Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 có thể đạt được

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tình hình phát triển của doanh nghiệp (DN) như hiện nay, mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là hoàn toàn có thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thách thức rất lớn

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng của năm 2018, có 96.611 DN đăng ký thành lập mới, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2017; tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế là 2,85 triệu tỷ đồng, bình quân đạt 10 tỷ đồng/DN, tăng 3,8%.

Trong báo cáo thẩm tra về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, thực tế phát triển DN nói chung và DN khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.

Sự chậm chạp trong việc cơ cấu lại DN nhà nước (NN), đến mức qua non nửa năm 2018 chỉ cổ phần hóa chưa được 1/10 kế hoạch đề ra là một thực tế không mới nhưng lại chưa thể tìm được lời giải. Chưa tính tới sức khỏe nội tại của khối DN tư nhân, sự trì hoãn cổ phần hóa khối DNNN nói trên cũng đã tác động xấu tới mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020.

Đặc biệt, khi việc phát triển DN vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng DN chờ giải thể, phá sản tăng cao. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng qua có 23.053 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,62% so với cùng kỳ; số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 50.050 DN, tăng 62,2%; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 11.536 DN, tăng 32,05%.

Đại biểu Quốc hội lo “lỡ hẹn”

Mặc dù, đã trải qua gần 3 năm triển khai, song Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 dường như chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Mục tiêu đạt được 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như nghị quyết đề ra đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn và nghi ngại về tính khả thi.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): “Mục tiêu có được 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 thì cả trong báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đều nhận định đây là một mục tiêu đầy thách thức. Tôi nhớ lại mười mấy năm trước, khi còn tại nhiệm thì cố Thủ tướng Phan Văn Khải, vị Thủ tướng của Luật Doanh nghiệp, đã đưa ra mục tiêu là nước ta phải có 500.000 DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2010. Nhưng chúng ta đã phải trễ hạn tới 6 năm để thực hiện mục tiêu này.

Lần này, câu hỏi đặt ra là, liệu mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 của Chính phủ có hay không thêm một lần lỡ hẹn? Vào thời điểm này, sau nhiều nỗ lực để xây dựng quốc gia khởi nghiệp và đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng 4.0 nhưng chúng ta mới chỉ có 600.000 DN đang hoạt động và để đạt được mục tiêu 1 triệu DN sau 2 năm nữa, mỗi năm chúng ta phải có thêm ít nhất trên 200.000 DN mới ra đời, nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Bất khả thi về tốc độ thành lập các DN mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại không muốn lớn, trong khi xét về bản chất kinh tế thì khu vực này đã là DN và đang đóng góp tới 30% GDP. Đây chính là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng DN, điểm nghẽn thể chế ở đây chính là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho DN nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm rằng các DN này không chỉ không bất lợi so với DN lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần làm rõ việc cứ 100 DN lập mới thì 77 phá sản, và băn khoăn: Vì sao số DN phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện? Với đà này, liệu mục tiêu 1 triệu DN có đạt được?

Để tạo đà cho DN phát triển, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ phải ráo riết cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho các địa phương và DN thực hiện các dự án đầu tư một cách nhanh chóng, nhất là việc phân bổ nguồn vốn.

Ông Phương cho hay, qua giám sát, việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài được DN phản ánh, hầu hết các dự án đều mất nhiều thời gian chờ đợi vốn vì phải qua quá nhiều khâu trung gian, phải qua nhiều bộ để có vốn dự án. Trong bộ thì có nhiều cục, trong cục lại có các vụ, trong vụ lại có các phòng, ban và cá nhân phụ trách. Với quá nhiều tầng lớp như vậy nên nguồn vốn đến với DN rất chậm. Thậm chí, có dự án điều chỉnh một chi tiết nhỏ nhưng phải mất hàng năm mới thực hiện được. Đó là những lý do khiến DN “chậm lớn”.

4 nguyên nhân cản trở DN phát triển

Giải trình trước Quốc hội ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, gần đây DN tăng trưởng rất nhanh, năm nay, dự kiến đạt khoảng 130.000 DN, tăng 2,5%. Tuy nhiên, con số 9 tháng đầu năm vừa qua các đại biểu nêu là con số chờ giải thể tăng cao, có 4 nguyên nhân:

Thứ nhất, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải, DN yếu, không còn khả năng tồn tại thì sẽ bị loại khỏi để thay vào DN tốt và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển.

