Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 vẫn là một thách thức lớn

Kết thúc phiên họp sáng 22/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và 3 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Ông Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội.

Cần phân tích rõ động lực tăng trưởng

Trong đó, Ủy ban Kinh tế chỉ ra nhiều vấn đề cần được quan tâm, đánh giá sâu sắc hơn đối với tình hình KT – XH năm 2018. Cụ thể, tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng diễn biến tăng trưởng kinh tế của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm. Thực tế này đòi hỏi cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.

Giáo dục đạt được nhiều thành tích trong dạy và học nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Chương trình giáo dục phổ thông mới chậm được ban hành; tự chủ đại học còn hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao; công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại một số tỉnh; sách giáo khoa xuất bản độc quyền, gây lãng phí cho xã hội.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có chuyển biến, song khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ diễn biến phức tạp.

Tương tự đối với tình hình KT - XH 3 năm 2016 – 2018, Ủy ban Kinh tế lưu ý: Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần chững lại; công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển.

Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm dần theo từng năm, nhưng vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai.

Ở một số nơi, các cấp chính quyền chưa quan tâm nhiều đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dự các phiên tòa hành chính đã đẩy một số vụ việc càng phức tạp hơn, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo. Thu ngân sách cơ bản mới đủ cho chi thường xuyên, trả nợ lãi và một phần tích lũy cho đầu tư; số thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng không đạt dự toán trong 2 năm 2017 và 2018 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách Trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước. Nợ bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều rủi ro.

Phải đảm bảo các cân đối lớn

Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm các nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, trước hết cần rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật; hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và khai thác tốt những cơ hội từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Chính phủ cũng cần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu chi phí sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi công vụ, trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Ủy ban Kinh tế đặc biệt lưu ý đến yêu cầu nâng cao chất lượng các kỳ thi; bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ; tránh lãng phí, độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa.

Với những kết quả đã đạt được và hạn chế của 3 năm 2016-2018, dự kiến kế hoạch năm 2019, Ủy ban Kinh tế cho rằng có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 142/2016 của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 5 năm 2016 – 2020. Nhưng có thể thấy, một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, gồm: Tỷ lệ tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; Tiêu hao năng lượng tính trên tổng sản phẩm trong nước bình quân; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trên tổng sản phẩm trong nước năm cuối kỳ; Tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Ngoài ra, “thực tế phát triển doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/muc-tieu-1-trieu-doanh-nghiep-vao-nam-2020-van-la-mot-thach-thuc-lon.aspx