hao tổn nước lại lớn do mỗi lần rửa lọc mất 200m3 nước “tinh”, phải rửa từ 6 - 7 lần/tháng. Giá bán chỉ được quy định ở mức 6.000 đồng/m3 nhưng giá thành sản xuất đã vượt mức đó rất xa, chưa kể tổ quản lý đã phải chi rất nhiều tiền bảo dưỡng trạm. “Chúng tôi vẫn cầm cự, hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc đầu tư cải tạo trạm. Người dân xã từng ngày mong có nước máy, theo công nghệ mới hiện nay” - ông Tĩnh cho hay.

Cuộc sống người dân tại nhiều xã ở Ba Vì cũng đang rất khó khăn do chưa được tiếp cận nước sạch. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Dần cho biết: Người dân phải sử dụng nguồn nước dưới đất, nước ngầm, nước mưa, nước từ khe núi chưa qua xử lý. Cả huyện mới đạt 35% dân số được tiếp cận nước sạch. Đặc biệt, xã đảo Minh Châu hiện đang mỏi mắt mong nước sạch, do nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng. Công ty CP Ao Vua (chủ đầu tư dự án xây hệ thống cấp nước sạch nông thôn huyện Ba Vì) cùng Sở KH&CN vừa thử mẫu nước tại 2 điểm ở xã cho thấy: Nồng độ Asen gấp gần 11 lần giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, tiêu chuẩn về độ đục và độ Clo cũng cao gấp nhiều lần so với kết quả thử nghiệm.

Về tình trạng này, lãnh đạo UBND xã Minh Châu phản ánh: Từ độ sâu 17-20m, nước được bơm lên đỏ như nước sông Hồng, qua bộ lọc vào bể chứa vẫn rất đục, còn nhiều độc tố sắt, măng-gan... Trong khi chờ được đầu tư nước sạch, chính quyền chỉ biết kêu gọi người dân dùng thiết bị lọc nước đảm bảo chất lượng.

Cùng cảnh ngộ đó, tại Phú Xuyên còn tới 80% người dân phải sinh hoạt hàng ngày bằng nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa. Trong khi nguồn nước mặt, nước ngầm đã bị ô nhiễm kim loại nặng, nhất là nhiễm Asen vượt quy định nhiều lần. Người dân kỳ vọng lớn vào dự án đầu tư mạng lưới cấp nước cho 28 xã thuộc huyện do Công ty CP Nước sạch Hà Nam làm chủ đầu tư thì dự án cũng đang rất chậm trễ.

Cụ thể, được phê duyệt theo tiến độ phải hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay dự án mới hoàn thành 13km ống truyền tải đáp ứng nhu cầu cấp nước cho 3/28 xã, đang triển khai thi công tuyến ống phân phối và dịch vụ cho 2 xã; còn lại tại 22 xã và thị trấn Phú Xuyên vẫn chưa được thực hiện thi công.
(Còn nữa)

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/muc-tieu-100-ho-dan-nong-thon-duoc-tiep-can-nuoc-sach-gian-nan-con-duong-can-dich-326922.html