Thứ hai, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất đang rất khó khăn đối với DN, như tiếp cận về vốn, công nghệ, đất đai, lao động, đầu vào chi phí logistic... Việc DN hoạt động sau một thời gian thành lập không hoạt động hiệu quả và tự rút lui khỏi thị trường cũng có vấn đề.

Thứ ba, từ tháng 4 vừa qua, các địa phương tập trung vào công tác rà soát số liệu của DN này, từ trước đến nay đã có tổng hợp nhưng không đầy đủ, lần này là lần làm quyết liệt hơn thì số đã giải thể từ mội vài năm trước chưa được tổng hợp, lần này đã được tổng hợp tương đối đầy đủ nên trong 9 tháng này nó đã tăng cao so với con số của các năm trước.

Thứ tư, một số DN đúng là có hiện tượng trục lợi chính sách, lập lên nhưng không hoạt động gì, chỉ buôn bán hóa đơn...

Giải pháp nào?

Để khai thông các điểm nghẽn, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị: “Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Kế toán, Luật Thuế để có thể áp dụng chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho DN nhỏ, siêu nhỏ như các nước đã làm. Đây là giải pháp có ý nghĩa đột phá, giải pháp này cộng hưởng với cải cách quyết liệt đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt trong cắt giảm giấy phép con và thủ tục hành chính với phương châm tiếp tục cởi trói cho DN theo tinh thần thực thi: “trên nóng, dưới nóng, giữa cũng phải nóng”, chứ không phải như hiện nay: “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh”. Chúng ta sẽ khởi động được một hành trình nâng cấp chính thức hóa khu vực kinh tế tư nhân, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Với hành trình này, mục tiêu có được 1, 2 hay 3 triệu DN sẽ là trong tầm tay, tôi tin là chúng ta làm được điều này”.

Về mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện đang có 702.000 DN đang hoạt động trên cả nước, để đạt mục tiêu hai năm nữa còn khoảng 300.000 DN.

Giải pháp để đạt mục tiêu được Bộ trưởng Dũng nêu ra gồm cả phát triển khu vực DN và chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN.

Theo Bộ trưởng, đầu tiên phải triển khai hỗ trợ đầy đủ các chính sách, các chương trình của DN theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Thứ hai, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa và dễ dàng tiếp cận các thị trường yếu tố đầu vào: vốn, đất đai, công nghệ, lao động.

Thứ ba, phải tháo gỡ được các khó khăn và giải quyết các thủ tục cho DN. Vừa rồi có nhiều đại biểu đã nêu, chúng ta đang còn rườm rà, đang vô cảm và đang làm mất nhiều thời gian và chi phí của DN, gây nhiều khó khăn cho DN nên rất khó có thể phát triển được.

Thứ tư, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển một số DN lớn trong nước làm đầu tàu lôi kéo, tạo sức lan tỏa.

Về hộ kinh doanh, theo Bộ trưởng, hiện nay, chúng ta đang có 5,2 triệu hộ kinh doanh, nhưng việc chuyển sang DN cũng rất khó khăn. Vừa qua, Chính phủ đã có một số giải pháp và đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chế độ kế toán riêng cho các hộ kinh doanh chuyển sang DN. Xây dựng một cơ sở đại lý thuế để tư vấn và cung cấp các dịch vụ kế toán cho các hộ kinh doanh này. Tất cả những điều này chắc chắn đều hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển đổi một cách dễ dàng hơn sang DN.

“Với những chính sách hỗ trợ chuyển hộ kinh doanh sang DN cũng như hỗ trợ phát triển DN, chúng tôi tin rằng, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là hoàn toàn có thể”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Mỗi ngày có 270 DN phải rời khỏi thị trường

Theo Tổng Cục thống kê (Bộ KH-ĐT), 9 tháng qua, hơn 73.000 DN tạm ngừng hoạt động, bao gồm hơn 23.000 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hơn 50.000 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

11.536 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý III có 4.907 DN giải thể, tăng 48,3% so với quý II và tăng gần 49% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, mỗi ngày có đến 270 DN phải rời khỏi thị trường.

Dương Thanh

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/muc-tieu-1-trieu-dn-vao-nam-2020-co-the-dat-duoc-post23419.html